Sạt lở, sụt lún bờ sông không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần người dân đang sinh sống gần các bờ sông (Trong ảnh: Sạt lở, sụt lún hơn 460m đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây tại khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa xảy ra trong tháng 5/2024)
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng nhiều và rất phức tạp, không dự báo được. Sạt lở đất làm cuốn trôi nhiều tài sản, diện tích đất ở, đất sản xuất của Nhà nước và nhân dân; làm sập đổ, hư hỏng nhiều nhà ở, đường giao thông, hệ thống đê điều, nhất là gây tâm lý hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của người dân đang sinh sống gần các bờ sông.
Thông tin từ ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở bờ sông do các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thiên tai cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài lại chuyển sang mưa lũ với cường suất ngày càng lớn; các vị trí sạt lở thường xảy ra tại những đoạn sông cong lõm, dưới tác động của dòng chảy, triều cường lên xuống kết hợp sự gia tăng các phương tiện tàu, thuyền lưu thông qua lại.
Bên cạnh đó, sự chủ quan của người dân trong việc xây dựng nhà ở, công trình phụ trợ,... gần bờ sông hoặc lấn chiếm ra cả mặt nước tạo sự gia tăng tải trọng công trình lên bờ sông dẫn tới đất bị sụt lún, sạt lở ngày càng gia tăng.
Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khảo sát các điểm sạt lở tại bờ sông Kênh Hàn thuộc khu vực ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc
Tình trạng sạt lở bờ sông tại huyện Cần Giuộc diễn ra nghiêm trọng và phức tạp với nhiều điểm sạt lở cần được gia cố. Trong đó, bờ sông Kênh Hàn thuộc khu vực ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc là một trong những điểm xảy ra tình trạng sạt lở nhanh và nguy hiểm.
UBND tỉnh có văn bản công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại khu vực này. Tổng chiều dài sạt lở khoảng 125m với 3 vị trí sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở làm ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 20 hộ dân với 80 người dân sinh sống cặp bờ sông.
Gia đình ông Nguyễn Văn Chính (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc) sống ven sông Kênh Hàn gần 10 năm. Ông cho biết 2 năm trở lại đây, tình trạng sạt lở diễn ra nhanh, từ bờ sông đã sạt lở vào gần 15m, sát với ngôi nhà mà gia đình ông sinh sống. “Sạt lở hiện đã đến sát vách nhà, gia đình tôi đang rất lo lắng, đêm cũng không dám ngủ. Gia đình tôi khó khăn, đất đai không có, muốn di dời cũng không đủ điều kiện. Mong sao ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ chống sạt lở để người dân được an tâm sinh sống”.
Cũng theo ông Chính, khu vực bờ sông này từng sạt lở rất nhiều lần chứ không phải mới đây. Mỗi lần như vậy, địa phương và người dân lại gia cố, khắc phục bằng các biện pháp như đóng cừ dừa, chèn rọ đá nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục; vị trí sạt lở ngày càng ăn sâu vào trong, ngoài khả năng xử lý của người dân.
Điểm sạt lở nghiêm trọng tại bờ sông Kênh Hàn thuộc khu vực ấp Vĩnh Thạnh, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Cần Đước diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực bờ sông Rạch Cát thuộc khu vực ấp 7, xã Phước Đông. Theo ghi nhận, đoạn sạt lở dài 150m, ảnh hưởng đến 12 hộ dân với gần 50 nhân khẩu (có nhiều người già và trẻ nhỏ) đang sinh sống tại khu vực này.
Thông tin từ UBND xã Phước Đông, các điểm sạt lở nằm gần ngã ba sông Rạch Cát và kênh Nước Mặn, dòng nước chảy xiết tác động về phía bờ lõm. Đồng thời, lưu lượng phương tiện giao thông thủy có trọng tải lớn lưu thông qua khu vực này cao làm cho nước cuốn xoáy vào bờ sông, tạo thành hố sâu, hở hàm ếch, dẫn đến sạt lở. Địa phương cùng người dân đã khắc phục tạm thời và cắm bảng cảnh báo tại các điểm sạt lở.
Ông Trần Ngọc Thuận (ấp 7, xã Phước Đông) chia sẻ: “Hiện một phần đất mà gia đình tôi dùng để chăn nuôi heo bị sạt lở hoàn toàn, trong nhà cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Hy vọng chính quyền địa phương sớm xây dựng bờ kè giống như kênh Nước Mặn để người dân không phải sống trong phập phồng, lo sợ như hiện nay”.
Đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 điểm sạt lở với tổng chiều dài bờ sông bị ảnh hưởng là 3.438m. Các điểm sạt lở xảy ra ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh,...
|
Chủ động triển khai nhiều giải pháp
Để triển khai kịp thời, hiệu quả trong công tác phòng ngừa, ứng phó với sạt lở bờ sông, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cộng đồng và người dân về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông; tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ lòng, bờ sông và bãi sông; đặc biệt là việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, trên sông và khai thác đất, sỏi trái phép ở lòng sông làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Cùng với đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, khoanh vùng và đánh giá, phân loại mức độ sạt lở, nguy cơ sạt lở bờ sông; tổng hợp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, huy động các nguồn lực để thực hiện. Trong đó, cần tập trung ưu tiên thực hiện cắm biển cảnh báo sạt lở; lập phương án di dời và tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đang sinh sống tại các khu vực đang có diễn biến sạt lở, nguy cơ xảy ra sạt lở lớn, nhất là tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của người dân.
Ngành chức năng cắm biển cảnh báo tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở
Mặt khác, các địa phương cần chủ động xây dựng công trình bảo vệ bờ sông tại những khu vực dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng quan trọng không thể di dời; trường hợp vượt khả năng cân đối ngân sách của địa phương thì phối hợp các sở, ngành liên quan hoặc huy động các nguồn lực (ngoài ngân sách, doanh nghiệp, nhân dân,...) xây dựng kè chống sạt lở bảo vệ bờ sông, kết hợp đa mục tiêu làm cơ sở nhân rộng, giảm áp lực ngân sách nhà nước.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban PCTT&TKCN tỉnh - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: Từ nay đến cuối năm 2024, tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở, sụt lún, ngập úng, vỡ đê bao, bờ bao, gây mất an toàn công trình thủy lợi, đê điều. Do đó, các địa phương cần tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, kiểm tra công tác PCTT tại cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, làm tốt nhiệm vụ trong thời điểm tình hình thiên tai có nhiều diễn biến khó lường. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo, cảnh báo cho người dân để chủ động ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất./.
Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra các điểm, các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn. Qua đó, kịp thời tổng hợp và báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa vào kế hoạch kiến nghị Trung ương, tỉnh đầu tư, khắc phục trong thời gian tới”.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần
Địa phương đã cắm biển cảnh báo và vận động người dân khắc phục tạm thời các điểm sạt lở nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra và ngày càng nghiêm trọng. Trước tình trạng này, tôi mong huyện, tỉnh và ngành chức năng sớm có phương án đầu tư kè chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho người dân”.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Võ Minh Hải
|
Bùi Tùng