Tiếng Việt | English

05/09/2022 - 21:10

Ngóng con nước về

Mới đó đã tháng 8 (Âm lịch), hàng năm, thời điểm này, con nước đã về khắp những cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười, mang theo nhiều đặc sản mùa nước nổi. Vậy mà năm nay, nước chưa về, gặp người dân chỉ nghe câu “buồn thúi ruột vì nước không lên, cá mắm lặn biệt tăm”.

Men theo Quốc lộ 62, chúng tôi tìm về xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An - nơi được xem là xã đầu nguồn đón lũ. Trước khi đi, chúng tôi cũng đã xem các bản tin dự báo mực nước lũ đầu nguồn; đồng thời, thấy xuất hiện rất nhiều cơn mưa lớn nên cứ đinh ninh là nước lũ đã về nhưng đến nơi thì mới biết, người dân nơi đây vẫn đang ngóng lũ từng ngày.

Ông Phạm Văn Chương (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) lái vỏ lãi thăm dớn. Gặp chúng tôi, ông nói: “So với mọi năm thì năm nay, nước nhỏ hơn rất nhiều, không có cá gì hết, năm nào nước lớn thì mới có cá. Những người sống bằng nghề giăng câu, đặt dớn,... mùa nước nổi hầu như đều bỏ nghề, đi Bình Dương làm công nhân, thu nhập ổn định hơn. Còn tôi sức khỏe yếu, không làm được gì mới bám trụ với nghề đến hôm nay”. Được biết, từ tờ mờ sáng, ông Chương chạy vỏ lãi hàng giờ trên cánh đồng để thăm dớn nhưng chỉ có vài con cá, không đủ chi phí xăng, dầu chứ đừng nói đến kiếm tiền mưu sinh.

Hiện nay, nước về ít, nguồn thủy sản cũng ít

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Bé Sáu (xã Vĩnh Trị) có hơn 30 năm làm nghề kéo lưới. Những năm gần đây, nước về ít, các sản vật từ mùa nước nổi không nhiều. Điều này làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình bà rất nhiều. Hơn 1 giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước để kéo gần 500m lưới nhưng chỉ được vài kilôgam cá các loại, bán được vài chục ngàn đồng/kg. Nếu hôm nào may mắn có cá linh thì sẽ bán được giá cao hơn. Bà Sáu bộc bạch: “Giờ kéo lưới chủ yếu chỉ để kiếm cá mồi cho cá nuôi ăn hoặc đi cho đỡ nhớ nghề. Mấy năm nay, nước lũ về thấp, cá, tôm không được bao nhiêu. Kiểu này hoài, chắc gia đình tôi phải bỏ nghề!".

Không chỉ người dân đánh bắt buồn vì không có cá mà tiểu thương bán ngư cụ cũng thất thu. Chị Nguyễn Thị Bạch (tiểu thương chợ Vĩnh Hưng) nói: “Buổi sáng, cửa hàng bán được vài món, còn buổi chiều là vắng tanh, không ai mua. Lường trước được nhu cầu mua sắm ngư cụ đánh bắt mùa nước năm nay sẽ giảm đáng kể nên tôi chỉ nhập về số lượng vừa phải, chủ yếu là lưới, chài, dớn, lọp cua, lọp lươn,... Giá các mặt hàng phục vụ nghề đánh bắt thủy sản năm nay tăng từ 5 - 10% do giá nguyên, vật liệu và nhân công tăng".

Nước không về, gia đình bà Nguyễn Thị Bé Sáu thất thu

Tiểu thương thì đợi khách, còn khách thì trông vào con nước. Lũ về thấp, thủy sản ít khiến nhiều người mưu sinh theo con nước cũng không mấy mặn mà với chuyện đánh bắt. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, nước lũ vẫn chưa về, ở những vùng trũng thấp, nước chỉ mới vào chân ruộng. Những năm trước, mùa nước nổi vui lắm, người dân đánh bắt thủy sản sáng đêm, các cửa tiệm kinh doanh ngư cụ tấp nập người ra, người vào. Còn năm nay nước ít, không có cá, người dân cũng đánh bắt nhưng rất ít”.

Đã vào mùa nước nổi, thế nhưng nước đâu chẳng thấy, người dân vùng lũ đang ngóng trông con nước để có thêm nguồn thu nhập từ sản vật mùa lũ. Bỏ qua chuyện mưu sinh cùng con nước, mùa nước nổi hàng năm luôn gắn chặt với những nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Mùa này, nước không về, bọn trẻ chỉ biết đến văn hóa mùa nước nổi qua những tấm hình, đoạn phim tư liệu./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết