Tiếng Việt | English

22/04/2024 - 10:35

Không ngừng học tập để nâng cao tay nghề

Hưởng ứng phong trào thi đua Lao động (LĐ) giỏi, LĐ sáng tạo, người LĐ trên địa bàn tỉnh không ngừng học tập, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, đạt nhiều thành tích trong sản xuất,... Trong đó, anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1986, ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) là tấm gương về tinh thần tự học, sáng tạo, làm lợi cho doanh nghiệp.

Anh Nguyễn Thanh Bình (công nhân Công ty TNHH Texray) kiểm tra sự cố, bảo trì máy may

Sau khi học ngành Sửa chữa thiết bị máy may công nghiệp tại một trường nghề ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), anh Bình trở lại quê hương để làm việc. Năm 2016, anh được tuyển vào Công ty (Cty) TNHH Texray chuyên sản xuất sản phẩm dệt may tại Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn (TP.Tân An).

Sau vài tháng làm quen với công việc, anh được giao làm Tổ trưởng Tổ Bảo trì. Công việc của anh là lắp đặt, sửa chữa thiết bị máy may; theo dõi, kiểm tra hoạt động của máy móc, kịp thời báo cáo các sự cố cho cấp trên; đề xuất ý kiến cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của máy móc, thiết bị.

Tại Cty, những chiếc máy may đời mới, các thiết bị hiện đại hơn so với học ở trường khiến anh mất nhiều tháng vừa xoay xở làm quen với công nghệ, vừa bổ sung kiến thức.

Anh Bình chia sẻ: “Để đáp ứng yêu cầu công việc, tôi thường xuyên bổ sung kiến thức về máy móc, chuyên ngành. Mỗi ngày, tôi học từng chút một. Hiện tại, tôi vẫn kiên trì học hỏi thêm để nâng cao trình độ, tay nghề của mình”.

Anh chỉ dám nhận thuần thục công việc sau hơn 3 năm gắn bó với Cty. Tuy nhiên, anh nhắc nhở bản thân phải nỗ lực để không bị thụt lùi, lạc hậu so với các máy móc, thiết bị hiện tại. Mỗi khi Cty nhập về những thiết bị mới, anh đều tham gia các lớp học với chuyên gia để nắm biết cách sử dụng. Nếu có những lớp tập huấn hay hội thảo về thiết bị máy may, anh đều chủ động đăng ký với Cty để tham gia.

Làm trong Cty chuyên về dệt may, anh hiểu những khó khăn của công nhân để cho ra đời một thành phẩm quần, áo. Nhận thấy khâu may lưng quần gặp khó khăn, tốn nhiều thời gian luồn thun, anh suy nghĩ, nghiên cứu để sáng tạo công tắc xy-lanh trợ lực. Sau đó, sáng kiến này được áp dụng vào nhiều khâu khác trong Cty, giúp cải tiến kỹ thuật trong quy trình may chuyền treo, giảm được thời gian thao tác máy may. Công tắc xy-lanh trợ lực này giúp Cty giảm chi phí thuê LĐ hơn 80 triệu đồng/tháng (950 triệu đồng/năm).

Bình thường, công việc này cần 2 nhân công nhưng hiện nay chỉ cần 1 người vận hành máy là có thể hoàn thành. Với sáng kiến này, anh được Liên đoàn LĐ TP.Tân An trao tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến - nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Ngoài tiếp thu kiến thức từ trường lớp, các chuyên gia, anh cũng không ngại học hỏi từ đồng nghiệp, cấp trên. Là tổ trưởng, anh Bình đặt sự gắn kết giữa đồng nghiệp với nhau lên hàng đầu.

Anh Bình nói: “Tổ Bảo trì hiện có 9 người. Chúng tôi cố gắng giữ bầu không khí làm việc vui vẻ, thoải mái. Tôi không muốn tạo áp lực cho anh em vì làm như thế mọi người sẽ khó làm việc được tốt. Tôi cũng thường xuyên theo dõi các nhân viên trong tổ để kịp thời giúp đỡ nếu có khó khăn”. Ngoài ra, anh còn gần gũi, nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân để chia sẻ, hỗ trợ.

Với những nỗ lực không ngừng, năm 2023, UBND tỉnh tặng anh Nguyễn Thanh Bình bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua Công nhân LĐ, sản xuất giỏi năm 2022. Anh còn được nhận bằng LĐ sáng tạo do Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam trao tặng.

Ngoài ra, anh còn đạt danh hiệu Công đoàn viên tiêu biểu TP.Tân An năm 2023 do Liên đoàn LĐ tỉnh khen thưởng./.

Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết