Tiếng Việt | English

06/08/2020 - 11:15

Đừng dính vào ma túy!

Bài cuối: Ma túy nhiều cám dỗ, lắm hệ lụy

Tác hại ma túy gây ra đã rõ nhưng số người nghiện trên địa bàn tỉnh những năm qua lại tăng lên theo từng năm. Người nghiện tăng đồng nghĩa với nguy cơ tội phạm gia tăng, sẽ gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học sinh

Sau sử dụng ma túy đã cướp của, giết người

Theo thống kê, người nghiện ma túy vẫn ở mức cao, gia tăng qua từng năm. Toàn tỉnh hiện có 2.249 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và hơn 1.300 người nghi nghiện. Người nghiện chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 82,5%. Trong khi đó, hơn 10 năm trước chỉ hơn 1.000 người nghiện. Cũng theo rà soát, hiện toàn tỉnh chỉ còn lại 13 xã không có tệ nạn ma túy. Theo phân loại, người nghiện ma túy còn trẻ chiếm tỷ lệ cao, trong số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý thì độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm hơn 67%.

Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần 300 vụ, gần 600 đối tượng. Con số có hồ sơ quản lý và phát hiện sử dụng, xử phạt như trên chỉ là “bề nổi” của “tảng băng chìm” nhưng cho thấy đây là một thực trạng đáng báo động. Lười lao động, thích ăn chơi đua đòi, thích cảm giác mới lạ và thiếu sự quan tâm của gia đình,... là những nguyên nhân dẫn đến người trẻ nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao.

Ma túy gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội về sức khỏe, kinh tế và cũng là mầm mống của các loại tội phạm. Trên địa bàn tỉnh đã bắt nhiều vụ trộm cắp, cướp giật với mục đích có tiền để sử dụng ma túy. Thậm chí, có những vụ, đối tượng sau khi sử dụng ma túy đã gây thương tích, giết người.

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, như vụ việc xảy ra vào lúc 22 giờ, ngày 07/01/2019, tại TP.Tân An, do mâu thuẫn cá nhân, sau khi sử dụng ma túy, đối tượng Nguyễn Thành Phát (15 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tân An) dùng dao Thái Lan đâm nhiều nhát vào ngực anh Trần Văn Tiến (18 tuổi, ngụ thị xã Kiến Tường) dẫn đến tử vong.

Hay vụ việc chiều ngày 11/3/2019, xảy ra tại ấp 3, xã Long Cang, huyện Cần Đước, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) là nghi can đã dùng dao chém chết bà Bùi Thị Nết (56 tuổi). Trong khi Công an Long An đang truy tìm, xác minh hung thủ thì Nam tiếp tục chạy xe về huyện Hóc Môn, TP.HCM, dùng dao giết chết cha, mẹ và bà nội. Sau đó, Nam bị bắt nhưng đến ngày hôm sau, đối tượng vẫn trong tình trạng kích động mạnh vì sử dụng ma túy đá. Vụ án mạng này đã gây chấn động trong dư luận.

Để phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, các cấp, các ngành chủ động tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại ma túy trong cộng đồng. Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo - Phạm Văn Thở, công tác phòng, chống ma túy trong học đường luôn được ngành Giáo dục thực hiện bằng nhiều hình thức như lồng ghép trong các bài học, sinh hoạt dưới cờ, trong các hội thi, hội diễn, tiểu phẩm, hình ảnh trực quan,... Đặc biệt, nhiều trường học đã chủ động mời lực lượng công an đến tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng tránh.

Trong lực lượng công nhân, các cấp, các ngành cũng thường xuyên phối hợp Công đoàn đến các khu nhà trọ, doanh nghiệp để tuyên truyền về các luật, trong đó có lồng ghép chuyên đề ma túy. Chẳng hạn, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa tập trung lượng lớn công nhân đến đây sinh sống, làm việc nên tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp, trong đó, tệ nạn và tội phạm ma túy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước tình hình đó, xã thường phối hợp các ngành ở huyện và các doanh nghiệp để tuyên truyền về phòng, chống ma túy.

Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ - Hồ Thanh Liêm cho biết: “Qua công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, trong đó có đông đảo công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp về phòng, chống ma túy”.

Bên cạnh đó, với vai trò của mình, lực lượng công an, biên phòng trong tỉnh tăng cường thành lập các chuyên án triệt xóa các ổ, nhóm, đối tượng buôn bán, tàng trữ ma túy.

Cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng Methadone ở TP.Tân An

Cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng Methadone ở TP.Tân An

Giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Công tác cai nghiện và điều trị phục hồi sau cai nghiện được các cấp, các ngành quan tâm triển khai. Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được thực hiện, đạt hiệu quả tích cực. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở điều trị bằng Methadone ở TP.Tân An và các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức.

Đặc biệt, các ngành: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An (đóng tại huyện Thạnh Hóa), khi vào cai nghiện, người nghiện được phân theo mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe,... để cắt cơn, cai nghiện.

Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khoảng 4.000 trường hợp. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn 91 trường hợp, đưa đi cai nghiện bắt buộc gần 200 trường hợp. Trong đó, riêng huyện Đức Hòa, đưa 45 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc, trong đó có 23 đối tượng thuộc diện lang thang và 22 đối tượng có quyết định của tòa án.

Theo Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy Long An - Nguyễn Văn Cường, việc tập trung người nghiện ma túy vào quản lý, giáo dục giúp loại bỏ một khoản chi phí hoang phí trong xã hội về sử dụng ma túy. Người nghiện ma túy được chữa trị, chăm sóc và được học nghề. Việc cai nghiện tập trung cũng góp phần hạn chế, ngăn ngừa người nghiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; tạo cơ hội cho họ được chữa trị, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện để làm lại cuộc đời và giảm tốc độ lây lan HIV/AIDS ngoài cộng đồng.

Bên cạnh những hiệu quả trong thực hiện công tác cai nghiện thì vấn đề sau cai nghiện còn nhiều khó khăn, điều đáng lo ngại là tỷ lệ tái nghiện vẫn cao. Ông Nguyễn Văn Cường thông tin: “Thời gian qua, người tái nghiện quay trở lại cơ sở cai nghiện chiếm khoảng 30%”.

Vì vậy, vấn đề giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện được đặt ra, phân tích để có những giải pháp quan tâm, hỗ trợ. Công tác tạo việc làm để người sau cai nghiện có thu nhập, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, hiện nay, xã hội dù ít dù nhiều vẫn còn thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy.

Để công tác cai nghiện hiệu quả, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân phải hiểu rõ cai nghiện ma túy là quá trình khó khăn, lâu dài, rất cần xã hội chung tay giúp đỡ, thật sự yêu thương, chia sẻ, giúp người nghiện điều trị để họ không mặc cảm, tự ti. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện và gia đình được tham gia các chương trình học nghề, vay vốn,... để có việc làm ổn định và tránh xa hiểm họa ma túy.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình của các ngành, đoàn thể trong việc giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2019, huyện Cần Giuộc chọn thị trấn Cần Giuộc để xây dựng mô hình điểm Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi ma túy trong cộng đồng dân cư. Từ khi triển khai, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng mô hình.

Công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục được quan tâm thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể thị trấn. Thời gian qua, các ngành, đoàn thể đã nhận quản lý, cảm hóa, giáo dục 40 người nghiện ma túy, qua đó có 37/40 người tiến bộ, 25 người có việc làm ổn định.

Anh N.M.L., ngụ thị trấn Cần Giuộc, cho biết: “Trước đây, theo lời rủ rê của bạn bè, tôi suốt ngày lêu lổng, tụ tập và sa vào nghiện ma túy. Tuy nhiên, nhờ được gia đình, các ngành, chính quyền địa phương giáo dục, cảm hóa, không kỳ thị nên tôi quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời. Hiện nay, tôi đã cai nghiện thành công và có việc làm phụ giúp gia đình”.

Bên cạnh yếu tố giúp đỡ của người thân, cộng đồng thì anh N.M.L. cho rằng, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, ý chí quyết tâm của chính bản thân người nghiện. Và cũng như anh N.M.L. nói: “Đừng bao giờ dính vào ma túy!”.

"Ma túy gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội về sức khỏe, kinh tế và cũng là mầm mống của các loại tội phạm. Để phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, các cấp, các ngành chủ động tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại ma túy trong cộng đồng"./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết