Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều phát biểu tại Phiên họp giải trình lần thứ 5 về Nâng cao hiệu quả công tác xét xử và thi hành các vụ án hành chính
Chủ động phối hợp ban hành nghị quyết tạo cơ chế đột phá
Ngay đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết (NQ) về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, làm cơ sở để triển khai đổi mới toàn diện, thực chất các hoạt động.
Trong đó, HĐND tỉnh đổi mới công tác tổ chức kỳ họp, ban hành NQ theo hướng chủ động chuẩn bị “từ sớm, từ xa”; chú trọng hoạt động hội thảo, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu sự tác động; tổ chức họp cụm tổ đại biểu thảo luận trước kỳ họp để có nhiều ý kiến đóng góp từ địa phương cơ sở; nghiên cứu ý kiến phản biện của MTTQ; tổ chức hoạt động thẩm tra bài bản, chặt chẽ; tổ chức ngay kỳ họp chuyên đề khi đủ điều kiện để quyết định những vấn đề cấp bách quan trọng mà không phải chờ đến kỳ họp thường lệ.
Từ cách làm hiệu quả đó, qua 13 kỳ họp, HĐND tỉnh đã ban hành 353 NQ bảo đảm đúng quy định pháp luật, phù hợp thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà.
Đặc biệt, với sự lãnh đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng danh mục để chủ động phối hợp UBND tỉnh báo cáo, xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành một số NQ về cơ chế, chính sách mới, đặc thù của địa phương như NQ về tạo cơ chế, giao quyền cho UBND tỉnh chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; về thí điểm cơ chế tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển KT-XH; về thí điểm cơ chế hỗ trợ đầu tư đường trục ấp, liên ấp giai đoạn năm 2024-2025; về chính sách thu hút nhân lực ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo;...
Điểm mới là Đảng đoàn có định hướng để Thường trực HĐND tỉnh chủ động phối hợp UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh thông qua. Sự ra đời của các NQ này không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tế mà còn có ý nghĩa rất lớn là mở ra hướng đổi mới tư duy và hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh như Đề án đã đề ra, đó là nâng cao trách nhiệm, chủ động, phối hợp, sáng tạo và hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ.
Hình thức giám sát đa dạng, nội dung trọng điểm, hiệu quả thiết thực
Trong nửa nhiệm kỳ qua, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã có sự đổi mới mạnh mẽ.
Trước hết là số lượng các cuộc giám sát chuyên đề ngày càng tăng và có sự điều phối hài hòa giữa các mức độ HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh.
Thứ hai, nội dung giám sát vừa tập trung vào các vấn đề quan trọng tác động lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh, vừa tập trung vào các vấn đề bức xúc, được cử tri, dư luận quan tâm.
Thứ ba, chú trọng chất lượng kết luận giám sát và hiệu quả sau giám sát thông qua việc lập tổ giúp việc, mời chuyên gia tham gia đoàn giám sát, kết hợp khảo sát thực tế với giám sát tại chỗ, chuẩn hóa các văn bản kết luận, báo cáo, kiến nghị và tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận của đoàn giám sát.
Thứ tư, sự duy trì, kế thừa chặt chẽ, tuần tự các hình thức giám sát, từ thấp đến cao để đi đến kết quả sau cùng, đó là từ giám sát thường xuyên, giám sát tại kỳ họp đến giải trình, chất vấn, giám sát chuyên đề và tái giám sát.
Sự đổi mới đã mang lại kết quả rất tốt trên các lĩnh vực như công tác quản lý và thực hiện quy hoạch; công tác đấu giá quyền sử dụng đất công; việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và tình hình sử dụng đất để đầu tư các dự án ngoài ngân sách; việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; việc xử lý chất thải rắn; việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp;...
Đặc biệt, 5 phiên chất vấn, 5 phiên họp giải trình, 6 chương trình đối thoại tập trung vào các vấn đề: Rà soát, xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai; điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn; phát triển nhà ở xã hội, nhà yến; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;... đã tạo được tác động lan tỏa rất lớn trong xã hội. Đây được xem là điểm nhấn nổi bật, làm đa dạng thêm hình thức giám sát, lắng nghe và giải quyết trực diện các vấn đề cử tri kiến nghị.
Mở rộng dân chủ, lắng nghe ý tưởng, hiến kế từ nhân dân
Với mong muốn nhận được sự đồng hành, đóng góp của các tầng lớp nhân dân, Thường trực HĐND tỉnh lần đầu tiên chủ trì phối hợp UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” hướng tới mục tiêu xây dựng “Long An giàu - mạnh; Người dân vui vẻ - hạnh phúc; Xã hội an toàn - văn minh; Chính quyền trong sạch - vững mạnh”.
Đến ngày 30/11/2023, có 128 hiến kế được gửi về Thường trực HĐND tỉnh và đang được Hội đồng Giám khảo đánh giá để xếp loại, khen thưởng vào tháng 02/2024. Các hiến kế bước đầu đã được phân loại, chuyển các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu vận dụng vào quản lý, điều hành phù hợp. Cuộc vận động này sẽ được duy trì thường xuyên trên các nền tảng môi trường mạng của Thường trực HĐND tỉnh và tổng kết xếp loại hàng năm.
Đối với hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT), tiếp công dân theo luật định, Thường trực HĐND tỉnh đã có những đổi mới phù hợp. Nổi bật là, đa dạng hình thức TXCT như trực tiếp, trực tuyến, kết hợp trực tiếp với trực tuyến; bố trí xen kẽ, hoán đổi luân phiên địa bàn TXCT giữa các đơn vị ứng cử của các đại biểu HĐND tỉnh; kết hợp TXCT của Tổ đại biểu HĐND tỉnh và huyện trên cùng địa bàn ứng cử.
Đồng thời, HĐND tỉnh thực hiện đa dạng nhiều kênh thông tin để tương tác, tiếp nhận ý kiến cử tri, công dân thông qua diễn đàn đại biểu dân cử và cử tri trên Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, các trang mạng xã hội của HĐND tỉnh như Zalo, Facebook, YouTube,…
Hiện nay, Long An là địa phương tự cân đối ngân sách và đang khẩn trương triển khai Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vì vậy rất cần các cơ chế, chính sách đổi mới, đột phá để kiến tạo không gian và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho tỉnh.
Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp UBND tỉnh xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành thêm các cơ chế, chính sách về bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giải pháp đẩy nhanh tiến độ, xử lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm thực hiện; việc thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội; chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông các cơ sở đào tạo công lập và các cơ chế, chính sách đặc thù khác về phát triển KT-XH của tỉnh. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của HĐND tỉnh trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
HĐND tỉnh tin tưởng và kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà cùng có khát vọng lớn, quyết tâm cao, nỗ lực tích cực và hành động mạnh mẽ hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đưa Long An trở thành “trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030 và thuộc nhóm tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước vào năm 2050./.
Chào năm mới Giáp Thìn 2024, mừng Đảng quang vinh tròn 94 năm tuổi, Thường trực HĐND tỉnh kính chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà hạnh phúc, an khang, thịnh vượng! Xuân mới, niềm tin mới, khí thế mới, thắng lợi mới! |
UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều