Tiếng Việt | English

22/01/2019 - 10:14

Những “bông hoa” trưởng thành trên đảo đá

Khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cận kề cũng là những ngày cuối cùng các chiến sĩ gắn bó với đơn vị trên các trạm ra đa thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân.

Trung sĩ Sơn Dinh (bìa phải) và Trung sĩ Nguyễn Thế Vinh trò chuyện với các đại biểu tại Trạm ra đa 615

Trung sĩ Sơn Dinh (bìa phải) và Trung sĩ Nguyễn Thế Vinh trò chuyện với các đại biểu tại Trạm ra đa 615

Trong chuyến đi thăm, chúc tết các đảo trên vùng biển Tây Nam, chúng tôi liên tục phải trèo lên các điểm cao để đến các trạm ra đa nên ai cũng thấm thía với những gì mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây hàng ngày phải trải qua. Đi bộ đường núi, trèo lên dốc đá, băng qua rừng rậm, suối trơn trượt mới lên được trạm. Đại úy Hồ Hữu Nghĩa - Trạm trưởng Trạm ra đa 615 (đảo Hòn Chuối), cho biết: “Ở trạm, tất cả chiến sĩ đều rất tích cực tu dưỡng, rèn luyện và có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, nhất là các đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ năm cuối. Những ngày đầu lên trạm, chiến sĩ nào cũng bỡ ngỡ, thế nhưng chỉ sau vài tháng được học tập, rèn luyện đúng theo các chế độ, tất cả đều tự giác rèn luyện để sớm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chỉ sau khoảng 3 tháng, các chiến sĩ đã thực hiện tốt nhiệm vụ trực canh theo đúng quy định và trèo núi, leo dốc đá băng băng...”.

Để tìm hiểu cách mà các chiến sĩ ở đây bắt nhịp với công việc và cuộc sống như thế nào, tôi có cuộc trò chuyện với Trung sĩ Nguyễn Thế Vinh - Trắc thủ ra đa Trạm ra đa 615. Vinh cho biết: “Quê tôi ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), về trạm công tác được hơn 1 năm nay. Lần đầu tiên lên trạm phải vượt 288 bậc đá và leo qua những con dốc quanh co, mệt bở hơi tai, không nói nổi lời chào các anh ở đơn vị. Nghĩ lại mà thấy quê quá anh ạ! Nhưng bây giờ thì khác rồi, chúng tôi có thể đi một mạch từ đỉnh núi xuống bến tàu, lấy thực phẩm xong rồi lên ngay. Để làm được điều này là cả một quá trình tập luyện. Ngày đầu tiên thì đi xuống từng quãng ngắn rồi đi lên và cứ tăng dần, tăng dần cho đến khi hết toàn bộ con đường từ cảng lên trạm; từ đi chậm rồi đến đi nhanh và cả chạy nữa, cứ tập từng đoạn đường kết hợp với từng phân đoạn để rèn luyện. Sau đó, tùy theo sức khỏe để sớm hay trễ, mỗi người kịp thích nghi với đơn vị nhưng hầu như không quá 2 tháng là chúng tôi thích nghi được hoàn toàn”.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đón tết

Cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đón tết

Đó là những kinh nghiệm trong rèn luyện thể lực và khả năng leo núi của các chiến sĩ, còn về học tập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tôi được Trung sĩ Sơn Dinh - Trắc thủ ra đa cũng ở trạm này, cho biết: “Ngày đầu tiên mới lên trạm, tôi lo lắng lắm. Sinh hoạt hàng ngày thì thiếu nước, thiếu điện; học tập, huấn luyện thì thiếu vật chất bảo đảm nhưng được các anh đi trước chỉ dạy cho từ cách tiết kiệm nước đến cách học tập, huấn luyện làm sao đạt hiệu quả nhanh nhất. Tôi nhớ nhất cái bảng đen tại Phòng Hồ Chí Minh vì những ngày bắt đầu học về máy mới, tối nào chúng tôi cũng được các anh viết, vẽ lên cái bảng ấy để chỉ dẫn cho từng người những nội dung chưa hiểu. Khi lên máy thực hành, được các anh cầm tay chỉ nút, chỉ mục tiêu trên màn hình hiển thị. Nhờ vậy mà chúng tôi tiếp cận rất nhanh”.

Một ca trực của Trạm ra đa 595

Một ca trực của Trạm ra đa 595

Sắp rời quân ngũ, các chiến sĩ ai cũng bồi hồi. Tôi nhớ hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”... nhưng đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trên các trạm ra đa thì không đơn thuần chỉ là nơi đất ở mà đây còn là nơi rèn giũa để mỗi người trưởng thành, nơi nuôi dưỡng những ước mơ của tuổi trẻ. Đúng như tâm sự của Trung sĩ Trần Văn Tình - Trắc thủ ra đa, Trạm ra đa 595 (đảo Hòn Khoai): “Hơn 1 năm ở trạm, ngoài kiến thức về chuyên môn, sự dẻo dai về sức khỏe, tôi còn được trang bị thêm nhiều về kinh nghiệm trong cuộc sống, biết quý trọng tình đồng chí, đồng đội, sự đoàn kết, gắn bó lúc khó khăn... Chỉ còn ít ngày nữa là tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự để về quê ở Mộ Đức (Quảng Ngãi). Tôi tin, với bản lĩnh, kinh nghiệm cộng với tinh thần vượt khó của mình, sẽ vững vàng bước vào môi trường cuộc sống mới”. Còn Trung sĩ Phạm Văn Khải - Trắc thủ ra đa, Trạm ra đa 595, quê Yên Hưng (Quảng Ninh), thì khẳng định: “Những gì được trang bị trong môi trường quân đội sẽ là hành trang vững chắc để tôi về quê hương lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới”.

Rời quân ngũ, với sức trẻ và ý chí, những chiến sĩ sẽ tiếp nối truyền thống, tích cực trong lao động, sản xuất để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ./.

Quang Tiến

Chia sẻ bài viết