Tiếng Việt | English

11/04/2019 - 15:22

Chuyện người làm “nghề” vận động

Dù “nghề” vận động đôi lúc còn khó khăn nhưng những người làm công việc này luôn cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Ông Phạm Văn Rang, người gần 20 năm làm “nghề” vận động

Đi mòn... cả dép

Một ngày mới của ông Phạm Văn Rang, ngụ ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vô cùng bận rộn. Ông không chỉ chạy ngược, chạy xuôi lo chu toàn công việc trong gia đình mà còn phải thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

Tại ấp, hầu như hộ dân nào cũng biết đến ông. Bởi vì, gia đình ông tiêu biểu, đi đầu trong nhiều hoạt động của địa phương, sống gần gũi, thường xuyên giúp đỡ mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, ông còn được gắn mác “vác tù và” nhiều năm qua.

Ông Rang kể, từ những năm 2000, ông đã tích cực cùng chính quyền tuyên truyền, vận động người dân trong ấp tham gia các hoạt động nhằm xây dựng địa phương giàu mạnh. Cũng từ đó, ông có thâm niên làm “nghề” vận động gần 20 năm. Công việc của ông thật sự bận rộn hơn khi xã hội ngày càng phát triển, nhất là từ khi địa phương phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới.

Nhiều hoạt động liên quan, nhất là vận động hộ dân đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường giao thông hay những dự án cần mặt bằng để cụ thể hóa việc phát triển KT-XH địa phương, khi khởi động chương trình, ông tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến người dân trong ấp để họ hiểu, nắm bắt và cùng thực hiện. Công việc vận động không phải dễ dàng vì “chín người mười ý” nên ông luôn nhẫn nại, kiên trì gõ cửa từng nhà, giải thích cho họ hiểu rồi cùng phối hợp thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp Voi Lá, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, cho biết: “Lúc đầu họp, tôi nghe nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc người dân và Nhà nước cùng làm nên chưa phối hợp thực hiện. Sau đó, nhờ anh em, nhất là anh Rang tới nhà giải thích thêm, tôi hiểu và đồng thuận ngay nên hiến đất, đóng góp kinh phí cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới. Bây giờ, nhìn thấy địa phương đổi mới từng ngày, tôi rất phấn khởi. Gia đình anh Rang rất tiêu biểu, là tấm gương để chúng tôi noi theo”.

Ông Rang chia sẻ: “Khi địa phương phát động phong trào gì, chúng tôi sẽ phối hợp, tổ chức họp dân để tuyên truyền cụ thể. Nếu có hộ nào chưa hiểu, chúng tôi đến tận nhà để giải thích lại. Thuận lợi ở đây là được người dân đồng tình, ủng hộ, đặc biệt là trong việc hiến đất làm đường hay giải phóng mặt bằng để làm dự án. Bản thân tôi cũng được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng ấp hơn 7 năm. Tôi luôn phấn đấu làm tốt nhiệm vụ, hy vọng góp thêm sức để xây dựng quê hương giàu, đẹp hơn. Tuy nhiên, việc vận động đôi lúc cũng gặp khó khăn vì một vài hộ chưa hiểu hết nên chưa đồng thuận. Vì thế, tôi cùng với mấy anh em đi tới mòn... cả dép, họ mới đồng ý”.

Theo Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong, các hoạt động tại địa phương được người dân đồng tình, ủng hộ, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới. Người dân đóng góp kinh phí, hiến đất làm đường và tích cực tham gia cùng xã để thực hiện. Bên cạnh đó, một số dự án cần mặt bằng, người dân cũng nhanh chóng bàn giao để sớm triển khai. Được như vậy là cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó, phải kể đến vai trò quan trọng của các trưởng ấp. Họ tuyên truyền, giải thích rõ ràng giúp công tác vận động dễ dàng, người dân tự giác hơn trong việc tham gia thực hiện. Riêng ông Phạm Văn Rang - Trưởng ấp Voi Lá, là một trong những trưởng ấp tiêu biểu trong công tác vận động. Phải nói thêm, trước đây khi chưa làm trưởng ấp, ông Rang cũng đã tích cực cùng địa phương làm công tác này.

“Nhọc nhằn bỏ lại phía sau…”

Hơn 15 năm làm “nghề” vận động, ông Huỳnh Quang Thệ, ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước, “nếm” đủ hương vị từ công việc này, buồn, vui lẫn lộn.

Ông vui vẻ chia sẻ câu chuyện bao nhiêu năm làm nghề “bất đắc dĩ” này. Những năm 2000, Long Cang còn khó khăn, đường giao thông, cơ sở vật chất thiếu thốn rất nhiều, mỗi khi địa phương tổ chức hoạt động, ông đi khắp ấp để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện. Chính vì vậy, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời đến với người dân, giúp họ hiểu rõ và cùng chung tay thực hiện. Phong trào này lan rộng ra nhiều ấp khác và xã Long Cang mỗi ngày đổi mới theo hướng tích cực.

Theo ông Huỳnh Quang Thệ, công tác vận động đòi hỏi phải nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó dễ dàng thực hiện hơn

Theo ông Huỳnh Quang Thệ, công tác vận động đòi hỏi phải nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân để từ đó dễ dàng thực hiện hơn

Ông Thệ cho hay: “Công việc này lắm vui, nhiều buồn. Việc đi lên, đi xuống nhà các hộ dân 4-5 lần để tuyên truyền, vận động là chuyện như cơm bữa. Tuy nhiên, khi thấy quê hương đổi mới, những nhọc nhằn tôi đều bỏ lại phía sau. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong từng ấy năm làm nghề là vận động người dân đắp tuyến đường vào tới đình Long Cang dài gần 2km. Trước đây (năm 2000), di chuyển vào đình Long Cang rất khó khăn, phải đi xuồng hoặc lội bộ qua con nước. Tôi trằn trọc nhiều đêm và quyết định báo lên chính quyền nguyện vọng vận động người dân đắp đường này. Được lãnh đạo địa phương tạo điều kiện, chúng tôi tổ chức họp dân. Người dân ai nấy cũng đều phấn khởi, đồng ý tham gia. Mùa khô, tôi cùng các hộ dân khác hợp lực đào đất để đắp đường. Cuối cùng hoàn thành tuyến đường, rộng hơn 3m, mọi người tiếp tục đóng góp công sức, tiền của trải đá xanh và bây giờ thì bêtông hóa hẳn hoi. Nhìn lại, kết quả như vậy, tôi rất phấn khởi!”.

“Hiện nay, Long Cang mỗi ngày mỗi khác, chúng tôi vẫn tiếp tục làm công tác vận động. Có sức dân, việc gì cũng thuận lợi. Người dân tự giác và tham gia đầy đủ cùng chính quyền thực hiện. Đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng ở đây, chúng tôi họp dân, phân tích, nêu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc làm đường, mở rộng đường hoặc dự án. Người dân hiểu, đồng ý chủ trương và chấp thuận ngay. Cụ thể như tuyến Đường tỉnh 830 (giai đoạn 2) qua ấp 1, 100% hộ dân đồng ý bàn giao mặt bằng để thực hiện. Bên cạnh thuận lợi ấy, đôi lúc vẫn gặp một số trường hợp người dân chưa hiểu, chúng tôi phải đi lại 4-5 lần để giải thích. Hiển nhiên, khi họ hiểu được ý nghĩa của hoạt động thì sẽ tích cực tham gia cùng chính quyền xây dựng. Quan trọng nhất, bản thân mỗi người làm "nghề" này phải kiên nhẫn, mềm mỏng, nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân, từ đó có hướng giải quyết và đề xuất cấp trên giải pháp cụ thể, phù hợp với từng gia đình” - ông Thệ chia sẻ.

Thực hiện tốt công tác vận động, nhiều tuyến đường, dự án nhanh chóng được người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện (Trong ảnh: Đường tỉnh 833B, chụp tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, thi công cơ bản hoàn thành)

Thực hiện tốt công tác vận động, nhiều tuyến đường, dự án nhanh chóng được người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện (Trong ảnh: Đường tỉnh 833B, chụp tại xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, thi công cơ bản hoàn thành)

Được biết, trong từng ấy năm làm “nghề” vận động, ông Thệ nhận rất nhiều giấy khen của UBND xã, UBND huyện và 2 lần (năm 2004, 2012) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích đóng góp, xây dựng quê hương.

Qua những câu chuyện của ông Rang, ông Thệ, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn những công việc họ đã làm. Ngày ngày, 2 ông vẫn âm thầm góp chút sức mình cùng chính quyền xây dựng địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp./.

Thanh Mỹ

Chia sẻ bài viết