Tiếng Việt | English

01/09/2017 - 01:40

Thanh niên vùng biên vượt khó

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hồ, ngụ ấp 1, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An vào giữa trưa. Anh khá bận, vừa vá xe cho khách, vừa trao đổi với chúng tôi về cuộc sống của mình. Trong câu chuyện kể, chúng tôi hiểu, anh trải qua nhiều vất vả mới có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Ngày ấy, ở xã biên giới, điều kiện sống còn nhiều khó khăn, quanh năm, gia đình anh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không thoát được cảnh nghèo. Anh nghỉ học từ sớm và phải bươn chải, phụ giúp gia đình. Đến khi lập gia đình, đứa con được 2 tuổi, vợ chồng anh ra riêng. Từ số tiền dành dụm và vay thêm từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Kiến Tường, anh trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo. Nhờ biết tính toán, anh lãi được một ít và đầu tư nuôi thêm bò.

Ngoài nuôi bò, đầu tư trồng quýt,  anh Nguyễn Văn Hồ còn mở tiệm sửa xe, kiếm thêm thu nhập

Hiện, đàn bò của gia đình anh có hơn 10 con. Ngoài nuôi bò, anh còn làm ruộng và mở tiệm sửa xe máy để cải thiện thu nhập.

Với khát vọng vươn lên trong cuộc sống và mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, sau thời gian nghiên cứu thổ nhưỡng, tham quan, học tập một số mô hình ở các tỉnh, thành khác, anh đầu tư 100 triệu đồng cải tạo 1ha đất, trồng quýt đường. Vườn quýt gia đình anh đến nay được hơn 1 tháng, phát triển tốt. Cứ tờ mờ sáng, anh lại thức giấc, ra thăm vườn. Anh còn tận dụng những mương nước nuôi cá mè vinh, cá chép,...

Anh nói: “Ở vùng quê này, muốn có cuộc sống ổn định phải siêng năng lao động. Nhiều người chọn cách xa quê đến các tỉnh, thành khác làm công nhân, riêng tôi lại chọn quê hương mình để phát triển kinh tế. Khi bắt đầu, tôi gặp không ít khó khăn, vừa làm, vừa khắc phục, rút kinh nghiệm. Lúc tôi dự định trồng quýt cũng đắn đo suy nghĩ, vì ở địa phương chưa có ai thử nghiệm nhưng được sự hỗ trợ, động viên của chính quyền và gia đình, tôi mua cây giống từ Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nên cũng yên tâm phần nào. Hy vọng công việc mới thuận lợi, tôi có thêm thu nhập và Đoàn xã cũng có thể nhân rộng mô hình cho thanh niên nông thôn”.

Theo Đoàn xã Thạnh Trị, địa phương gặp khó về tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Ở đây cũng có một vài mô hình làm kinh tế nhưng chưa phát huy hiệu quả. Hiện tại, chỉ có câu lạc bộ nuôi bò vỗ béo được đánh giá tốt hơn. Từ đó, góp phần tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn. Anh Hồ là người chịu khó, tìm tòi những mô hình mới để áp dụng vào sản xuất./.

Thanh Nga 

Chia sẻ bài viết