Tiếng Việt | English

08/02/2021 - 16:05

Khai thác các tiềm năng, lợi thế, tạo bước phát triển mới

Nằm ở phía Nam của tỉnh, Cần Đước, tỉnh Long An được xác định là huyện trọng điểm kinh tế bởi có nhiều tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở định hướng phát triển, huyện tập trung phát triển toàn diện cả 3 khu vực kinh tế nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế 

Cần Đước là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, một trong những “cái nôi” của đờn ca tài tử, có nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, là huyện điểm điển hình về văn hóa của tỉnh. Đây cũng là vùng đất giàu tiềm năng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp lẫn du lịch.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh đến thăm, làm việc với lãnh đạo huyện Cần Đước. Ảnh: Kim Khánh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh đến thăm, làm việc với lãnh đạo huyện Cần Đước. Ảnh: Kim Khánh 

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát cho rằng, bên cạnh nền tảng về truyền thống văn hóa, Cần Đước có lợi thế cạnh tranh cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư bởi có vị trí đắc địa, tài nguyên đất đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào đáp ứng hiệu quả nhu cầu của nhà đầu tư. 

Huyện có những tuyến giao thông thủy, bộ quan trọng gắn kết với TP.HCM, nối liền giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, các xã vùng hạ của huyện là nơi gặp nhau giữa sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát trước khi đổ ra biển Đông. Đây là một lợi thế rất lớn trong việc vận chuyển hàng hóa, phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp gắn với nghề biển như sửa chữa, đóng tàu,... Ngoài ra, huyện có tuyến Quốc lộ 50 qua địa bàn; đồng thời, tuyến Quốc lộ 1 được nối liền với huyện thông qua các Đường tỉnh: 826, 835, 830, 826B được mở rộng, nâng cấp, có thể kết nối thuận lợi đến các bến cảng lớn, các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) trong tỉnh,... Vì vậy, sức hút đầu tư của huyện khá tốt, nhất là các K,CCN, bảo đảm cho quá trình phát triển KT-XH của địa phương. Nhiều nhà đầu tư nhận xét, đất đai của Cần Đước thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại hình kinh tế bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. 

Hiện nay, Cần Đước có 4 KCN được quy hoạch diện tích trên 700ha, trong đó có 2 KCN hoạt động (Cầu Tràm và Thuận Đạo - Bến Lức mở rộng), lấp đầy khoảng 94%; 1 KCN đủ điều kiện thu hút đầu tư (Cầu cảng Phước Đông); 1 KCN (Phúc Long mở rộng tại xã Long Định - Phước Vân) đang thực hiện các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, Cần Đước cũng được quy hoạch 17 CCN với diện tích 957,1ha, trong đó, 7 CCN đang tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động; 2 CCN đã có chủ trương chuyển mục đích đất trồng lúa của Thủ tướng Chính phủ, đang thực hiện giải phóng mặt bằng; 8 CCN có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, đang thực hiện các thủ tục pháp lý khác để thực hiện. Bên cạnh phát triển công nghiệp, huyện cũng chú trọng, phát huy các giá trị từ ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp có từ lâu đời như dệt chiếu, đóng ghe tàu, chạm khắc gỗ, trang sức mỹ nghệ,... nhằm giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. 

Đánh giá về tiềm năng phát triển kinh tế công nghiệp của huyện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần IMG Phước Đông - Trần Tấn Sỹ cho rằng, Cần Đước có nhiều tuyến giao thông quan trọng như Đường tỉnh 830, nhiều tuyến đường giao thông chính liên kết vùng với TP.HCM, Tiền Giang và cả đường thủy. Trong tương lai, Cần Đước sẽ thu hút khá nhiều nhà đầu tư, nhất là sau làn sóng ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Để đón lấy cơ hội này, đến nay, KCN Cầu cảng IMG Phước Đông hoàn thành gần 100% hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Không chỉ có KCN Cầu Cảng IMG Phước Đông, các K,CCN khác tại Cần Đước cũng được đánh giá sẽ là “thỏi nam châm” hút nhà đầu tư thứ cấp trong tương lai rất gần. 

Công trình thủy lợi cống Cầu Chùa, thị trấn Cần Đước góp phần phát triển kinh tế địa phương

Năm qua, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện về Phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững. Ngoài diện tích gieo sạ lúa hàng năm, huyện còn phát triển vùng rau, đặc biệt là rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp và nuôi gà đẻ cũng là một lợi thế kinh tế nổi bật của huyện nhà. 

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, thổ nhưỡng, Cần Đước còn sở hữu nhiều di tích có giá trị lịch sử như Đồn Rạch Cát, Nhà Trăm cột. Thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình đã tổ chức khảo sát Đồn Rạch Cát và giới thiệu đến nhà đầu tư về tiềm năng du lịch của địa điểm này. Với giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc đồn lũy cổ của châu Âu cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn, đây là nơi giàu tiềm năng để khai thác ngành “công nghiệp không khói”, hứa hẹn sẽ là điểm đến thú vị đối với du khách cho các chuyến đi nghỉ dưỡng sinh thái với không gian sông nước.

Tập trung nhiều giải pháp để phát triển bền vững

Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát cho biết, với những thuận lợi vốn có cùng truyền thống đoàn kết, sự đồng thuận cao của nhân dân và phát huy những kinh nghiệm, thành tựu của nhiệm kỳ trước, kinh tế trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng khá, diện mạo đô thị, nông thôn có sự chuyển biến rõ nét. Tốc độ giá trị sản xuất các ngành hàng chủ yếu bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt  11,6%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,2 lần (từ 39,4 triệu đồng năm 2015, đến năm 2020 là 87,63 triệu đồng). Thu ngân sách hàng năm đều vượt cao so kế hoạch và tăng bình quân 23,8%/năm. 

Doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Cần Đước ngày càng nhiều (Trong ảnh: Công nhân làm việc ở nhà máy dệt trong Khu công nghiệp Thuận Đạo - Bến Lức mở rộng)

Để tập trung thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết năm 2021, Huyện ủy xác định chú trọng phát triển toàn diện cả 3 khu vực kinh tế. Hiện nay, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp, xúc tiến đầu tư, đưa các CCN sớm đi vào hoạt động, lấp đầy. Huyện tiếp tục rà soát điều chỉnh, xây dựng quy hoạch trên địa bàn bảo đảm đồng bộ, tương xứng là huyện thành viên trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Song song đó, huyện nhanh chóng cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện trên lĩnh vực kinh tế bằng các đề án, kế hoạch cụ thể, đặc biệt là triển khai, thực hiện 2 chương trình đột phá: Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn; Tập trung giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư để phát triển KT-XH. 2 chương trình này đều được Huyện ủy tập trung lãnh đạo, thực hiện bằng nhiều nhiệm vụ đặt ra ngay từ đầu năm 2021 nhằm bảo đảm hoàn thành các công việc, hạng mục theo lộ trình, phân kỳ đầu tư. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cũng được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cần Đước cũng thực hiện nhiều giải pháp khác, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng lộ trình Nghị quyết Đại hội. Trong đó, chú trọng các công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, thủy lợi, nước hợp vệ sinh, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa. Các công trình này đều hướng đến phục vụ nhân dân, làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, tạo bước phát triển mới, sớm đưa Cần Đước thành huyện nông thôn mới, giàu mạnh, văn minh./.

Hương Thu

Chia sẻ bài viết