Tiếng Việt | English

08/01/2021 - 10:09

Nông sản vẫn thẩm lậu qua biên giới

Bất chấp lệnh cấm để phòng, chống dịch Covid-19, những chuyến xe tải chở nông sản vẫn vô tư tập kết ở đường biên rồi đưa xuống ghe, phà vận chuyển sang Campuchia.

Có thời điểm, hoạt động vận chuyển nông sản qua biên giới diễn ra rất nhộn nhịp

Có thời điểm, hoạt động vận chuyển nông sản qua biên giới diễn ra rất nhộn nhịp

Nhộn nhịp cả ngày, đêm

Theo phản ánh của người dân, nhiều tháng nay, khu vực biên giới các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng trở thành điểm nóng về buôn lậu các mặt hàng nông sản qua Campuchia. Tuyến đường biên giới từ cầu Hữu Nghị 1, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng đến cầu Hữu Nghị 2, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, dài hơn 10km được bố trí dày đặc các trạm kiểm soát biên phòng (BP) thuộc 2 đồn Bến Phố và Sông Trăng. Từ ngày dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khu vực này còn được tăng thêm gần chục chốt BP dã chiến nhằm kiểm soát lượt người qua lại khu vực biên giới, ngăn ngừa những trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp để ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 từ biên giới vào nội địa. Sau gần nửa năm đầu “bung” quân kiểm soát biên giới của các lực lượng, hầu như không còn cảnh buôn lậu, nhập lậu hàng hóa qua các đường mòn, lối mở biên giới.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được khống chế thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng “nóng” trở lại. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là thuốc lá điếu, lúa, trái cây và vịt con. Nguy hiểm hơn, cuối tháng 12/2020, khi Việt Nam phát hiện 4/7 trường hợp nhiễm Covid-19 từ việc nhập cảnh trái phép có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng thì hoạt động buôn lậu nông sản qua khu vực này vẫn không hề giảm.

17 giờ ngày 30/12/2020, trên chiếc xe môtô, chúng tôi chạy dọc theo tuyến đường tuần tra từ cầu Hữu Nghị 1 đến cầu Hữu Nghị 2. Nếu trước đây, ngay tại 2 cây cầu này, hoạt động vận chuyển hàng nông sản vẫn nhộn nhịp thì nay tạm lắng. Tấm barie bằng sắt cao ngang thắt lưng đóng lại giữa cây cầu Hữu Nghị 1. “Mấy ngày nay, nó (hoạt động vận chuyển hàng nông sản trái phép - PV) chuyển vào bên trong rồi, chắc có động” - một người thân tín nói với chúng tôi.

Theo đường tuần tra, vừa chạy thêm khoảng 3km, một lối nhỏ vừa đủ chiếc xe tải được mở thẳng xuống kênh Cái Cỏ. Dưới lớp tán cây um tùm, chiếc xe tải loại 3,5 tấn chở đầy mít Thái đấu đuôi xe xuống mé kênh. 2 chiếc phà loại chuyên chở Kobe chờ sẵn. Gần chục người nhanh chóng đưa mít xuống phà. Phía bên kia, 1 chiếc xe khách loại 16 chỗ đã được hoán cải để chở hàng cùng 1 chiếc xe ba gác đã chờ sẵn để lấy hàng. Điều đáng nói, điểm tập kết hàng chở qua biên giới này nằm giáp ranh giữa khu vực quản lý của 2 Đồn BP Bến Phố và Sông Trăng và chỉ cách Chốt kiểm soát BP số 1, Đồn BP Sông Trăng chưa đầy 100m. Tiếp tục chạy tầm 3km nữa, chúng tôi còn ghi nhận thêm 3 điểm tập kết hàng hóa nông sản để vận chuyển qua biên giới theo hình thức tương tự. Theo ghi nhận của chúng tôi, bên cạnh việc các lực lượng chức năng không kiểm soát được hoạt động vận chuyển hàng nông sản qua biên giới thì để cảnh giác cho hoạt động này còn có một số người đứng ra canh đường, cảnh giới. Đến 22 giờ, những điểm sáng từ ánh đèn pha ôtô, đèn pin của những người vận chuyển hàng nông sản vẫn còn le lói giữa màn đêm tĩnh mịch của biên giới.

Nếu như ban đêm, hoạt động vận chuyển hàng nông sản qua biên giới diễn ra lén lút thì ban ngày, hoạt động này diễn ra một cách công khai. Những chuyến xe tải loại từ 3,5 tấn đến 9 tấn vẫn thay nhau chở nông sản đưa sang Campuchia tiêu thụ. Thậm chí, tại một số điểm, các đối tượng còn dùng Kobe san hẳn những lối lên xuống từ đường tuần tra biên giới xuống mé kênh để các phương tiện tới lui dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, dưới kênh, từng chiếc ghe tải trọng lớn mang biển số của nhiều tỉnh miền Tây vẫn đậu kín sông để chờ đến lượt thu mua lúa.

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia vào Việt Nam

Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia vào Việt Nam

Nông sản trái phép qua biên giới trong thời gian dài

Theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng nông sản trái phép qua các đường mòn, lối mở tại khu vực Vĩnh Hưng, Tân Hưng không chỉ diễn ra mới đây mà đã kéo dài khoảng nửa năm nay.

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2020, trong những chuyến công tác, chúng tôi liên tục ghi nhận những trường hợp lén lút vận chuyển thuốc lá lậu dọc theo tuyến biên giới này. Có thời điểm khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, trứng, vật tư nông nghiệp còn được vận chuyển qua lại biên giới một cách công khai ngay trên tại cầu Hữu Nghị 1 thuộc Trạm BP Kênh 28, Đồn BP Bến Phố và cần Hữu Nghị 2, Trạm Cửa khẩu phụ Tân Hưng, Đồn BP Sông Trăng cũng như việc người dân vẫn qua lại cầu để trao đổi hàng hóa ngay trong khi có lực lượng BP canh gác. Hoạt động này diễn ra công khai đến mức các xe chở hàng hóa từ phía Việt Nam vô tư tập kết hàng ngay trên cầu và được các thương lái sang xe để chở về Campuchia tiêu thụ.

Anh T., ngụ thị xã Kiến Tường, cho biết: “Hiện tại, Long An chỉ có 1 Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp là được phép diễn ra các hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như nhập cảnh, các cửa khẩu phụ hoặc đường mòn, lối mở đều không được phép diễn ra các hoạt động này. Tuy nhiên, việc xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp đều do các doanh nghiệp lớn thực hiện, bởi chỉ có các doanh nghiệp này mới có hàng hóa chính ngạch, phương tiện và đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Còn các thương lái nhỏ chỉ còn cách vận chuyển qua đường tiểu ngạch sang Campuchia, nhất là trong mùa thu hoạch lúa”.

Những bãi tạm được san phẳng ngay tại đường biên giới xuống S kênh Cái Cỏ phục vụ cho việc vận chuyển nông sản qua biên giới

Những bãi tạm được san phẳng ngay tại đường biên giới xuống kênh Cái Cỏ phục vụ cho việc vận chuyển nông sản qua biên giới

Như thường lệ hàng năm, giữa tháng 12/2020, các địa phương phía Campuchia giáp với 2 huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng đang vào mùa thu hoạch lúa, lúa tập kết về các bến, bãi tự phát dọc theo kênh Cái Cỏ. Đây cũng là thời điểm các thương lái bên phía Việt Nam tập trung đến thu mua để vận chuyển về các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre để tiêu thụ. Tại điểm tập kết tại ấp Rôn, xã Cham, huyện Kompung Trobek, tỉnh Prey Veng giáp ranh với ấp Cây Me, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, hàng chục chiếc ghe trọng tải lớn đậu dày đặc dưới kênh chờ đến lượt thu mua lúa. Thậm chí có những điểm thu mua ngay sát các trạm kiểm soát của lực lượng BP. Có điểm, các thương lái bên phía Campuchia còn làm sẵn 3 băng tải để chuyển lúa xuống các ghe, xuồng với hàng chục lao động làm việc cả ngày lẫn đêm.

Điều đáng nói, tình trạng vận chuyển trái phép các mặt hàng nông sản qua đường mòn, lối mở không chỉ vi phạm quy định mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 khi những người tham gia hoàn toàn không có các biện pháp phòng dịch và hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng nhập cảnh trái phép để trốn cách ly. Theo thông tin từ Đồn BP Sông Trăng, tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng của đồn đã phát hiện 10 trường hợp nhập cảnh trái phép với 23 đối tượng từ Campuchia về Việt Nam.

Vẫn tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới và nhằm bảo đảm tối đa hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch ở trong nước, từ ngày 01/4/2020, Chính phủ Việt Nam quyết định tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới đối với người tại các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đến nay, các cửa khẩu này và các đường mòn, lối mở vẫn chưa được mở để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Lực lượng chức năng cần có trách nhiệm

Mặc dù hiện nay, dọc tuyến biên giới, ngoài các trạm kiểm soát biên phòng có sẵn tại các đường mòn, lối mở thì suốt từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng - trong đó chủ lực là bộ đội biên phòng đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ cùng các lực lượng được tăng cường thành lập mới hàng chục chốt kiểm soát biên phòng dã chiến để kiểm soát hoạt động qua lại biên giới cũng như vận chuyển hàng hóa của người dân để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển hàng nông sản trái phép qua biên giới vẫn diễn ra một cách công khai, tiềm ẩn những nguy cơ nhất định về lây nhiễm dịch bệnh. Rõ ràng lực lượng chức năng cần có trách nhiệm./.

Thụy Anh - Kiên Cường

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích