Tiếng Việt | English

26/06/2018 - 08:51

Tình đất, tình người quanh cột mốc 202, 203 - Bài 2: Gắn bó bền chặt

Cột mốc 202, 203 nằm cách nhau khoảng 3km, trên đường phân giới giữa ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tinhr Long An với ấp Pray Vo, xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Từ bao đời nay, người dân 2 bên cột mốc luôn gắn bó, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Người dân hai bên biên giới quanh cột mốc 202, 203 luôn đoàn kết hỗ trợ canh tác trên những thửa ruộng giáp biên

Người dân hai bên biên giới quanh cột mốc 202, 203 luôn đoàn kết hỗ trợ canh tác trên những thửa ruộng giáp biên

Người dân 2 bên biên giới khu vực cột mốc 202, 203 từ trước đến nay luôn gắn bó bền chặt, sống chan hòa với nhau. Với họ, tình cảm chẳng có ranh giới...

Câu chuyện ngày trước

Hơn 50 năm gắn bó với vùng đất Bình Bắc, bà Đặng Thị Dứng đã quá quen thuộc với những cuộc qua lại của người dân 2 bên biên giới quanh cột mốc 202, 203. Bà là chủ nhân của miếng đất được mọi người nhắc đến với tên gọi Gò Chùa. Bà Dứng kể: “Khoảng năm 1984, trong lúc tôi và anh trai đang nhổ cỏ, cha ngồi nghỉ uống trà thì có người đàn ông Campuchia tên Tà Xương sang xin gia đình tôi làm lúa tránh giùm gò đất nhỏ và cho phép mỗi năm được đến thắp nhang một lần. Theo ông Tà Xương, đây là phần đất mà lúc còn thuê ruộng, gia đình ông chọn làm nơi tổ chức nghi thức hỏa táng người thân trước khi mang tro cốt về nước”.

Vì nghĩ đến tình nghĩa láng giềng, mối quan hệ hữu nghị, gia đình bà Dứng sẵn sàng dành phần đất của mình để hàng năm, ông Tà Xương sang cúng tổ tiên, ông bà. Vậy mà, đến năm 2012, khi ông qua đời, người con rể lại bịa đặt, vu khống người dân Việt Nam xâm lấn, chiếm đất của cha vợ mình. “Tôi theo gia đình đến đây lập nghiệp lúc mới 10 tuổi. Khi ấy, khu vực này chỉ có một gò đất nổi lên giữa đám cỏ, không hề có một bia đá hay khúc cây nào chứng tỏ nơi đây từng là một ngôi mộ. Vậy mà, nhiều người Campuchia (không phải người dân xã Tà Nốt) nói đây là đất của họ dẫn đến vụ việc đáng tiếc xảy ra tại cột mốc 203 vào năm 2015” - bà Dứng nói.

Anh em một nhà

Mặc cho nhóm người lạ đến khu vực biên giới gây rối nhưng tình cảm người dân 2 bên vẫn trước sau như một, luôn gắn bó, sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Cách cột mốc 203 khoảng 400m, có con đường mòn mà người dân 2 ấp Bình Bắc - Pray Vo thường xuyên qua lại thăm viếng, giao thương. Ông Som Chan - người dân xã Tà Nốt, khá rành tiếng Việt, phấn khởi nói, nhờ con đường này, người dân Pray Vo qua ấp Bình Bắc mua vật tư nông nghiệp về sản xuất, thậm chí vào trung tâm huyện Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường lựa chọn nhiều mặt hàng tiêu dùng. “Người dân 2 bên biên giới đang sống với nhau rất yên ổn. Vậy mà, không hiểu vì sao, năm 2015 lại có nhóm người lạ đến đây gây sự. Họ là những người từ thủ đô Phnom Penh và các tỉnh xa kéo đến chứ không phải là người dân Tà Nốt của chúng tôi” - ông Som Chan phàn nàn.

“Samaki” là từ phổ biến nhất mà người dân quanh cột mốc 202, 203 dành cho nhau. Dọc theo đường tuần tra biên giới, người dân 2 bên nhìn nhau gật đầu và giơ tay lên nói “samaki”. Theo ông Đào Văn Thức, ngụ ấp Bình Bắc, “samaki” có nghĩa là đoàn kết. Trước đây, cuộc sống khó khăn, người dân 2 bên biên giới phải vất vả sớm hôm, cùng nhau đoàn kết canh tác trên những thửa ruộng giáp biên. Dù chưa có cột mốc như bây giờ nhưng hai bên cứ “nhắm” theo lằn ranh bờ ruộng mà làm, chẳng ai cuốc phạm ai một nhát đất nào,...

Việc hỗ trợ nhau vài con bò nuôi “vỗ béo” là chuyện bình thường của người dân hai bên biên giới

Việc hỗ trợ nhau vài con bò nuôi “vỗ béo” là chuyện bình thường của người dân hai bên biên giới

“Hơn nửa thế kỷ qua, chúng tôi gắn bó với nhau như anh em một nhà. Người dân ấp Bình Bắc thường qua ấp Pray Vo tìm mua nấm tràm, nấm mối và các loại thổ sản khác. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, đến Tết Nguyên đán, mấy anh em bên Tà Nốt đều sang chúc mừng, nhâm nhi vài ly rượu với chúng tôi. Đáp lại tình cảm ấy, chúng tôi cũng thường qua bạn chúc mừng vào dịp đón tết cổ truyền của dân tộc, cùng hát bài Svay Chanty, vui cùng điệu múa lâm thôn” - ông Đào Văn Thức chia sẻ.

Trên đường dẫn chúng tôi tham quan cột mốc 202, 203, anh Hàn Văn Cường - cán bộ Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây, chia sẻ nhiều câu chuyện xung quanh người dân 2 biên giới. Anh nhận định, hiện nay, tình hình an ninh, trật tự khu vực biên giới tương đối ổn định. Tình làng, nghĩa xóm của người dân xung quanh cột mốc 202, 203 ngày càng gắn bó khắng khít, bền chặt hơn. Ngoài những cột mốc cố định được đánh số thì chuyện người dân 2 nước sống hòa bình, ổn định dọc tuyến biên giới chính là những “cột mốc nhân dân” mà không thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, bóp méo sự thật...                

(còn tiếp)

Bài 3: Bảo vệ đường biên, cột mốc

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết