Tiếng Việt | English

10/09/2019 - 15:12

Khi “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”

Đến thời điểm hiện tại, 12/12 xã của huyện Châu Thành, tỉnh Long An được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và huyện Châu Thành cũng chính thức hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM. Thành công đó ngoài sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, còn có sự đóng góp rất lớn từ các tầng lớp nhân dân.Khi “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thì việc xây dựng NTM (XDNTM) sẽ thành công.

Hòa Phú - Điển hình xây dựng nông thôn mới

Mặc dù không phải là một trong số các xã điểm đầu tiên của tỉnh XDNTM nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, cuối năm 2013, Hòa Phú trở thành 1 trong 8 xã đầu tiên của Long An hoàn thành xây dựng xã NTM. Và đến nay, Hòa Phú lại tiếp tục chặng đường mới, chặng đường trở thành xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn, XDNTM đã khó nhưng giữ vững và phấn đấu nâng chất để đạt xã NTM nâng cao lại càng khó hơn. Do đó, ngay sau khi được công nhận xã NTM vào năm 2014, Đảng ủy, UBND xã bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch để nâng chất các tiêu chí. Đặc biệt, đối với các tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn vốn lớn, khi triển khai thực hiện, địa phương đều lấy ý kiến người dân, tập trung tuyên truyền để người dân hiểu XDNTM là trách nhiệm, quyền lợi của chính mình. “Trong thực hiện, mọi vấn đề liên quan đến XDNTM đều công khai, minh bạch, dân chủ, lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong đó, cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu thực hiện và vận động gia đình, người thân cùng thực hiện, lấy đó làm gương cho nhân dân. Khi người dân hiểu, tin tưởng thì việc huy động sức dân XDNTM sẽ thành công” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Bùi Văn Hòn cho biết. 

Những tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Châu Thành khang trang, sạch đẹp hơn từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Những tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện Châu Thành khang trang, sạch đẹp hơn từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo đánh giá mới nhất của huyện Châu Thành, Hòa Phú cũng là xã duy nhất của huyện không có hộ nghèo đa chiều và cũng là một trong số những xã của địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất. Những kết quả XDNTM ở Hòa Phú cũng là điển hình của huyện Châu Thành trong XDNTM.Đến thời điểm hiện tại, 12/12 xã của huyện đều hoàn thành chương trình XDNTM và Châu Thành cũng hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM.

Điểm chung trong XDNTM ở tất cả địa phương của Châu Thành là muốn XDNTM thành công thì phải nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của tất cả các tầng lớp nhân dân. Khi “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thì việc XDNTM sẽ thành công.

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”

Đến nay, huyện đạt 9/9 tiêu chí xây dựng huyện NTM và đang chờ Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Ít ai có thể ngờ được chỉ trong vòng 8 năm, toàn bộ các xã của huyện đều được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đây là tiền đề quan trọng để hoàn thành xây dựng huyện NTM. Thành công đó đến từ sự quan tâm kịp thời, sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, công tác tuyên truyền.Đặc biệt là việc phát huy dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Châu Thành đạt 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành - Võ Văn Vấn, XDNTM là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi toàn thể cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân phải có sự nhận thức cao và tích cực hưởng ứng tham gia. Thực tế chỉ ra rằng, nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức, đoàn thể quan tâm, tập trung chỉ đạo, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu và nhân dân nhiệt tình tham gia ủng hộ thì ở nơi đó XDNTM đạt kết quả rất cao. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Vấn, ngoài sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thì điều quan trọng nhất để xây dựng thành công NTM chính là phải làm thế nào để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình. Do đó, trước khi bắt tay vào XDNTM, các địa phương trong huyện đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân để mỗi người đều hiểu được ý nghĩa, trách nhiệm cũng như tự nguyện đóng góp nguồn lực để XDNTM.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, các tổ chức, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân đều được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án XDNTM ở địa phương. Đặc biệt, các công trình xây dựng cơ bản, công trình phúc lợi xã hội được đầu tư ở các địa phương khi triển khai đều có sự giám sát của ban giám sát cộng đồng, của chính người dân nhằm bảo đảm chất lượng công trình, phát huy vốn đầu tư và cũng là cách để nhân dân tin tưởng, đóng góp tích cực hơn trong quá trình XDNTM. Theo UBND huyện Châu Thành, trong giai đoạn 2011-2018, toàn huyện huy động hơn 1.846 tỉ đồng để XDNTM. Trong đó, nguồn vốn do nhân dân đóng góp lên đến hơn 550 tỉ đồng (đạt gần 30%), riêng đóng góp bằng tiền mặt lên đến 182,6 tỉ đồng. Ngoài ra, nhân dân trong huyện còn đóng góp 228 tỉ đồng để đầu tư lắp đặt mới 2.400 trạm biến áp điện, góp phần hoàn thành tiêu chí số 4 về điện nông thôn trên địa bàn 12/12 xã.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, đến nay, 12/12 xã của huyện đều đạt chuẩn NTM và huyện cũng đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân trong huyện.XDNTM giúp diện mạo nông thôn của địa phương có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết