Tiếng Việt | English

16/03/2017 - 10:18

Lựa chọn thực phẩm bảo đảm an toàn

Theo nhận định từ các cơ quan chức năng, người tiêu dùng hiện nay đôi khi còn dễ dãi trong khâu chọn lựa thực phẩm. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng thường xuyên khuyến cáo, lập lại trật tự trong mua bán nhưng với quy luật “có cầu tức có cung”, việc thu giữ sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng vẫn thực hiện, nhưng việc mua bán vẫn diễn ra ngay sau đó.


Sản xuất rau, quả an toàn thử nghiệm tại Trung tâm khuyến nông tỉnh

Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Long An, năm 2016, các cơ quan chuyên môn thuộc sở thu gần 2.000 mẫu nông, lâm, thủy sản để kiểm tra, giám sát chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kết quả có trên 2% mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Những mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm gồm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn mức cho phép, có hàn the trong thịt chế biến, thực phẩm nhiễm vi sinh,...

Đối với các sản phẩm không đạt chất lượng, Sở NN&PTNT kịp thời thành lập đoàn kiểm tra xác minh, xử lý, điều tra nguyên nhân, truy xuất và đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý đối với các sản phẩm không an toàn.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các cơ quan chức năng, các điểm bán thực phẩm trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn ra tràn lan, khó kiểm soát và người bán thường không cố định.

Chính vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa như mong muốn. Các mẫu thực phẩm được thu về và kết quả kiểm tra chưa phản ánh đúng thực chất về thực trạng sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Từ thực trạng này, Sở NN&PTNT hiện khảo sát, thí điểm xây dựng chuỗi liên kết thực phẩm an toàn trên các sản phẩm rau, thịt gà, gạo nhằm cung cấp thông tin, địa chỉ cho người tiêu dùng về những sản phẩm an toàn được xác nhận.

Theo đó, sở lựa chọn 3 mô hình rau của Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), Tân Hiệp (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa); 1 mô hình sản xuất gạo của Công ty Cổ phần Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm Ita Rice; 1 mô hình thịt gà của Công ty TNHH Ba Huân.

Các cơ sở này được tiến hành đánh giá điều kiện về an toàn, hỗ trợ công tác tập huấn về kiến thức quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi, kết hợp thu mẫu sản phẩm giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể nhận diện sản phẩm theo chuỗi qua logo “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”.

Trồng dưa leo an toàn tại Trung tâm khuyến nông tỉnh

Hiện tại, trên địa bàn TP.Tân An, Sở NN&PTNT triển khai 3 điểm bán thực phẩm an toàn có kiểm soát chất cấm với 2 sạp thịt heo và 1 điểm bán rau an toàn tại chợ phường 1 và phường 2.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh: “Việc xây dựng các điểm bán thực phẩm an toàn tại các chợ là tín hiệu khá tích cực, cơ quan quản lý lẫn người tiêu dùng cảm thấy hài lòng".

"Tuy nhiên, hiện nay, ý thức của người tiêu dùng vẫn là vấn đề then chốt trong việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn. Theo quy luật còn người mua là còn người bán và ngược lại. Vì vậy, người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức, thực hành an toàn thực phẩm trong chọn lựa và chế biến thực phẩm trong gia đình, nên từ chối chọn lựa thực phẩm không rõ nguồn gốc. Nếu người tiêu dùng quyết định chọn thực phẩm an toàn, các ngành chức năng quyết tâm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn sẽ không tồn tại”, bà Khanh cho biết thêm./.

Gia Hân 

Chia sẻ bài viết