Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 16:32

Mùng 3 “hóa vàng” tiễn ông bà

Nếu như giao thừa, người Việt chuẩn bị mâm cỗ đón ông bà về ăn tết thì “hóa vàng” chính là thủ tục làm cỗ để mọi gia đình tiễn ông bà sau 3 ngày tết. Lễ “hóa vàng” thường được người dân tổ chức vào ngày mùng 3 tết.


Mâm cỗ ngày mùng 3 luôn luôn có con gà

Theo quan niệm dân gian, lễ “hóa vàng” đánh dấu kết thúc những ngày tết tại các gia đình để mọi người sớm quay lại với công việc thường ngày. Lễ “hóa vàng” còn được gọi là “cúng đưa ông bà” hay “lễ cáo tiễn tổ tiên”, diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 10 tết, nhưng chủ yếu được các gia đình tổ chức vào ngày mùng 3 tết.

Ông Phạm Văn Sơn, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mùng 3 tết, các thành viên trong gia đình thức dậy thật sớm để chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông bà. Mâm cơm với các món kho, xào,... cùng bánh, mứt, hoa, vàng mã,… nhất là phải có con gà luộc. Con gà này phải được chuẩn bị từ trước, không quá to hay quá nhỏ, chỉ tập tọe biết gáy (hơn 1kg) là vừa nếu có điều kiện phải tự nuôi, chăm sóc gà thì lễ cúng ông bà càng thêm ý nghĩa.

“Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Cổ truyền của người Việt Nam, nhất là trong ngày mùng 3 tết. Vì mọi người tin rằng, ăn món gà luộc sẽ mang đến sự khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy!”- ông Sơn giải thích thêm.


Dán "ông hổ" trước cửa nhà trong ngày tiễn ông bà

Theo ông Nguyễn Văn Thêm, phường 1, TP.Tân An, khi mặt trời vừa ló dạng, mâm cỗ cho ngày mùng 3 được mọi nhà dọn ra. Thông thường, mỗi gia đình chuẩn bị 2 mâm, một mâm đặt ngoài sân, một mâm để phía trong đặt đối diện với bàn thờ chính giữa nhà. Riêng mâm đặt trong nhà có phần đặc biệt hơn với các món kho, xào, cháo,… Khi nén nhang tàn, người cúng rải gạo, muối ra bốn phương tám hướng rồi “hóa vàng” các loại tiền, vàng, hàng mã để ông bà làm "lộ phí" lên đường.

Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày nay, ai cũng bận rộn với những lo toan về cuộc sống mưu sinh. Nhưng đối với người dân Việt Nam hiện còn lưu giữ nhiều tục lệ ý nghĩa khi tết đến, xuân về. Lễ “hóa vàng” ngày mùng 3 tiễn ông bà là tục lệ tốt đẹp, không thể thiếu của người dân theo hàm nghĩa phải “có trước có sau” đối với bề trên./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết