Tiếng Việt | English

31/10/2018 - 10:57

Những hạt nhân ở biên giới - Bài 3: Bắt cướp, cảm hóa người buôn lậu, làm ngoại giao nhân dân

Mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện, công việc khác nhau, có thể là đảng viên hoặc là quần chúng nhưng họ luôn sống trách nhiệm, có nhiều đóng góp, việc làm tốt góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển KT-XH, quốc phòng ở mảnh đất biên giới thân thương - nơi họ đang cư trú. Theo Thượng tá Vũ Minh Tùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, những nhân vật trong bài phóng sự này chính là hạt nhân tiêu biểu, điển hình ở vùng biên giới đầy nắng, gió.

Gia đình ông Huỳnh Văn Đời là điển hình về tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Thúy Hằng

Gia đình ông Huỳnh Văn Đời là điển hình về tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ đường biên, cột mốc. Ảnh: Thúy Hằng

Nhiều năm qua, người dân vẫn cùng với chính quyền, các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự biên giới, giữ gìn đường biên, cột mốc, cảm hóa đối tượng buôn lậu và làm đối ngoại nhân dân. Đó là những việc làm ý nghĩa của ông Huỳnh Văn Đời (67 tuổi), ngụ ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa và ông Đặng Sầu Riêng (63 tuổi), ngụ ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ.

Nông dân làm ngoại giao

Ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, ông Huỳnh Văn Đời (Hai Đời), không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà còn được biết đến là người tích cực hỗ trợ địa phương trong các hoạt động, phong trào. Căn nhà ông đang sinh sống ngay ngã ba đường, sát đường biên giới, nhiều năm qua vẫn thường được gọi là “nơi tiếp khách quốc tế”. Đó là nơi những người nông dân bên kia biên giới vẫn hay sang uống trà, trò chuyện, trao đổi sản xuất. Qua những lần gặp gỡ đó, ông Hai Đời tuyên truyền, vận động người dân nước bạn cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, không xâm phạm đất đai của nhau, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

Sở dĩ, ngôi nhà ông Đời có nhiều người bạn Campuchia ghé chơi, ngoài việc gia chủ vui vẻ, cởi mở, thân tình, còn có lý do gia đình ông có hai dòng máu Cam - Việt đang chung sống. Vợ ông - bà Huỳnh Thị Nương (63 tuổi) vốn là người gốc Svay Rieng, có tên cha mẹ đặt cho là Som Nuol, về làm dâu ở Bình Bắc từ năm 1972. Câu chuyện thành vợ chồng của ông bà cũng dài dằng dặc như con đường biên giới chạy trước nhà ông vậy.

Giờ nhớ lại, ông Hai Đời chỉ nói ngắn gọn: “Ngày xưa làm quen, rồi cưới được bà Som Nuol cũng nhờ những lần đi làm ruộng xuyên quốc gia”. Từ câu chuyện của ông bà, minh chứng cho câu nói “Quốc gia có đường phân giới, nhưng tình yêu, tình cảm của người dân thì đâu có làn ranh”. Mấy mươi năm về làm dâu ở Bình Bắc, tình cảm vợ chồng ông bà vẫn thắm thiết. Bà sống hòa nhập, gần gũi với hàng xóm, người dân xung quanh. Nghe bà nói chuyện bằng tiếng Việt, nhiều người sẽ không tin nếu biết bà vốn sinh ra, lớn lên bên Campuchia.

Về làm dâu ở xứ Bình Bắc mấy chục năm qua, bà đã sinh cho ông 7 người con. Tất cả các con bây giờ đều đã lớn, một số có gia đình riêng, cuộc sống ổn định.

Trong vụ việc gây rối tại cột mốc 203 ở ấp Bình Bắc năm 2015 làm những người dân sinh sống giáp ranh hai bên biên giới như ông Hai Đời rất bức xúc, bởi từ xưa đến nay, nhân dân hai bên vẫn sống hòa thuận với nhau. Vì sự việc này, ông mất ăn, mất ngủ; thế rồi, ông quyết định đi tuyên truyền, vận động người dân hai bên giáp ranh bình tĩnh, không nghe theo sự xúi giục, lôi kéo của thành phần xấu đi gây rối làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu hảo của nhân dân hai nước.

Sau sự cố thoáng qua đó, biên giới ở ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa trở lại yên bình. Người dân hai bên giáp ranh sống hòa thuận, thường xuyên qua lại gặp gỡ, trao đổi mua bán, chia sẻ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và cùng thông tin tình hình biên giới để giữ gìn, bảo vệ. Ông Hai Đời vẫn luôn là người gắn kết tình cảm đó giữa người dân hai nước nơi đây.

Theo Thượng tá Nguyễn Hoa Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, ông Hai Đời là người có uy tín ở địa phương, ông được chính quyền, ngành chức năng nhiều lần biểu dương vì có nhiều thành tích, đóng góp trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở vùng biên giới.

Gần gũi, nhiệt tình như ông “sầu riêng”

“Ở vùng này, ai cũng biết đến ông Đặng Sầu Riêng - người rất có uy tín ở địa phương, sống gương mẫu, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào...”. Đó là những chia sẻ của nhiều người dân ở xã biên giới Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, khi nói về ông 7 Sầu Riêng.

Cũng vì bận bịu với việc xóm, ấp nên mỗi lần ai muốn gặp ông Sầu Riêng, nếu không hẹn trước thì ít khi gặp được ở nhà. Ông thường xuyên đi tuyên truyền, vận động làm đường, từ bỏ buôn lậu, qua Campuchia thăm bạn, thậm chí là đang được nhờ đi đại diện nói chuyện cưới hỏi,...

63 tuổi đời, 39 năm tuổi Đảng, ông Đặng Sầu Riêng đã có nhiều đóng góp cho vùng biên giới này. Hơn 20 năm qua, ông luôn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp 6, xã Mỹ Quý Đông. “Mọi người còn tín nhiệm, trong khi mình còn khả năng đóng góp thì không thể từ chối được. Đó cũng là trách nhiệm của công dân, đảng viên với nơi mình đang sinh sống” - ông 7 Sầu Riêng thổ lộ. Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 6, xã Mỹ Quý Đông - Lê Văn Uông nhận xét: “Ông Sầu Riêng hay lắm! Gặp khó khăn gì, chúng tôi vẫn nhờ ông ra tay hỗ trợ”.

Trong căn nhà cấp 4, minh chứng về những thành tích của ông được thể hiện rõ, bức tường treo nhiều giấy khen, bằng khen, trong đó có cả cấp Trung ương. Tấm ảnh ở giữa còn mới toanh là ông chụp chung các đại biểu được tuyên dương điển hình, uy tín ở biên giới của nhiều tỉnh trong cả nước. Ông bảo rằng, treo những thành tích này không phải để khoe mà ý nghĩa là để nhắc nhở các con noi theo, bản thân cũng nhìn vào đó để có thêm động lực, cố gắng có nhiều đóng góp hơn nữa cho xóm, ấp.

Ông Đặng Sầu Riêng (ngồi trước) luôn tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương

Ông Đặng Sầu Riêng (ngồi trước) luôn tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương

Trò chuyện cùng ông, chúng tôi càng nhận thấy ở con người này bầu nhiệt huyết với xóm, ấp, giữ gìn an ninh, trật tự biên giới, đối ngoại nhân dân luôn lan tỏa. Ngoài nhiệt tình, ở ông luôn toát ra sự gần gũi, hài hước, hóm hỉnh. Đó cũng là lý do, người dân ở ấp, xã từ người lớn đến trẻ nhỏ đều quý mến ông. Ngay cả những người bạn Campuchia cũng rất thích kết bạn với ông. Thế nên, chuyện ông đi đám tiệc, thăm bạn bên Campuchia và ngược lại trở nên thường xuyên.

Nói về ông, nhiều người dân vẫn còn nhớ, vào thập niên 90, ở địa bàn xã Mỹ Quý Đông, dân cư còn thưa thớt, tình hình an ninh, trật tự khá phức tạp, xảy ra cướp có vũ trang. Thế là, ông Sầu Riêng vẫn thường xuyên đi mật phục trong đêm để bắt cướp. Bản thân ông trực tiếp tham gia cùng lực lượng chức năng bắt 4 vụ cướp có vũ trang và bắt được 2 đối tượng. Trong đó, có lần vừa nhìn thấy đối tượng rút súng để chống trả thì nhanh như cắt, ông lao vào “tung cước” đá văng khẩu súng, khống chế bắt giữ tội phạm.

Ở địa bàn xã Mỹ Quý Đông, trước đây, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra rất phức tạp. Trước tình hình này, ông Sầu Riêng thường xuyên tuyên truyền, vận động được nhiều người dân địa phương từ bỏ buôn lậu, trở về lao động, sản xuất, có cuộc sống ổn định. Để cảm hóa người buôn lậu, ông Sầu Riêng đều sử dụng phương pháp tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, đi cùng với đó là tìm hiểu đời sống để kiến nghị chính quyền có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, tạo việc làm.

Như trường hợp ông Lê Văn Sự, ngụ ấp 6, xã Mỹ Quý Đông, trước đây tham gia điều hành vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới. Từ sự vận động, thuyết phục bền bỉ, kiên trì của ông Sầu Riêng, ông Sự đã từ bỏ buôn lậu về làm ruộng, chăn nuôi trâu, bò hơn 10 năm nay. Hiện kinh tế gia đình ông Sự cũng khá giả.

Kể về thời gian ông 7 Sầu Riêng vận động mình từ bỏ buôn lậu, ông Sự nhớ lại: “Tôi chưa thấy ai đi vận động mà dai như ông Sầu Riêng! Ông đến nhà nếu không gặp tôi thì lại thuyết phục người thân. Ông cũng thường sử dụng chiêu rủ nhậu để trò chuyện, khuyên nhủ tôi bỏ buôn lậu, về làm ăn đàng hoàng”./.

(còn tiếp)

Bài cuối: Gần dân, bám sát địa bàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Lê Đức

Chia sẻ bài viết