Tiếng Việt | English

02/01/2016 - 20:29

Lệnh cấm vận của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức có hiệu lực

Nga sẽ không nhập một số mặt hàng rau quả từ Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 1/1/2016 thời điểm lệnh cấm vận của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ có hiệu lực.

Kể từ ngày 1/1/2016, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không xuất khẩu các loại rau quả, thịt và hoa sang thị trường Nga. Đây là lệnh cấm có hiệu lực từ ngày đầu năm mới nằm trong các biện pháp trừng phạt mà Nga áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Ankara bắn rơi máy bay quân sự của Nga trên không phận Syria.

Ảnh: RT.

Bộ Thương mại Công nghiệp Nga tuyên bố, thay thế cho hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường Nga sẽ là các sản phẩm đến từ Ai Cập và các nước khác thân thiện với Nga. Có thể, Nga sẽ nhập khẩu rau từ Iran, Morocco, Israel, Azerbaijan, Uzbekistan, các loại cam quýt từ Nam Phi, Argentina và Trung Quốc.

Ngoài ra, trong khuôn khổ lệnh cấm từ ngày 1/1/2016, Nga sẽ dừng chế độ miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quy định thị thực không áp dụng cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã có giấy phép tạm trú hoặc thẻ cư trú trên lãnh thổ Nga, cũng như các công dân Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga làm việc tại các cơ quan đại diện ngoại giao. Tạm thời, Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra các biện pháp đáp trả đối với biện pháp trừng phạt của Nga. Bộ Ngoại giao hai bên cũng chưa tiến hành bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp dụng chế độ thị thực đối với công dân Nga.

Trước đó, chính phủ Nga cũng đã phê chuẩn danh mục hoạt động cấm không cho các pháp nhân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các công ty do công dân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát, thực hiện tại Nga kể từ ngày 1/1/2016. Danh mục bao gồm xây dựng, thiết kế, kiến trúc, du lịch, khách sạn, chế biến gỗ... Các cơ quan chức năng Nga đã chỉ thị Cơ quan Quản lý du lịch nước này xóa khỏi danh sách đăng ký liên bang tất cả những công ty du lịch có liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng cộng 19 pháp nhân đã bị loại khỏi danh sách này. Theo luật pháp Nga, các công ty không có đăng ký trong danh sách liên bang không được phép hoạt động kinh doanh du lịch tại Nga. Quyết định này sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn nhân viên công ty.

Trước khi lệnh cấm vận kinh tế của Nga chính thức có hiệu lực, để cứu vớt mối quan hệ vốn đã rạn nứt nghiêm trọng với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng đề nghị Serbia làm trung gian hòa giải với Nga. Theo đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã đề nghị Tổng thống Serbiaa Nikolic giúp thực hiện mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ về bình thường hóa quan hệ với Nga.

Tuy nhiên, nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành công, do phía Nga yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ba điều kiện để khôi phục quan hệ ngoại giao.

Trước hết các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải xin lỗi cho hành động bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga, sau đó phải tìm và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về vụ việc này. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ phải bồi thường cho phía Nga chiếc máy bay bị phá hủy. Thứ 3, theo các chuyên gia, để cải thiện mối quan hệ song phương, còn phụ thuộc vào cách Thổ Nhĩ Kỳ ứng phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng mà Nga đang tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria để tiêu diệt.

Ông Leonid Reshetnikov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Nga nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ nhóm Nhà nước Hồi giáo không chỉ về mặt kinh tế, mà cũng gửi quân đến chống lại chính phủ Syria. Tôi biết rõ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tích cực vào cuộc chiến. Vì vậy, chưa thể có triển vọng cho mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước khi nhóm Nhà nước Hồi giáo bị tiêu diệt hoàn toàn”.

Theo ước tính, thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ những căng thẳng với Nga vào khoảng 9 tỷ USD mỗi năm. Dự đoán, trong trường hợp xấu nhất, thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt sẽ khiến GDP của Thổ Nhĩ Kỳ giảm khoảng 0,4%. Số lượng khách du lịch Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm đáng kể (khoảng 600.000 người).
Một số chuyên gia khác ước tính, tổn thất của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gấp đôi những con số trên. Vì thế, để cải thiện mối quan hệ đang trên bờ vực xuống dốc này, rất cần những hành động trực tiếp và thực chất từ phía Thổ Nhĩ Kỳ./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm Tin
Tổng hợp

Chia sẻ bài viết