Tiếng Việt | English

22/11/2017 - 13:47

Giáo viên chủ nhiệm lớp - Người định hướng, giúp đỡ học sinh

Giáo viên chủ nhiệm (GVCN) là người gần gũi, chia sẻ và hỗ trợ học sinh (HS). Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, đòi hỏi người thầy phải có cái tâm thật sự yêu nghề.

Lấy tình thương để giáo dục

8 năm với hành trình chèo chống con đò tri thức là ngần ấy thời gian, thầy Trần Ngọc Danh - GV Trường THPT Gò Đen (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), gắn bó với công tác chủ nhiệm lớp. Riêng đối với hệ giáo dục thường xuyên, đây là năm thứ 2, thầy Danh làm công tác này.

HS ở hệ giáo dục thường xuyên thường khả năng tiếp thu hạn chế nên hay rơi vào dạng cá biệt. Để giáo dục những HS này, cần tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng nhằm có hướng giúp đỡ phù hợp. Không phải tự nhiên mà HS trở thành cá biệt, đó là hậu quả của vết thương tâm lý mà vô tình người lớn gieo vào đầu óc các em khi sống trong môi trường gia đình. Mặt khác, cũng có thể do gia đình khó khăn, bận mưu sinh, cha mẹ không theo sát con em nên một số HS ham chơi, học kém, chán học, bỏ học,... Thầy Danh cho rằng, để giáo dục, định hướng HS, nhất là các em cá biệt, trước hết phải bằng tình yêu thương HS thực sự, giúp các em vượt qua những biến cố, xoa dịu vết thương tâm lý. Khi các em vi phạm thì gặp riêng, cùng trao đổi, tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra giải pháp uốn nắn, dùng lời lẽ thuyết phục, biết khen, chê đúng lúc.

Khi học sinh vi phạm, cô Nguyễn Thị Kim Chi gặp riêng, cùng trao đổi, tìm nguyên nhân, đưa ra giải pháp để uốn nắn kịp thời

"Giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu ưu, khuyết điểm của học sinh để kịp thời uốn nắn những khiếm khuyết và giúp các em phát huy thế mạnh của mình. Một giải pháp cũng rất hiệu quả là tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, tham quan, du lịch,... Qua đó, giáo viên chủ nhiệm hiểu thêm học sinh,tạo điều kiện giúp các em gắn bó với tập thể".
Cô Nguyễn Thị Kim Chi - giáo viên môn Địa lý,
Trường THCS Thạnh Phước

26 năm gắn bó với nghề giáo, có đến 24 năm, cô Nguyễn Thị Kim Chi - GV môn Địa lý, Trường THCS Thạnh Phước (huyện Thạnh Hóa), làm công tác chủ nhiệm lớp. Cô Chi cũng cho rằng: Công tác chủ nhiệm chỉ dễ thực hiện khi GV có cái tâm với nghề, gần gũi, yêu thương HS. Từ đó, HS mới mạnh dạn và tin tưởng chia sẻ khó khăn, thầy và trò cùng tìm giải pháp khắc phục. Với cô, không chỉ học trò cô làm chủ nhiệm cô mới khuyên răn, dạy bảo mà bất kỳ HS nào có biểu hiện chưa ngoan, cô đều gặp gỡ, trao đổi và uốn nắn. Đối với HS cá biệt thì “tùy cơ ứng biến”, vận dụng phương châm “mềm nắn rắn buông”.

Sâu sát từng học sinh

GVCN phải là một “nhà tâm lý” quan tâm tìm hiểu, động viên, khích lệ kịp thời đối với những tiến bộ của HS dù nhỏ nhất. GVCN còn là người bạn thân luôn bên cạnh để HS chia sẻ, tâm sự, có lời khuyên giúp các em tháo gỡ khó khăn, khúc mắc trong học tập và sinh hoạt. Do lớp thầy Danh chủ nhiệm là HS lớp cuối cấp nên trong giờ sinh hoạt, thầy còn dành thời gian tư vấn ngành nghề để các em lựa chọn cho tương lai, phù hợp năng lực, kết quả học tập, tính cách của mình. Cuối mỗi buổi sinh hoạt lớp, thầy đề nghị HS hát bài Quốc ca nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các em.

Em Huỳnh Thị Cẩm Thúy, lớp 12C1, Trường THPT Gò Đen, bày tỏ: “Khi còn là HS lớp 10, em hay quậy phá nên bạn bè xa lánh. Khi ấy, thầy Danh gặp em trò chuyện, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Biết được mẹ em mất sớm, cha lại không nhìn nhận, em sống với ông bà ngoại, từ đó, thầy luôn gần gũi khuyên, dạy em như một người cha. Nhờ thầy phân tích cái sai và định hướng nên em dần khắc phục những khuyết điểm của mình”.

Giờ sinh hoạt, thầy Trần Ngọc Danh còn dành thời gian tư vấn ngành nghề cho học sinhLứa tuổi trung học là lứa tuổi vị thành niên nhạy cảm với các thay đổi về tâm, sinh lý nên công tác chủ nhiệm đòi hỏi phải hiểu biết, nắm bắt kịp thời. Ở lứa tuổi này, các em thường bất đồng, nhuộm tóc, tóc hớt theo thần tượng, thích thể hiện mình, có em thì ham chơi, không lo học tập,... Vì vậy, theo cô Chi, GVCN cần tìm hiểu ưu, khuyết điểm của HS để kịp thời uốn nắn những khiếm khuyết và giúp các em phát huy thế mạnh của mình. Một giải pháp cũng rất hiệu quả là tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động tập thể, vui chơi, tham quan, du lịch,... Qua đó, GVCN hiểu thêm HS, tạo điều kiện giúp các em gắn bó với tập thể. Ngoài ra, cần tổ chức HS học nhóm, cho HS chọn nhóm bạn, đôi bạn “cùng tiến” và luôn tạo không khí học tập vui vẻ, thân thiện. Cô Chi chia sẻ: “Ngoài khuyên bảo các em cố gắng học, tôi luôn dạy các em cách sống tốt và ứng xử đẹp với mọi người xung quanh. Có những hôm, tôi kể cho các em nghe một câu chuyện trong sách, báo mình sưu tầm được để các em tự rút ra bài học cho mình. Khi các em tiến bộ và trưởng thành, GVCN thấy mình như nhận được món quà vô giá. Đó chính là nguồn động viên to lớn cho những thầy, cô chủ nhiệm”.

GVCN là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của người thầy. Thế nhưng, các thầy cô đều cho rằng, là GV, nếu không làm chủ nhiệm thì còn gì lý thú. Bởi, dù vất vả hơn một chút nhưng rõ ràng, niềm hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp nhiều lần./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết