Tiếng Việt | English

01/11/2017 - 13:53

Vùng biên khởi sắc

Những năm gần đây, diện mạo các xã biên giới trong tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống người dân dần ổn định, từng bước được nâng lên.

Kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện

Dù vẫn mang dáng dấp của một vùng quê, song nhiều mặt đời sống, sinh hoạt của người dân xã biên giới Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An dần được nâng lên. Những con đường trải nhựa, bêtông thẳng tắp; các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn đang khởi sắc từng ngày;...

Cửa khẩu Quốc gia Bình Hiệp được nâng lên cửa khẩu quốc tế tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực biên giới

Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh cho biết: Đến nay, 100% đường trục xã được nhựa, bêtông hóa, 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa, trường lớp được đầu tư nâng cấp, bảo đảm nhu cầu dạy và học, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng đạt chuẩn quy định, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% ấp được công nhận ấp văn hóa, trên 98% hộ sử dựng điện thường xuyên, an toàn, 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, đầu tư xây dựng chợ nông thôn đạt chuẩn,...

“Nhờ có chương trình xây dựng nông thôn mới, các công trình phục vụ dân sinh được đầu tư, nhất là đường giao thông, hệ thống kênh, mương nội đồng được xây dựng, nạo vét, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất; từ đó, hiệu quả các công trình trên được nâng lên đáng kể” - ông Trần Văn Đức, ngụ ấp Tầm Đuông, xã Bình Hiệp, phấn khởi.

Có về xã biên giới Hưng Điền, huyện Tân Hưng hôm nay, mới thấy hết những đổi thay của một vùng quê, không còn những con đường đất trơn trợt, lầy lội, những chiếc cầu khỉ chông chênh,... Thay vào đó là những căn nhà ngói đỏ, mái tole san sát mọc lên, hệ thống trường lớp, trạm y tế,... được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện. Từ nhiều nguồn vốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy thế mạnh từ trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Trong đó, nổi bật là việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, hiện toàn xã có khoảng 50% đường giao thông liên ấp được nhựa, đal hóa, các tuyến đường khác cũng được trải đá. Điển hình như đoạn lộ đal cặp Tuyến dân cư Lê Văn Khương có chiều dài 1,3km, rộng 2m, được đầu tư xây dựng với kinh phí 1,9 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được đưa vào sử dụng năm 2016. Từ khi con lộ hoàn thành, người dân trong khu vực rất vui mừng, phấn khởi. Ông Nguyễn Tư Bình, ngụ ấp Láng Biển, phấn khởi: “Trước đây, khi con đường này chưa hình thành, người dân đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Nay có con đường, người dân đi lại dễ dàng, xe cộ qua lại đông đúc, nhất là học sinh đi học được thuận tiện hơn”.

Nâng cao đời sống người dân

Song song với việc được đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng biên cũng được chú trọng. Các xã biên giới thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho các hộ nghèo có thu nhập ổn định,...

Khu kinh tế Cửa khẩu Bình Hiệp hoạt động, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp - Trương Văn Thanh: “Việc nâng cấp Cửa khẩu Bình Hiệp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế khu vực biên giới nói chung, xã Bình Hiệp nói riêng, lưu lượng người qua lại làm ăn, trao đổi, buôn bán ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp được quy hoạch và được doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong khu vực.

Hiện tại, Công ty TaiNan Việt Nam đến Bình Hiệp đầu tư nhà xưởng với diện tích gần 17ha, chuyên sản xuất mặt hàng may mặc, hoạt động từ tháng 5-2017, thu hút hơn 1.000 lao động trong khu vực; trong đó có hơn 100 lao động nhàn rỗi tại địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Chị Nguyễn Thị Phúc, ngụ ấp Ông Nhan Tây, xã Bình Hiệp, cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu làm thuê, làm mướn theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh. Từ khi có công ty tại địa phương, tôi xin vào làm việc, thu nhập tương đối ổn định, với hơn 3 triệu đồng/tháng, có điều kiện nuôi 2 con ăn học”.

Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, địa phương còn đặc biệt quan tâm công tác chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, tạo điều kiện trong lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ, thời gian qua, công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật được quan tâm, nhằm thay đổi tập quán sản xuất của người dân; do vậy, năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Đặc biệt, Chương trình 135 hỗ trợ con giống, phương tiện, dụng cụ sản xuất và được nông dân sử dụng hiệu quả, góp phần vào công tác giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Bạch, ngụ ấp Cây Me - một người dân được nhận bò giống của Chương trình 135, chia sẻ: “Là một trong những hộ nghèo của xã, gia đình tôi được hỗ trợ 1 con bò. Tôi rất mừng và cố gắng chăm sóc, hiện nay, đã nhân lên 3 con”.

Chợ Bình Hiệp được xây dựng khá khang trang, tiểu thương buôn bán ổn định

“Những năm gần đây, bên cạnh diện tích trồng lúa, người dân còn quan tâm đến việc phát triển rau màu. Hàng năm, ở xã có gần 400ha rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Cùng với phát triển các loại cây trồng, xã hiện có gần 500 con heo, hơn 3.000 con trâu, bò, gia cầm gần 50.000 con” - ông Trương Đông Hồ cho biết thêm.

Từ các chủ trương, giải pháp phát triển KT-XH hiệu quả làm cho diện mạo nông thôn các xã biên giới thêm khởi sắc, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển. Đây chính là tiền đề quan trọng để các xã biên giới tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong những giai đoạn tiếp theo./.

Trung Kiên

Chia sẻ bài viết