Tiếng Việt | English

22/11/2017 - 08:52

Nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới - Giảm tải tuyến trên

Nhờ được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ (BS) nên chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện được nâng lên và ngày càng thu hút bệnh nhân (BN). Qua đó, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.


Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa hiện có 10 máy chạy thận nhân tạo phục vụ cho 50 bệnh nhân lọc máu chu kỳ

Đưa dịch vụ y tế hiện đại về cơ sở

Đề án 1816 về “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB” được ngành Y tế triển khai tại các cơ sở y tế. Theo đó, các BV tuyến huyện tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn hiện đại, cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ tư vấn KCB.

BV Đa khoa khu vực (ĐKKV) Đồng Tháp Mười, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có 4 phòng chức năng, 9 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng với 174 viên chức, lao động (trong đó có 20 BS, 14 BS chuyên khoa I, 1 BS chuyên khoa II và 1 thạc sĩ). Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, BS, BV được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại: Máy phá rung tim, monitor theo dõi bệnh nhân 5 thông số, máy đo SpO2 cầm tay, máy siêu âm màu 4D có 3 đầu dò, hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng,... nên chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên, giảm tỷ lệ BN chuyển tuyến.

Ngoài ra, BV hiện còn có ngân hàng máu, hệ thống nội soi, phẫu thuật nội soi; máy chụp CT Scanner; máy X-quang kỹ thuật số; máy siêu âm 3D - 4D; hệ thống xét nghiệm Elisa tự động, bán tự động và 5 máy chạy thận nhân tạo,... BV triển khai một số kỹ thuật chuyên môn cao: Phẫu thuật đục thủy tinh thể mắt bằng phương pháp Phaco; các phẫu thuật cấp cứu: Thủng dạ dày, ruột thừa, thai ngoài tử cung bị vỡ, u nang buồng trứng, sỏi túi mật; phẫu thuật bắt con, thoát vị bẹn bằng phương pháp đặt lưới. Ngoài ra, còn có các phẫu thuật chỉnh hình: Nội soi ổ khớp (được BV Chợ Rẫy chuyển giao); nối thần kinh ngoại biên; tạo hình vạt da, ghép da,... nhờ vậy, BN được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.


Chụp CT Scanner tại cơ sở y tế tuyến huyện giúp đánh giá đúng tình trạng bệnh và điều trị kịp thời

Bà Nguyễn Thị Tiếu, ngụ khu phố 3, phường 1, thị xã Kiến Tường, chia sẻ: “Trình độ chuyên môn của y, BS lẫn máy móc tại BV không thua BV tuyến trên nên gia đình tôi yên tâm điều trị tại đây. Con gái tôi từng phẫu thuật sỏi túi mật và con rể phẫu thuật ruột thừa tại BV ĐKKV Đồng Tháp Mười...”.

Giám đốc BV ĐKKV Đồng Tháp Mười - BS Lê Văn Thắm cho biết: “Nhờ có sự chuyển giao các kỹ thuật mới của BV Chợ Rẫy và BV Trưng Vương, trình độ và năng lực chuyên môn của y, BS được nâng lên. Qua đó, cải thiện khả năng cấp cứu và điều trị, thu hút ngày càng nhiều BN đến khám và điều trị. Bình quân mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 160-170 BN nội trú, 600-700 BN ngoại trú, không chỉ người dân trong và ngoài thị xã mà còn có người dân Campuchia khu vực giáp ranh biên giới. Đặc biệt, có 16 BN chạy thận xuyên suốt tại BV”.


Ngân hàng máu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười được dự trữ ổn định, thường xuyên, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân khi cần cấp cứu và điều trị

Góp phần giảm tải tuyến trên

Quá tải tại BV là tình trạng phổ biến tại các BV tuyến cuối. Để giải quyết tình trạng này, Sở Y tế Long An tham mưu UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, chuyển giao kỹ thuật chuyên môn và trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế tuyến huyện nhằm giúp người dân khám và điều trị tại địa phương.

BN Trần Văn Tài, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, chạy thận nhân tạo tại BV ĐKKV Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa 2 năm nay. “Trước đây, tôi phải đến BV Chợ Rẫy hoặc BV Củ Chi để chạy thận 3 lần/tuần. Giờ, tôi có thể lọc máu ngay tại BV. Từ nhà tôi đến đây rất gần nên vừa đỡ mệt mỏi lại tiết kiệm được thời gian, chi phí. Tôi rất yên tâm khi chạy thận tại đây!” - BN Trần Văn Tài bày tỏ. Tâm sự của BN Trần Văn Tài cũng là niềm vui chung của 50 BN đang lọc máu chu kỳ tại đây.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc BV ĐKKV Hậu Nghĩa - BS CKII Huỳnh Thị Tiền, sau chuyển giao kỹ thuật, cán bộ y tế BV được đào tạo bài bản, đúng quy trình kỹ thuật; cập nhật những kiến thức, phương pháp điều trị, phẫu thuật mới. Nhiều kỹ thuật trước đây chưa thể triển khai, nay thực hiện thành thạo và thường quy: Chạy thận nhân tạo; phẫu thuật nội soi (cắt túi mật, viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung, cắt u nang buồng trứng,...); CT Scanner; chụp X-quang kỹ thuật số; phẫu thuật kết hợp xương; các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (sử dụng máy thở, máy sốc điện);...

Năm 2017, BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nối thông động tĩnh mạch cho 4 BN. Hiện, BV chờ BV Đa khoa Long An chuyển giao phẫu thuật nội soi chỉnh hình lệch vách ngăn ở mũi. BV Trưng Vương tiếp tục chuyển giao phẫu thuật thay bán phần khớp háng và phẫu thuật nội soi cắt túi mật. BV đang đề nghị BV Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật chấn thương sọ não. Nhờ chuyển giao kỹ thuật chuyên môn cao nên BV ĐKKV Hậu Nghĩa thu hút BN đến khám và điều trị bệnh ngày càng đông. Công suất sử dụng giường bệnh năm 2017 đạt 110,5% kế hoạch.

Tiếp tục nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần giảm quá tải BV tuyến trên, BV ĐKKV Hậu Nghĩa đầu tư máy đo chức năng hô hấp, quản lý chương trình hen, bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính. Đồng thời, đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ BS liên thông (mới ra trường), đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ BS BV và tuyển thêm điều dưỡng. Hướng tới tự chủ hoàn toàn, BV quan tâm thực hiện tốt quy tắc ứng xử, xem BN là khách hàng thân thiết của mình.

Tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp, dân nhập cư đông như Bến Lức thì việc triển khai KCB, đặc biệt là KCB bảo hiểm y tế ngoại viện được quan tâm thực hiện. Bình quân mỗi ngày, BV có 850-900 lượt BN KCB ngoại trú và 120-130 lượt BN điều trị nội trú. Qua đó, góp phần giảm quá tải, phát huy giá trị bảo hiểm y tế cho người dân, đặc biệt là công nhân,...

Chị Đặng Thị Tuyết Mai - công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Phúc Long, cho biết: “Tôi thường KCB tại Trung tâm Y tế huyện, các y, BS ở đây vui vẻ, tận tình. BV khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, trang thiết bị y tế hiện đại nên tôi yên tâm điều trị mà không phải lên BV tuyến trên”.

Để tuyến y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin và hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành Y tế cần có giải pháp cải tiến, nâng chất lượng KCB. Bởi đây là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu gần dân nhất. Trong đó, việc đưa các dịch vụ y tế hiện đại về BV tuyến dưới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Nếu BV tuyến dưới được đầu tư tốt thì BV tuyến trên giảm tình trạng quá tải, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu “tại chỗ” mà không phải mất nhiều thời gian cũng như chi phí điều trị.

"Thời gian qua, UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây mới nhiều BV. Đặc biệt, sở ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng BV (mỗi năm có bổ sung, thay đổi theo hướng nâng cao chất lượng). Hiện tại, có Trung tâm Y tế huyện Bến Lức; BV ĐKKV: Cần Giuộc, Hậu Nghĩa, Đồng Tháp Mười triển khai chạy thận nhân tạo. Năm 2017, Sở Y tế đầu tư trang bị máy X-quang kỹ thuật số cho 11 đơn vị từ phòng khám đa khoa khu vực đến các trung tâm y tế và BV.

Thời gian tới, Sở Y tế thực hiện Thông tư 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị y tế tuyến huyện giai đoạn 2017-2018 từ nguồn vốn của Trung ương."

Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - BS Huỳnh Minh Phúc

An Hòa-Thùy Minh

Chia sẻ bài viết