Tiếng Việt | English

27/06/2018 - 08:42

Tình đất, tình người quanh cột mốc 202, 203 - Bài cuối: Bảo vệ đường biên, cột mốc

Cột mốc 202, 203 nằm cách nhau khoảng 3km, trên đường phân giới giữa ấp Bình Bắc, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa với ấp Pray Vo, xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Từ bao đời nay, người dân 2 bên cột mốc luôn gắn bó, hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống.

Xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An có đường biên giới giáp xã Tà Nốt, huyện Kompong Ro, tỉnh Svay Rieng, dài 4,5km, với 2 cột mốc 202, 203 nằm trên địa bàn ấp Bình Bắc. Với người dân khu vực biên giới, việc bảo vệ đường biên, cột mốc không chỉ là trách nhiệm thiêng liêng mà còn là niềm tự hào.

Trách nhiệm thiêng liêng

Bây giờ, không chỉ người dân Bình Bắc mà cả xã Bình Hòa Tây và nhiều xã lân cận khác đều ca ngợi anh Nguyễn Văn Lâm (38 tuổi) như là một “người hùng” vùng biên, bởi anh dũng cảm ngăn chặn nhóm người Campuchia quá khích tụ tập gây rối năm 2015.

An ninh biên giới ổn định góp phần giúp ấp Bình Bắc giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền

An ninh biên giới ổn định góp phần giúp ấp Bình Bắc giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền

Anh Lâm kể: “Ngày 28/6/2015, hàng trăm người Campuchia tụ tập gần cột mốc 203 rồi lấn sang phần đất do người dân ấp Bình Bắc canh tác. Tôi và một số anh em trong ấp dàn hàng ngang chắn lại, giải thích, không cho tiến sâu vào nhưng họ vẫn tiếp tục lấn tới, rồi dùng cán cờ, gậy, nón bảo hiểm,... tấn công chúng tôi làm 7 người bị thương và tôi là người bị thương nặng nhất, phải nhập viện khâu gần chục mũi chỉ trên đầu”.

Là người dân khu vực biên giới, anh Lâm thường dự các cuộc sinh hoạt do ban tự quản ấp và Đồn Biên phòng Bình Hòa Tây tổ chức. Nhờ vậy, anh nắm được tình hình, hiểu rõ thủ đoạn của kẻ xấu, nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ đường biên, cột mốc. “Khi bị nhóm người lạ tấn công, tôi không sợ,... Ruộng đất này là của tổ tiên, ông bà khai khẩn để lại, chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ cho con cháu đời sau,...” - anh Lâm quả quyết.

Cảnh nhà đơn chiếc, anh Lâm phải nghỉ học khá sớm, phụ giúp gia đình. Lớn lên, anh lập gia đình và được cha mẹ cho ra riêng với 4ha đất trồng lúa. Nhờ chịu khó, vợ chồng anh sớm thoát khỏi cảnh túng thiếu, xây dựng nhà cửa kiên cố. Anh Lâm chia sẻ thêm: “Vụ việc xảy ra tại cột mốc 203 chỉ do những phần tử quá khích tới từ nơi xa, chứ không liên quan gì đến người dân hai bên vùng giáp biên”.

Vì biên giới bình yên

Đến ấp Bình Bắc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những chiếc kẻng bằng ống sắt, được người dân treo trước nhà. Hỏi ra mới biết, đây chính là mô hình giúp người dân trong việc giữ gìn an ninh, trật tự và cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết,... Toàn ấp hiện có 1 kẻng lớn và 75 kẻng nhỏ, khi có tình huống xấu xảy ra, người dân chỉ cần đánh kẻng lớn, lập tức các kẻng nhỏ vang lên.

Theo Trưởng ấp Bình Bắc - Huỳnh Văn Phương, trước đây, tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tương đối phức tạp, thường xuyên xảy ra tình trạng uống rượu, quậy phá, trộm cắp,... Từ khi triển khai mô hình Tiếng kẻng vùng biên, tình trạng trộm cắp trên địa bàn giảm hẳn, an ninh, trật tự được giữ vững. “Để mô hình thực hiện hiệu quả, ngoài việc in, ép nhựa quy chế sử dụng kẻng dán trước cửa nhà các hộ dân, chính quyền địa phương còn phối hợp tổ chức diễn tập giúp người dân biết tiếng kẻng nào là báo cháy, nổ, tiếng kẻng nào là gây rối hay trộm cướp,... để mang theo dụng cụ cần thiết khi tham gia xử lý” - ông Huỳnh Văn Phương chia sẻ thêm.

Từ khi triển khai mô hình Tiếng kẻng vùng biên, tình trạng trộm cắp trên địa bàn ấp Bình Bắc giảm hẳn

Từ khi triển khai mô hình Tiếng kẻng vùng biên, tình trạng trộm cắp trên địa bàn ấp Bình Bắc giảm hẳn

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cảo, ngụ ấp Bình Bắc, chúng tôi thấy chiếc kẻng lớn treo trước cửa nhà bám đầy bụi và mạng nhện. Ông nói, lâu rồi không dùng kẻng nữa bởi xóm làng yên bình. “Trước đây, trộm ngang nhiên hoành hành vì có bị phát hiện, người dân cũng không dám hô hoán do sợ bị trả thù. Lúc đi ngủ, dù khóa cửa cẩn thận mà vẫn lo mất trộm nên chẳng yên giấc. Giờ thì khác rồi, có hôm ngủ dậy mới biết là quên khóa cửa, chưa dẫn xe vào nhà,... vậy mà vẫn không bị mất thứ gì” - ông Cảo chia sẻ.

Từ vụ việc xảy ra vào năm 2015, chốt biên phòng trên địa bàn ấp Bình Bắc được thành lập. Chốt nằm nép mình ven đường tuần tra, giữa cánh đồng biên giới mênh mông, cách cột mốc 203 chưa đầy 1km. Ông Huỳnh Văn Phương cho biết, chốt này do lực lượng biên phòng và dân quân xã Bình Hòa Tây canh gác. Lúc mới thành lập, chưa có điện, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ khó khăn. Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát lúc cao điểm và trực bảo vệ 24/24, cán bộ, chiến sĩ còn tuyên truyền, vận động người dân 2 bên biên giới thực hiện tốt pháp luật của mỗi nước, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Rời ấp Bình Bắc, nhìn những liếp dừa thẳng tắp, đồng lúa mênh mông, hứa hẹn mùa bội thu,... chúng tôi rất tự hào về tình đất, tình người của người dân nơi đây.Chúng tôi tin chắc rằng, mối quan hệ gắn bó keo sơn, tình hữu nghị mà bao đời nay người dân hai bên biên giới gìn giữ, vun đắp sẽ ngày càng trở nên bền chặt./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết