Tiếng Việt | English

22/11/2018 - 19:40

Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!

HIV/AIDS vẫn là một vấn đề y tế công cộng lớn của toàn cầu. Đến nay, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Nó tác động đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An - Ths. Nguyễn Ngọc Linh về các biện pháp ngăn chặn căn bệnh này.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

PV: Ông có thể biết mục tiêu 90-90-90 là gì, thưa ông?

Ths. Nguyễn Ngọc Linh: Tại Hội nghị AIDS toàn cầu ở Úc tháng 7-2014, Liên Hiệp Quốc đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc nhằm tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

PV: Vì sao mục tiêu 90-90-90 lại quan trọng với công tác phòng, chống HIV/AIDS, thưa ông?

Ths. Nguyễn Ngọc Linh: Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Về mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm, họ có thể vô tình làm lây nhiễm HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Hơn nữa, nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm HIV thì họ cũng không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ. Khi không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.

Mục tiêu 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV có nghĩa là việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hơn nữa, hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = Không lây truyền”, tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện, tức là 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Cuối cùng là mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh.

Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV, cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh. Khi các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để từ đó có thể đạt mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

PV: Thưa ông, tại sao năm 2018, Việt Nam lại chọn chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!”?

Ths. Nguyễn Ngọc Linh: Sở dĩ năm 2018, chúng ta chọn chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!” vì 3 lý do.

Một là, trên thực tế, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Theo ước tính, Việt Nam hiện
có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, tuy nhiên, chỉ có gần 200.000 người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. Như vậy, vẫn còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Họ có thể “vô tình” là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng. Họ cũng không được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân họ và làm giảm lây truyền HIV ra cộng đồng.

ước tính, hiện Việt Nam mới chỉ có gần 80% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, trong khi chỉ còn 2 năm để đạt mục tiêu 90% thứ nhất, đó là khoảng cách lớn cần sự nỗ lực của cả cộng đồng.

Hai là, nhiều người được chẩn đoán nhiễm HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV. Việc điều trị ARV hiện nay được mở rộng đến tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có gần 130.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy, vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV.

Ba là, nhiều kết quả đã đạt nhưng khó khăn, thách thức vẫn rất lớn, do vậy, cần tăng cường hành động. Những năm qua, Việt Nam đạt nhiều kết quả trong phòng, chống HIV/AIDS như 10 năm liền, dịch HIV được kiểm soát ở cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Việt Nam tiếp tục kiểm soát được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Tuy nhiên, như đã đề cập trên, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hiệp Quốc đề ra.

Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, thách thức đang tồn tại. Dịch HIV vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt khu vực vùng sâu, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại. Lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi. Sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và các chất gây nghiện khác. Sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hành lang pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cam kết chính trị cho phòng, chống HIV/AIDS cũng ở mức cao ở cả cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 90-90-90, chỉ cam kết thôi là không đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Nó cũng đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới để đạt mục tiêu 90-90-90.

Đây là những mục tiêu hết sức tham vọng và rất thách thức. Tuy nhiên, nếu đạt những mục tiêu này, không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người mà còn là sự ổn định và phát triển của quốc gia. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

PV: Long An có thể đạt 3 mục tiêu này vào năm 2020 không, thưa ông?

Ths. Nguyễn Ngọc Linh: Như tôi vừa nói ở phần trên, việc đạt 3 mục tiêu là thách thức rất lớn vì nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy vậy, không thể nói khó thì không cố gắng, phấn đấu. Để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, Long An sẽ triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán về chăm sóc và điều trị.

Về hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại, ưu tiên tập trung các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao. Triển khai đồng bộ các can thiệp từ dự phòng đến điều trị cho đối tượng, như truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone.

Về xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV, sẽ tập trung mở rộng xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, bao gồm người có hành vi nguy cơ tự xét nghiệm. Đồng thời, mở rộng và phân cấp mạng lưới phòng xét nghiệm khẳng định HIV tại tuyến huyện bằng ba test nhanh. Tổ chức thực hiện điều trị ARV theo tiêu chuẩn mới: Điều trị ARV không phụ thuộc CD4 cho các đối tượng nhiễm HIV nguy cơ cao, phụ nữ mang thai nhiễm HIV, người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS bằng cách phân cấp và lồng ghép vào hệ thống khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, tổ chức điều trị ARV cho các đối tượng trong trại giam, trung tâm cai nghiện. Đồng thời, tiếp tục truyền thông về lợi ích của điều trị bằng ARV, lợi ích của bảo hiểm y tế trong chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị một cách bền vững. Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS ở Long An mua bảo hiểm y tế đạt 89,4%.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thanh Bình(thực hiện)

Chia sẻ bài viết