Tiếng Việt | English

31/05/2020 - 20:30

EU chia rẽ về vấn đề mở cửa lại biên giới nội khối từ ngày 15/6

Vấn đề mở cửa lại biên giới nội khối từ ngày 15/6 đang trở thành tâm điểm tranh cãi hiện nay tại EU với những luồng ý kiến đối lập.

Thủ tướng Pháp Édouard Philippe mới đây kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng nhau mở cửa lại biên giới nội khối sau một thời gian dài đóng cửa do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề này lại đang là tâm điểm những cuộc tranh cãi hiện nay tại Liên minh châu Âu, giữa một bên là những nước không muốn bỏ lỡ mùa du lịch năm nay với một bên là những nước còn dè dặt lo ngại nguy cơ một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2.


Ảnh minh họa: Reuters

Theo Thủ tướng Édouard Philippe, Pháp ủng hộ việc mở cửa trở lại các biên giới nội khối từ ngày 15/6 tới, mà không có bất kỳ sự cách ly nào đối với khách du lịch. Ông đồng thời nhấn mạnh, bước  đi này cần phải được tiến hành đồng thời và đồng bộ giữa tất cả các nước thành viên, chứ không phải theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

“Dịch đang chậm lại - đó là những gì đang diễn ra không chỉ ở Pháp, mà khắp mọi nơi ở châu Âu. Đó là lý do tại sao Pháp sẽ ủng hộ cho việc mở lại biên giới nội địa của châu Âu từ ngày 15/6, mà không cần giai đoạn cách ly 14 ngày và tất nhiên là với điều kiện tình hình y tế cho phép”.

Trong khi những nước như Hy Lạp, Đức và Áo ngay lập tức ủng hộ đề xuất, thì một số nước lại tỏ ra thận trọng. Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19, chính phủ Tây Ban Nha tuyên bố sẽ chỉ tiếp đón khách du lịch châu Âu từ ngày 1/7. Một số khác thì vẫn quyết tâm duy trì những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với khách du lịch nước ngoài. Đó là trường hợp của Anh khi nước này cho biết sẽ cách ly 14 ngày đối với khách du lịch nước ngoài từ ngày 8/6 tới và sẽ đánh giá lại tình hình cứ 3 tuần một lần.

Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patelcho biết: “Khách du lịch nước ngoài sẽ bị cách ly 14 ngày. Đây là thời gian ủ bệnh của virus. Vì vậy, nếu mọi người bị nhiễm bệnh ở nước ngoài, chúng tôi sẽ có thể hạn chế được sự lây lan của virus ở trong nước”.

Dù không còn là thành viên của Liên minh châu Âu nữa, song quyết định của Anh đã phần nào gây tác động tới những nước thành viên của khối. Đáng chú ý, Cộng hòa Ireland cũng vừa thông báo bước đi tương tự, áp dụng biện pháp kiểm dịch cách ly 14 ngày với khách du lịch nước ngoài trước khi cấp phép đi lại tự do.

Các nước khác như Cộng hòa Séc thì lại áp dụng biện pháp đối với từng trường hợp cụ thể. Theo đó, nước này sẽ tiếp tục từ chối nhập cảnh đối với công dân những nước có tỷ lệ lây nhiễm vẫn còn quá cao.

Italy thì ngược lại khi muốn sớm có một sự khởi đầu mới, trong bối cảnh ngành du lịch chiếm tới 15% GDP quốc gia. Là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, Italy cũng là quốc gia thành viên đầu tiên thông báo mở cửa lại biên giới và các sân bay từ ngày 3/6.

Tuy nhiên, Thụy Sĩ, quốc gia láng giềng, song không phải là thành viên EU lại không đồng tình. Thụy Sĩ dự định sẽ mở lại biên giới với các nước Pháp, Đức và Áo từ ngày 15/06 và đang cân nhắc vấn đề liên quan tới Italy. Theo chính phủ Thụy Sĩ, nước này tôn trọng quyết định chủ quyền của Italy, song mong muốn một bước đi mang tính phối hợp và đồng bộ ở cấp độ châu Âu.

Đối với biên giới ngoại khối, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner từng đề cập khả năng sẽ mở cửa trở lại muộn hơn một chút từ ngày 1/7, kèm theo một danh sách các nước cần phải chú ý đặc biệt tại biên giới./.

Theo VOV.VN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết