Lao động giỏi, lao động sáng tạo
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng GCCN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đại bộ phận CN có ý thức giác ngộ chính trị, giữ vững và phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp của GCCN Việt Nam.
Hiện nay, giai cấp công nhân tiếp tục giữ vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước Ảnh: An Kỳ
Trải qua các thời kỳ, GCCN phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp mặt trong tất cả ngành, nghề, thành phần kinh tế. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 216.000 CN, lao động (gọi chung là CN). Trình độ học vấn, chuyên môn, tác phong công tác không ngừng nâng lên, từng bước đảm đương và làm chủ những công việc đòi hỏi phải có trình độ khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao. Phát huy vai trò tiên phong, đội ngũ CNLĐ trong tỉnh còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn (CĐ) các cấp phát động. Qua đó, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ CN, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Giai đoạn 2013-2017, trên địa bàn tỉnh có 5.500 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả cao ở nhiều lĩnh vực, với giá trị làm lợi trên 631 tỉ đồng. Trong đó, có 493 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi trên 246 tỉ đồng; 1 công trình nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; 39 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và 1.200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được tặng bằng khen về lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Những cá nhân điển hình tiên tiến
Chị Dương Hồng Loan (SN 1974) - nhân viên kỹ thuật Phân xưởng 3, Công ty Cổ phần May xuất khẩu Long An (đóng tại phường 4, TP.Tân An), là một trong số những điển hình trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. 5 năm qua, chị Loan có 5 sáng kiến cải tiến kỹ thuật: Cải tiến khuôn tạo hình, cải tiến gắn dây gia cố, cải tiến về phương pháp gấp dây của các mã hàng, tạo khuôn dập định hình mã hàng L191161 và tạo khuôn dập định vị. Nhờ những cải tiến đó, sản phẩm làm ra có độ chính xác 100%, năng suất tăng lên gấp đôi, gấp ba lần và tiết kiệm rất nhiều thời gian cũng như chi phí sản xuất, giúp làm lợi cho công ty trên 14 tỉ đồng.
Giai cấp công nhân hiện nay phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp mặt trong tất cả ngành, nghề, thành phần kinh tế
Với tinh thần không ngừng học hỏi, tận tụy, sáng tạo trong công việc, chị được lãnh đạo công ty tin tưởng đề bạt từ công nhân may lên tổ trưởng sản xuất và hiện nay là kỹ thuật phân xưởng, chịu trách nhiệm làm khuôn, rập cho các sản phẩm của công ty. Không chỉ giỏi về chuyên môn, chị Loan còn là đảng viên gương mẫu, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tư tưởng vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Chị Loan chia sẻ: “Làm lợi cho công ty cũng là làm lợi cho chính mình. Vì công ty làm ăn hiệu quả thì đời sống của người lao động cũng tốt hơn”.
Cùng suy nghĩ với chị Loan, anh Nguyễn Thành Lộc (SN 1991) - Tổ phó Tổ Hàn Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bảo Bảo (đóng tại xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức), cũng không ngừng mày mò, sáng tạo, cải tiến về kỹ thuật, giúp giảm nhân công và tăng sản lượng cho công ty. Tốt nghiệp lớp cơ khí của Đại học Cần Thơ, anh Lộc làm việc tại Công ty Bảo Bảo (chuyên sản xuất phụ kiện phụ trợ ngành gỗ) hơn 4 năm nay. Trong thời gian ngắn, anh được đề bạt từ nhân viên kỹ thuật lên làm quản lý kỹ thuật, rồi Tổ phó Tổ Hàn, quản lý công nhân làm khuôn.
Năm 2017, anh Lộc có hơn 10 sáng kiến được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất như thay đổi quy trình hàn ghế, đồ gá hàn mặt bàn trái tim nhỏ, thay đổi vị trí đục lỗ hàn tán sò để giảm công đoạn mài xử lý, bộ gá hàn 2 mặt sản phẩm verona nhỏ, khuôn bàn trái tim nhỏ hàn robot,... Anh Lộc bộc bạch: “Ban Giám đốc công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trình bày và thực hiện các ý tưởng, sáng kiến của mình. Mặt khác, vì yêu thích công việc này, tôi học hỏi thêm qua tài liệu và những đồng nghiệp, từ đó, vừa có thể thỏa mãn đam mê, vừa mang lại lợi nhuận cho công ty”.
Khẳng định vai trò tiên phong
Ở Long An, vượt qua khó khăn của những năm đầu sau giải phóng, từ năm 1996, tỉnh bắt đầu đẩy mạnh quy hoạch phân vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút nguồn vốn đầu tư, kể cả của nước ngoài, đồng thời khởi công xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Thời điểm đó, Long An chỉ có 14 dự án đầu tư với số vốn 125 triệu USD. Qua gần 5 năm thực hiện, đến năm 2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 13,45%.
Giai cấp công nhân tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Từ tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm luôn đạt từ 9% trở lên. Hiện, toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp, 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 78%; 9.510 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 224.742 tỉ đồng; 874 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 5.500 triệu USD, trong đó có 537 dự án đi vào hoạt động.
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,53%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá cao 15,83%. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành cả nước, thuộc nhóm Tốt; chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng vị trí 11, thuộc nhóm thứ nhất. Thành quả quan trọng đó đánh dấu những cố gắng, nỗ lực to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ CN.
Để nâng cao trình độ cho đội ngũ CN, mỗi năm, các cấp CĐ chủ động phối hợp các ngành chuyên môn tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt CNLĐ được học tập, đào tạo và đào tạo lại. Bên cạnh đó, đội ngũ CN thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ nhằm trau dồi, nâng cao về chuyên môn. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh cũng được quan tâm thực hiện tốt. Toàn tỉnh hiện có 2.035 CĐ cơ sở với 216.681 CĐ viên. 5 năm qua, có 9.733 CĐ viên ưu tú được giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, có 3.236 CĐ viên được kết nạp Đảng, trong đó nhiều đảng viên xuất thân từ CN.
Ngày nay, tiếp nối truyền thống vẻ vang, GCCN tỉnh Long An nói riêng và cả nước nói chung đang nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
An Kỳ