Tiếng Việt | English

02/08/2016 - 09:03

Long An ghi nhận 8 ca uốn ván

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván. Ảnh minh họa internet

Năm 2005, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là nước đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh (UVSS). Từ năm 2006 đến nay Việt Nam tiếp tục duy trì thành quả loạt trừ UVSS.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra một số trường hợp UVSS ở một số tỉnh, thành trên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do bà mẹ không tiêm vắc xin phòng uốn ván trong lúc mang thai và việc chăm sóc rốn cho bé tại nhà chưa đúng hướng dẫn của cán bộ Y tế.

Tại Long An, trong 6 tháng đầu năm 2016 chưa ghi nhận trường hợp UVSS nhưng đã ghi nhận 8 ca uốn ván khác tại 4 huyện gồm Cần Đước (2 ca), Đức Hòa (2 ca), Cần Giuộc (2 ca), Vĩnh Hưng (1 ca) và Bến Lức (1 ca).

Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Tác nhân gây bệnh uốn ván tồn tại chủ yếu dưới dạng nha bào (là hình thái tồn tại đặc biệt giúp cho vi khuẩn chịu đựng được những yếu tố bên ngoài bất lợi như: khô, nóng, chất sát khuẩn ... ) và có mặt ở khắp nơi trong đất cát, môi trường, cống rãnh,… xung quanh chúng ta. Bệnh UVSS là bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh do vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng.

Trẻ bị mắc bệnh uốn ván sơ sinh có biểu hiện lâm sàng và diễn biến rất nặng, trẻ bị co cứng, co giật và hầu hết đều tử vong. Đây là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ở trẻ em. Ngoài ra bệnh uốn ván cũng có thể xảy ra cho chính các bà mẹ trong quá trình sinh đẻ nếu cuộc đẻ không đảm bảo vô trùng.
Tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng bệnh UVSS cho cả mẹ và con. Bản chất của vắc xin uốn ván là giải độc tố uốn ván, tức là vắc xin được bào chế từ độc tố của vi khuẩn đã được làm mất tính độc, không phải làm từ vi khuẩn sống nên rất an toàn cho cả mẹ và con.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe sinh sản - Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Sa, lịch tiêm uốn ván đầy đủ cho phụ nữ bao gồm 5 liều: Liều 1 tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc cho nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại vùng nguy cơ cao (nếu chỉ tiêm 1 liều sẽ không tạo ra được kháng thể đủ để bảo vệ cho cả mẹ và con); Liều 2 tiêm sau liều thứ nhất ít nhất 1 tháng; Liều 3 sau liều 2 ít nhất 6 tháng hoặc lần có thai sau; Liều 4 sau liều 3 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau; Liều 5 sau liều 4 ít nhất 1 năm hoặc lần có thai sau.

Sau khi tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai, kháng thể hình thành trong cơ thể mẹ sẽ truyền cho thai nhi để bảo vệ cho trẻ không bị mắc UVSS, đồng thời kháng thể này cũng bảo vệ cho chính bà mẹ trong quá trình sinh đẻ không bị mắc uốn ván./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết