Tiếng Việt | English

21/04/2016 - 16:41

Biển lặng

Chú thím Tư chuẩn bị lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc để mang ra đảo thăm nhà và mấy đứa con. Trên biển thường sóng lớn, đi tàu say dữ lắm, nhưng vợ chồng chú phải cố gắng ra thăm con như mọi năm.


Ảnh: Internet

Với chú Tư, đảo đã là quê hương là máu thịt. Dù về ở đất liền nghỉ hưu năm sáu năm nay, vườn tược cây trái xanh tươi, cuộc sống điền viên tuổi già cũng không còn thiếu thốn thứ gì nhưng mỗi năm cũng phải ra thăm đảo vài ba lần chú Tư mới thấy lòng bớt trống trải.

Hơn năm giờ chiều trời đã chập choạng tối, tàu bắt đầu rời bến. Đứng trên boong nhìn ra xa, sóng nước hòa quyện với ánh hoàng hôn làm cảnh biển thêm rực rỡ. Với chú Tư từ đất liền ra đảo và từ đảo vào bờ không biết bao lần, nó chẳng có gì mới sau mỗi chuyến hành trình cả trăm hải lý, nhưng mỗi lần đứng trên tàu ngắm cảnh biển quê mình chú cảm thấy bao nhiêu niềm cảnh xúc dâng trào khó tả….

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975, quân ta tiến về Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất tổ quốc. Chú Tư cùng đồng đội nhận lệnh lên tàu ra giải phóng Côn Đảo. Và từ đây chú gắn liền với đảo hơn ba mươi năm qua. Chú thím gặp nhau trong chiến trường, họ yêu nhau và hẹn khi non sông thống nhất sẽ cùng nhau xây dựng lại quê nhà. Rồi đảo đã là nhà của họ, những đứa con họ lần lượt ra đời cùng lớn lên, học hành và tiếp tục xây dựng đảo. Tay xách nách mang, nào gà nào bánh trái, dưa hấu, trà cùng mấy chai rượu… Từ Bến Đầm vào thị trấn cũng không xa nhưng ở đảo đâu có như trong đất liền. Cậu con rể của chú Tư là Trung làm ở Huyện đội và một người bạn ra đón chú thím. Thấy hai ông bà già chờ từ hồi sáu giờ sáng họ vội vàng chạy tới mừng rỡ rối rít:

- Con có chút chuyện giờ mới tới, chờ lâu không ba má.

- Không sao, tao với má bây ở đây hóng mát một chút để nghe hơi ấm của biển buổi ban mai…

- Ngoài này công việc ra sao con? Thím tư hỏi luôn.

- Dạ mấy đứa đi học, tụi con đi làm, ổn hết ba má.


Ảnh: Internet

Vòng theo con đường ven biển, ngắm ra xa những con tàu to nhỏ dưới ánh nắng buổi sớm nhấp nhô trên sóng nước như những vệt sáng lô nhô trên bản đồ mới thấy cái thi vị tuyệt vời của biển-đảo. Tiếng sóng cứ vỗ đều vào bờ, cái êm đềm du dương của gió sớm gợi cho chú nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Cờ đỏ sao vàng bay lồng lộng trong gió. Những trại giam một thời khét tiếng dã man của kẻ thù đã mở toang, bao người chiến sỹ bị giam cầm… giờ đã được tự do. Họ sà vào vòng tay yêu thương của đồng đội. Nước mắt chảy dài trên má. Kẻ mất người còn, và còn biết bao người….. là vô danh nằm mãi đâu đó khắp trên hòn đảo nổi tiếng này. Rồi chú Tư cùng mọi người tiễn các đồng chí, đồng đội về đất liền. Đảo đã tự do, đảo đã là nhà của chúng ta. Rồi nhiều người xung phong ra với đảo để xây dựng quê hương sau hơn 100 năm là địa ngục trần gian…

- Mấy đứa đâu rồi, ngoại ra đây. Chú Tư gọi to.

- Thằng tí chạy ra, ôm ông bà ngoại, miệng cứ bô bô ríu rít. Lâu quá sao ngoại mới ra, con nhớ lắm, lần này ngoại ở ngoài này với nhà con lâu nghen.

- Ừ, ngoại đem đồ đạc cho tụi bây đây. Chú Tư vừa cười vừa nói.

- Chị hai con đâu? Thím hỏi thằng tí.

- Dạ đi học rồi trưa mới về, con chiều mới học.

- Thôi ba má ở nhà con đi làm đây. Anh Trung xếp đồ cho ông bà già rồi đi đến cơ quan.

Chú thím Tư dạo quanh trước sau xem thử con cái ngoài này ăn ở chăm sóc nhà cửa ra sao. Mọi thứ vẫn vậy sạch sẽ ngăn nắp. Ra đến đảo là về đến nhà vì thế lòng chú ấm áp vô cùng. Nhớ hồi mới giải phóng, đảo vắng người thưa, mọi thứ đều thiếu thốn… tất cả đều bắt đầu từ con số không. Việc ở lại đảo là một quyết định khó khăn với chú thím Tư vì ai cũng bảo về trong đất liền công tác sẽ thuận lợi cho con cái sau này, nhưng chú Tư vẫn quyết định ở lại… Chú thím Tư vừa làm việc ở Ủy ban huyện, ngày chủ nhật nghỉ việc cơ quan thì tăng gia sản xuất thêm để cải thiện đời sống.

Và với quyết tâm của mọi người, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp mà giờ đây Côn Đảo đã phát triển nhiều. Đường sá lán nhựa sạch sẽ, nhà cửa, công trình văn hóa, trường học được xây cất, các di tích lịch sử của quốc gia được bảo tồn sửa sang khang trang đẹp đẽ. Ban đêm điện sáng lung linh, cảnh vật hiền hòa như một thiên đường giữa sóng biển quê hương. Cuộc sống đi lên từng ngày, mọi hoạt động văn hóa, xã hội, giao lưu kinh tế buôn bán đều nhộn nhịp như trong đất liền. Ở cái đảo này, người ta có thể để xe máy ngoài sân, bên đường cả ngày lẫn đêm mà không sợ ai lấy. Thật là điều vô cùng lý tưởng.

Buổi sáng, chú thím Tư dậy sớm đi bộ tập thể dục trên đường Tôn Đức Thắng ven biển. Hít thở không khí trong lành ban mai ở đảo sao thấy dễ dịu vô cùng. Biển cũng chẳng có sóng ào ạt mạnh mẽ như ngoài xa kia, mọi thứ đều êm ả, thân thương. Đảo vẫn lặng sóng hòa vào cái thanh bình mà hơn 40 năm nay đảo đã có.

Nhìn biển trời mênh mông mới thấy mỗi ngày ở đảo là một ngày đầy niềm vui và nhiều điều thiêng liêng với chú thím Tư. Trở về cùng con cháu ăn sáng, chú Tư lại dặn dò mấy đứa cháu rán học cho giỏi mà sau này tiếp bước ông cha xây dựng cho đảo trở thành trung tâm lịch sử, văn hóa, du lịch của cả nước.

Đến thăm mấy ông bạn già một thời gian khó xây dựng lại đảo quê hương. Bên chén trà thơm nồng hương biển đã làm cho họ ôn cố tri tân, kể cho nhau cuộc sống ngoài đảo và trong đất liền. Dù cách xa về mặt địa lý nhưng cùng chung đất mẹ Việt Nam yêu thương. Mọi thứ đều phải là trách nhiệm giáo dục cho cháu con về lịch sử hào hùng mà đầy bi tráng của hòn đảo yêu thương trong hơn 100 năm qua. Chung tay bảo vệ hòn đảo thiêng liêng của tổ quốc xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của nó.

Hình ảnh gợi lại quá khứ đau thương mà hào hùng của bao chiến sỹ cách mạng   Ảnh: Internet

Chiều hôm ấy, chị Thúy con gái chú công tác ở Ban quản lý Di tích Côn Đảo, hướng dẫn đoàn du khách từ Hà Nội về thăm đảo. Từ trại Phú Sơn, Phú Hải đến Phú Bình; Chuồng Cọp Pháp, Mỹ, nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu, Nghĩa trang Hàng Dương… họ được trở về một quá khứ đầy đau thương, sự mất mát hy sinh của bao chiến sỹ cách mạng nhưng rất đỗi hào hùng mà bao người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Những cây bàng ven biển, ven những con đường giờ nó to đến sáu, bảy người ôm không hết, chính chúng là chứng nhân cho sự đau thương, đổi thay và đi lên mạnh mẽ của Đảo.

Chị Thúy và những người con khác nữa được sinh ra trên đảo. Giờ đây họ lại tiếp tục con đường của cha anh đã đi, mỗi ngày cần mẫn với công việc làm cho hòn đảo sáng rực truyền thống lịch sử cách mạng đẹp đẽ của cả dân tộc. Chung tay bảo vệ từng hòn đảo, từng mảnh đất và biển đảo thiêng liêng của đất nước. Chú thím Tư luôn cảm thấy tự hào vì truyền thống cách mạng của gia đình đã được truyền lửa từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Ra Nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén hương lên phần mộ các chị, các anh đang yên nghỉ nơi đây, chú Tư thấy lòng ấm áp quá. Một nén hương như lời nguyện cầu cho đất nước thanh bình, phát triển, và mời họ về vui thanh bình, mừng kỷ niệm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất với mọi người, mọi nhà trên đảo.

Mấy món quà đặc trưng của đảo được con cái chú Tư chuẩn bị cho ông bà về đất liền, nào hạt bàng sấy khô đóng gói, cá khô, mắm…. Không nhiều nhưng cũng là món quà gởi cho bà con anh em trong bờ. Sắp lên tàu, chú Tư nhắc nhở vợ chồng con gái:

- Thúy nè, ba má không ở ngoài này, quan tâm nhang đèn cho ông bà, các bác, các chú đầy đủ. Nhớ thăm hỏi chúc tết, chúc sức khỏe các chú, các bác đã nghỉ hưu nghen con.

- Dạ, ba cứ lo quá, con nhớ hết, ba má giữ gìn sức khỏe, tới bờ điện cho con.

- Hai năm nay, ba má không có ngoài này nên sợ tụi bây không lo chu đáo thôi, thím Tư nói thêm.

- Thôi được rồi, đảo là nhà của con, sao con không có trách nhiệm được. Ba má yên tâm đi.

Con tàu bắt đầu buông neo, tiếng gió, tiếng động cơ cứ hòa vào nhau làm không gian vui hơn. Càng ra xa mới thấy đảo đẹp đến lạ. Cứ mỗi dịp đến lễ, tết,… bến tàu lại nhộn nhịp, tấp nập tàu ra vào đem cái không khí cho đảo thêm rộn ràng.

Vẻ đẹp hùng vỹ của hòn đảo ngọc đã làm say đắm ngập tràn con tim một người chiến sỹ cách mạng như chú Tư hơn 40 năm qua. Và giờ cái tự hào yêu thương đó vẫn cháy rực và đang truyền lửa cho thế hệ con cháu tiếp theo.

Hạnh phúc đang ngập tràn khắp mọi miền đất nước, nó ngập tràn trong tình yêu quê hương bền chặt của chú thím Tư như con tàu vào ra gắn bó với biển đảo quê hương biết bao nhiêu năm qua./.

Nguyễn Văn Kỷ

Chia sẻ bài viết