Tiếng Việt | English

21/06/2021 - 10:15

Nghề báo - Nghề của sự đam mê và dấn thân

Bất kỳ nghề nghiệp nào cũng cần sự dấn thân của những người tham gia. Nhưng với riêng những nhà báo, phóng viên cần đặc biệt có sự dấn thân, vượt qua những nguy hiểm, cám dỗ để có những tác phẩm báo chí chất lượng. Đam mê, dấn thân không chỉ đơn giản là trách nhiệm của mỗi nhà báo mà đó còn là trách nhiệm với bạn đọc, xã hội đấu tranh trước cái sai để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Bài 2:  Báo chí cần sự đam mê và dấn thân

Theo đuổi nghề báo không chỉ có nỗ lực, cố gắng mà cần phải có đam mê, khát vọng, sự dấn thân và một đôi chân biết lăn lộn trên khắp các cung đường.

“Làm báo chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện nhưng quan trọng là kể thật, bởi có đến tận nơi, ra tận hiện trường thì câu chuyện bao giờ cũng sống động hơn khi ngồi trong phòng” - nhà báo Hoàng Nam khẳng định

“Làm báo chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện nhưng quan trọng là kể thật, bởi có đến tận nơi, ra tận hiện trường thì câu chuyện bao giờ cũng sống động hơn khi ngồi trong phòng” - nhà báo Hoàng Nam khẳng định

Yêu nghề để vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng đam mê

Từ những ngày học cấp 3, qua những bộ phim, tình yêu với nghề báo dần thấm vào chàng trai trẻ Lê Hoàng Nam. Cũng từ đó, anh ấp ủ ước mơ trở thành phóng viên báo chí. Quyết tâm thi nhưng một chút thiếu may mắn khiến anh rớt khoa Báo chí Trường Đại học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đành chấp nhận kết quả nguyện vọng 2 khoa Ngữ văn, Đại học Cần Thơ. Anh tốt nghiệp ngay lúc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Long An tuyển dụng. Anh không chút đắn đo, nộp đơn thi và trúng tuyển vào Báo Long An. Làm báo địa phương được vài năm, anh chuyển sang Báo Pháp Luật TP.HCM và hiện tại công tác tại VnExpress. 12 năm gắn bó với nghề, anh theo đuổi những đề tài phản ánh tiêu cực và thường được ký tên với bút danh Hoàng Nam.

“Ở xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, có vụ người con gái có những hành vi đối đãi không tốt với cha mẹ, người thân, tôi trực tiếp xuống xác minh vụ việc, về viết một bài dài. Bài báo được đăng, tôi bị đe dọa, thậm chí rải truyền đơn. Rồi có vụ tại huyện Tân Thạnh, vợ chồng người con rể cấu kết lừa mẹ già để bán đất lấy tiền, trong khi phiên tòa sơ thẩm tuyên vợ chồng người con rể thắng kiện. Bức xúc, tôi tìm tới tận nơi, xác minh nhiều nguồn kiểm chứng trước khi thực hiện 2 bài viết Người anh rể bất nhân và Lòi đuôi cáo già. Sau đó, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm. Nhưng, bài báo được đăng cũng là lúc vợ chồng người con rể gửi đơn xuống tòa soạn, thậm chí nhắn tin, gọi điện liên tục cho tôi với những lời nói khó nghe. Và còn những lúc bản thân mình chưa cẩn thận để tin, bài đăng phải đính chính. Chính những lúc ấy, lòng yêu nghề sẽ giúp bản thân mình vượt qua được những khó khăn để nuôi dưỡng đam mê với nghề” - nhà báo Hoàng Nam chia sẻ.

Theo nhà báo Hoàng Nam, yêu nghề và đam mê là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi phóng viên, nhà báo. “Có lần khi còn công tác tại Báo Long An, tôi đã mất hơn 1 tháng trời chỉ để lần theo dấu những người chở thuốc lá lậu. Nhiều lần bị các đối tượng canh đường phát hiện đuổi theo nhưng cuối cùng tôi vẫn phác họa được cách thức, tuyến đường vận chuyển thuốc lá lậu từ Trảng Bàng - Tây Ninh qua Đức Hòa - Long An trước khi về TP.HCM tiêu thụ. Nếu không có đam mê, lòng yêu nghề rất dễ khiến chúng ta bỏ cuộc. Dù rằng những người sống bằng đam mê thường thiệt thòi nhưng đổi lại đó là sự hài lòng trước hết cho bản thân, trách nhiệm với tòa soạn và độc giả. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc mỗi phóng viên hiểu được mình đã làm gì cho nghề đã chọn. Và chính đam mê, lòng yêu nghề sẽ làm nên những tác phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu đến với độc giả” - nhà báo Hoàng Nam khẳng định.

Dấn thân theo đến cùng đề tài

Năm 2020, hạn, mặn kỷ lục xâm nhập khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khiến hàng trăm ngàn hộ dân khốn đốn. Hàng chục phóng viên các tòa soạn được phân công thực hiện đề tài này. Cùng với đó là hàng trăm tin, bài kịp thời đến với độc giả. Mỗi người một cách thể hiện tác phẩm báo chí khác nhau nhưng với riêng nhà báo Hoàng Nam, hạn, mặn đơn giản là những câu chuyện đời nhất, thực nhất từ những nhân vật bình thường nhất để xâu chuỗi thành loạt 6 bài trên báo VnExpress. Những bài báo như Miền Tây trong “cơn bão” hạn mặn, Chạy lở phía sau dòng nước xoáy, Ly hương nơi hạ nguồn Mekong,… thường mang đậm dấu ấn cá nhân nhà báo Hoàng Nam, được bạn đọc đón nhận. Mất hơn 2 tháng, anh mới thực hiện xong các bài viết. Nhưng trước đó là cả một kho tư liệu đã được anh tìm đọc để hiểu về Đồng bằng sông Cửu Long mà như cách nói của nhà báo Hoàng Nam - “100 năm miền Tây phải hiểu”. Đó là những cuốn sách của nhà văn Sơn Nam, những tập khảo cổ, sách lịch sử và cả những nghiên cứu mới nhất về Đồng bằng sông Cửu Long.

“Trong bài Ly hương nơi hạ nguồn Mekong, tôi viết ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Nếu không hiểu lịch sử, có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao hạ nguồn Mekong lại ở Bến Tre mà không phải các tỉnh cuối nguồn sông Hậu? Đó là những kiến thức buộc phóng viên phải biết khi thực hiện đề tài” - nhà báo Hoàng Nam cho biết.

Theo nhà báo Hoàng Nam, phát hiện đề tài hay đã khó nhưng thể hiện đề tài thành tác phẩm báo chí chất lượng càng khó hơn, đòi hỏi sức lao động nghiêm túc, dấn thân theo đến cùng đề tài. Không hẳn đó phải là những vấn đề nóng, điều tra mới theo đến cùng mà ngay cả những đề tài bình dị nhất, mỗi phóng viên cũng phải theo đến cùng đề tài. Như khi viết về hạn, mặn, rất nhiều phóng viên viết bài nhưng bản thân anh lại chọn cách thể hiện riêng và theo đến cùng để nêu bật được đề tài.

“Cả bài báo Ly hương ở hạ nguồn Mekong, tôi chỉ xoay quanh câu chuyện của 2 nhân vật Bình và Minh sau khó khăn qua những mùa hạn, mặn. Để gặp được nhân vật, ngoài tới huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tôi còn phải theo đúng hành trình lên tới Bù Đăng, Bình Phước để chính mình được nghe những câu chuyện từ những người ly hương bởi hạn, mặn. Làm báo chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện nhưng quan trọng là kể thật, bởi có đến tận nơi, ra tận hiện trường thì câu chuyện bao giờ cũng sống động hơn khi ngồi trong phòng” - nhà báo Hoàng Nam tâm sự.

Cũng là một “tay ngang” khi bắt đầu nghề báo nhưng sau gần 25 năm công tác và đã là quản lý nhưng nhà báo Thanh Bình - Trưởng đại diện Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Long An, vẫn chưa bao giờ nguôi ngọn lửa đam mê với nghề. Anh vẫn lăn lộn ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những điểm nóng để kịp thời đưa thông tin đến với độc giả. Theo nhà báo Thanh Bình, nghề báo là phải đi, phải dấn thân vào cuộc sống và giữ được ngọn lửa đam mê với nghề. Có như vậy mới khai thác được những đề tài hay, phản ánh sinh động đời sống, xã hội, truyền tải hết được tâm tư, cảm xúc của nhân vật trong từng bài viết. “Người làm báo cũng cần bản lĩnh, dám lăn xả vào những điểm nóng. Đừng để đôi chân ngừng nghỉ!” - nhà báo Thanh Bình nhắn nhủ./.

Báo chí cần chiều sâu, mạng xã hội chỉ là trào lưu

Theo nhà báo Hoàng Nam, cách đây 10 năm, khi mạng xã hội (MXH) chưa phát triển, báo chí ở trung tâm của tin tức. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của MXH khiến báo chí dần nằm ra ngoài rìa. Có những tòa soạn thậm chí cuống lên, chạy theo để cạnh tranh với MXH.

Đó là sai lầm, bởi dẫu sao tin tức từ báo chí không thể nhanh bằng và độ giật gân cũng không cạnh tranh lại. MXH lên ngôi vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để mỗi tòa soạn tự định hướng phát triển, làm mới tờ báo và nâng chất lượng các bài viết cũng như hình ảnh. Không thể cứ chạy theo MXH mà phải biết "lấy ngắn nuôi dài" bởi “không có cây đậu bắp nào tồn tại lâu”.

Do đó, mỗi tòa soạn cần có chế độ, khuyến khích để xây dựng những tuyến bài chất lượng, có chiều sâu, tầm ảnh hưởng. Đây mới là những cái khác biệt, dấu ấn của báo chí chính thống so với MXH. Và đây cũng là cách để nâng chất lượng, uy tín của tờ báo trong lòng độc giả - nhà báo Hoàng Nam khẳng định.

(còn tiếp)

Bài 3: Bản lĩnh với nghề,  trách nhiệm cao với xã hội

Kiên Định - Lam Hồng

Chia sẻ bài viết