Tiếng Việt | English

01/08/2019 - 20:45

Việt Nam đề xuất một số ưu tiên trong hợp tác Mekong - sông Hằng

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề xuất tăng cường hợp tác kết nối, đặc biệt là việc mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng lần thứ 10 (MGC-10) đã diễn ra chiều 1/8, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok.

MGC-10 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đồng chủ trì, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Về tình hình hợp tác thời gian qua, các bộ trưởng hoan nghênh những kết quả đã đạt được, điển hình là các chương trình học bổng của MGC cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; thành lập Bảo tàng dệt may truyền thống châu Á tại Siem Reap (Campuchia); dự án Trung tâm lưu trữ dữ liệu chung tại trường Đại học Nalanda (Ấn Độ); và các hoạt động kết nối giữa Ấn Độ và các nước thuộc khu vực sông Mekong như diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc họp Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ của MGC.

Các bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Quỹ dự án hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ cho 24 dự án của các nước Mekong, trong đó Việt Nam có chín dự án.

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và ứng phó với các thách thức chung, cũng như phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa các nước Mekong và Ấn Độ, các bộ trưởng nhất trí thông qua Kế hoạch hành động MGC giai đoạn 2019-2022, trong đó bổ sung thêm ba lĩnh vực hợp tác mới là quản lý nguồn nước, khoa học công nghệ, nâng cao năng lực và phát triển kỹ năng; tiếp tục tăng cường hợp tác về nông nghiệp, thủy sản, y tế, thương mại, văn hóa và du lịch. Hội nghị cũng hoan nghênh việc Ấn Độ trở thành đối tác phát triển của Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao các hoạt động mà hợp tác MGC đã triển khai trong thời gian qua và cảm ơn sự hỗ trợ của Ấn Độ dành cho khu vực Mekong.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh năm 2020 kỷ niệm 20 năm hợp tác MGC, đây là thời điểm để xây dựng lộ trình đưa hợp tác MGC lên tầm cao mới. Phó Thủ tướng đã đề xuất một số ưu tiên hợp tác trong thời gian tới, bao gồm tăng cường hợp tác kết nối, đặc biệt là việc mở rộng Hành lang kinh tế Đông-Tây, Hành lang kinh tế phía Nam tới Ấn Độ bằng đường bộ và đường biển, cũng như mở rộng tuyến đường cao tốc Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan tới Campuchia, Lào và Việt Nam.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đã đề xuất tích cực nghiên cứu các dự án hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức nối liền khu vực Mekong và Ấn Độ; thuận lợi hóa thương mại và đầu tư thông qua xóa bỏ các rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, hợp tác về thông quan, kiểm dịch, và phát triển chuỗi cung ứng khu vực; thúc đẩy quản lý nguồn nước bền vững, đặc biệt là việc thực hiện các dự án về thu thập và giám sát dữ liệu tài nguyên nước, quản lý nước ngầm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, kiểm soát lũ lụt và hạn hán.

Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng MGC lần thứ 10, Kế hoạch hành động hợp tác MGC giai đoạn 2019-2022, và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-sông Hằng lần thứ 11 tại Việt Nam trong năm 2020./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết