Tiếng Việt | English

22/10/2023 - 17:30

Mảnh đất cũ

Minh họa: Internet

Điện thoại reo, mẹ gọi tôi nói chuyện hiến đất xây chùa. Tất nhiên tôi đồng ý ngay, không đắn đo, do dự.

- Phần đất đó là của con! Nếu hiến đất để xây chùa, mai này con cưới vợ, sinh con, đất đâu mà ở? - cha tôi nói.

Tôi cười giòn giã:

- Con ở với cha mẹ, “báo” tiếp.

- Cha mày! - mẹ tôi mắng yêu.

Thật ra, cha mẹ tôi dành dụm cả đời được hai mảnh đất, một mảnh bên này sông - nơi anh em tôi được sinh ra và lớn lên; một mảnh nằm bên kia sông, mỗi lần qua thăm, cha phải bơi xuồng mới tới. Giờ thì đã có chiếc cầu xi măng bắc qua sông. Bến đò không ai qua lại đành giải thể.

Chúng tôi lớn lên, cha mẹ quyết định chia đất, anh em tôi mỗi người một phần. Đất của tôi ở bên kia sông. Tôi để đó, năm này qua tháng nọ, cỏ mọc xanh um. Tết đến, tôi thuê người phát quang, dọn cỏ. Đức sớm thôi học, bởi vậy, suốt năm, Đức gắn bó với vườn tược, ruộng đồng. Đức canh tác trên mảnh đất cha mẹ chia cho. Nhờ chăm chỉ với biết áp dụng phương thức canh tác mới, Đức đã thành công.

Tôi nói với Đức:

- Mày sang mảnh đất của anh canh tác, để không cỏ mọc, uổng!

Thằng Đức gật đầu, nhưng vẫn chưa canh tác bên đó. Một mình làm cả hai bên không xuể. Năm sau, thằng Đức cưới vợ, cha mẹ quyết định cho vợ chồng Đức ra ở riêng. Tôi lại nói:

- Vợ chồng mày sang mảnh đất bên kia sông mà xây nhà. Đất bên này để canh tác. Nói thì nói vậy chứ tôi biết Đức không chịu. Xưa nay, anh em tôi luôn nhường nhịn nhau.

Một dạo, chính quyền khuyến khích người dân hiến đất xây chùa để người xóm Bạt Ngàn có nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh. Chần chừ mãi, mặc dù đó là mảnh đất cha mẹ vất vả cả đời mới có nhưng vẫn gọi điện thoại hỏi ý kiến tôi.

Tôi gật đầu ngay.

Đã từ lâu, tôi mong xóm Bạt Ngàn sẽ có ngôi chùa, trước sân chùa trồng cây bồ đề, vài cây sứ trắng để chiều xuống hoa tỏa hương thơm nức cả xóm, để những buổi trưa hè có tiếng chuông văng vẳng.

*

Ba năm sau, chùa được xây cất hoàn chỉnh. Mỗi buổi hoàng hôn, xóm Bạt Ngàn lại phảng phất hương nhang khói. Về thăm quê, ngang qua sân chùa, tôi nấn ná. Sư thầy mời tôi vào chùa ngồi uống nước trà. Sư thầy nhìn tôi hồi lâu, mỉm cười và nói:

- Đạo, có vẻ như cuộc sống của cháu đang rất hạnh phúc.

Tôi giật mình. Nhưng chắc vì sắc mặt tôi hồng hào, tâm tôi an ổn nên sư thầy nhìn vào là biết ngay.

- Thưa sư thầy, đúng là như vậy! Con đang hài lòng với cuộc sống hiện tại. Một cuộc sống mà trước đây con từng theo đuổi.

Sư thầy cười hiền. Rót cho tôi một tuần trà nữa, sư thầy dẫn tôi đi quanh khuôn viên chùa để giới thiệu chỗ nọ, chỗ kia. Mấy cây thuốc Nam sư thầy đem từ ngoài Bắc vào trồng nay đã lớn. Mảnh đất của tôi ngày nào nay thành đất chùa, có cảnh đẹp, có sự bình an. Tôi thấy lòng mình vui như mấy con chim đứng hót trên cành cây trong buổi sáng chang chang nắng.

*

Tôi không trở thành kỹ sư nông nghiệp như cha mẹ tôi mong muốn. Cái thuở tôi còn đứng giữa những sự lựa chọn, không biết mình sẽ đi đâu, về đâu, cha tôi gợi ý: “Mình ở nông thôn, vậy thôi con học nông nghiệp đi, sau này giúp ích nhiều hơn cho bà con”. Mặc dù trở thành kỹ sư nông nghiệp không phải là ước mơ của tôi nhưng tôi vẫn nghe lời cha.

"Học kỹ sư nông nghiệp, đường cùng thì về quê trồng trọt, chắc sống được" - tôi nghĩ vậy, giữa lúc xin việc không phải là chuyện dễ dàng.

Nhưng tôi đã đuối chí, đó là khi tôi phát hiện việc trồng trọt, chăn nuôi, lo nghiên cứu giống lúa này, giống cây nọ, cách trồng sao cho năng suất cao,... không phải là đam mê của tôi. Giảng đường vắng bóng tôi. Những môn thi bỏ dở. Cha vẫn gửi tiền lên thành phố đều đặn, còn tôi thì bỏ thi để rồi phải học lại môn. Thùy khuyên:

- Đạo phải tìm cho mình một công việc mà Đạo thực sự đam mê. Không thể sống buông thả như vậy được.

Buồn, tôi tìm đến thuốc lá. Thùy biết được, giận sôi nước mắt. Chính tôi cũng không biết mình đang sa ngã chăng?

- Đi chụp ảnh không? - Thùy rủ rê trong một sáng chủ nhật trời nắng đẹp.

- Ở đâu?

- Ngoại ô. Cảnh ở đó đẹp lắm!

Tôi “OK” liền. Bánh mì ăn nhanh, bình nước, khăn mặt,… đã bỏ vào ba lô, tôi theo Thùy để xem chụp ảnh. Tôi chưa từng cầm máy ảnh chụp bao giờ, ngay cả điện thoại di động tôi còn hiếm khi chụp ảnh, selfie thì càng không.

Vậy rồi, tôi lân la theo Thùy và tự nhiên thấy việc chụp ảnh mang lại nhiều niềm vui, nhất là chụp ảnh cho người thương, vợ chồng nhân ngày cưới. Tôi thấy người thợ chụp ảnh không chỉ chụp rồi nhận tiền mà còn lưu giữ những ký ức đẹp của tình thương, khoảnh khắc thiêng liêng của vợ chồng. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất cuộc đời của họ.

Theo Thùy nhiều chuyến nữa, có chuyến lên tận Tây Nguyên chụp cảnh thiên nhiên, giữa lúc dã quỳ đang nở rộ; có chuyến ra biển, chụp cảnh thuyền, biển, sóng vỗ điệp trùng. Tự dưng tôi thích. Một đêm ngồi cà phê với Thùy trong quán cũ, tôi hỏi:

- Thùy, chụp ảnh có khó không?

Thùy đáp ngay, bằng những gì Thùy trải nghiệm:

- Dễ lắm! Theo học một khóa chụp ảnh, sắm máy ảnh, tập chụp từ những thứ nhỏ nhặt quanh mình đến thiên nhiên, con người, tập chỉnh sửa ảnh để tôn lên nét đẹp của khách hàng,... vậy là được.

Tôi gật gù. Thùy hỏi, vẻ tò mò:

- Định theo nghề này à, Đạo?

- Tùy duyên! - tôi cười ẩn ý.

Tôi dốc hết số tiền tiết kiệm từ việc làm thêm, viết bài đăng báo,… mua được “con” Nikon - cũng “ngon ngon” và học thêm một khóa nhiếp ảnh vào tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Không lâu sau, tôi chính thức “ra nghề”. Tôi nhắn tin khoe Thùy. Thùy mừng cho tôi và chủ động giới thiệu khách hàng cho tôi. Ban đầu, tôi chụp cho bạn bè, giá “sinh viên”.

Khi ảnh chụp chất lượng, tay nghề tôi cao hơn, khách hàng cũng nhiều hơn. Để làm giàu từ việc chụp ảnh chắc là khó nhưng để sống bằng nghề này chắc là dễ, hơn nữa, tôi có dịp đi đó đây, vừa làm việc, vừa ngắm cảnh, trải nghiệm văn hóa, thậm chí viết review cảnh đẹp núi non, biển cả,... để đăng trên các diễn đàn. Tôi được nhận thêm khoản nhuận bút.

Cuộc sống của tôi dần ổn định. Những chuyến đi Tây Nguyên, lên Tây Bắc, ra biển Hạ Long,... giúp tôi hiểu được đất nước mình đẹp và kỳ vĩ đến độ nào. Tâm hồn tôi tự dưng thư thái, niềm vui ngập tràn, sắc mặt tôi cũng tươi tắn hơn.

Lần này về xóm Bạt Ngàn, tôi quyết định nói với cha mẹ việc tôi bảo lưu kết quả học tập, theo học nhiếp ảnh. Sắp tới sẽ là một khóa học ở nước ngoài mà tôi nghĩ rằng nó sẽ đem lại cho tôi nhiều điều có ích. Chắc cha sẽ hài lòng vì ông luôn tôn trọng bất kỳ quyết định nào của tôi.

*

Con đường nho nhỏ bên bờ sông. Hàng cây liêu xiêu trong nắng chiều nghiêng ngả. Tôi và Đức đi với nhau xem xóm Bạt Ngàn đổi thay, phát triển. Thằng Đức lấy vợ trước tôi, còn tôi vẫn mải mê theo những cung đường. Tôi nhớ ngày thằng Đức cưới vợ, tôi chụp tặng hai đứa một bộ ảnh thật đẹp. Bộ ảnh lấy bối cảnh chính là sông nước thênh thang, ngay mùa lục bình trổ bông tím ngát cả một khúc sông dài qua xóm làng, qua mái chùa bình yên, an trú.

Cuối cùng, anh em tôi cũng lựa chọn được cho mình những hướng đi, trở thành những con người có ích, có đạo đức như cái tên mà cha mẹ đã đặt: Đạo, Đức.

Trong đêm tối mênh mang, trong căn nhà cũ có hơi ấm của cha mẹ, nơi anh em chúng tôi từng lớn lên và có những ký ức thật đẹp, tôi cảm thấy lòng mình thanh thản. Nhất là khi tôi nghe tiếng sư thầy gõ mõ, tụng thêm một hồi kinh, tiếng râm ran bên kia sông vọng về nghe êm ái tâm can.

Tôi đã chọn cuộc sống của một loài chim thiên di, nay núi đồi, mai biển cả, mốt về đồng bằng, kia lại lặng lẽ trở lại xóm nhỏ mến thương. Tôi chọn cách thăng hoa cùng cái đẹp, cùng nghệ thuật. Cái đẹp đến từ tự nhiên, con người. Cái đẹp có trong tâm hồn của mỗi người.

Cái đẹp là vĩnh cửu./.

Hoàng Khánh Duy

Chia sẻ bài viết