Tiếng Việt | English

20/10/2023 - 11:02

Tập trung kiến nghị những vấn đề phát sinh từ thực tiễn

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới, với nhiều nội dung quan trọng được xem xét. Trước thềm kỳ họp, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu (ĐB) QH tỉnh Long An - Lê Thị Song An về nội dung, chương trình của kỳ họp.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Lê Thị Song An kết luận buổi khảo sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh” tại Bảo hiểm xã hội tỉnh

PV: Vừa qua, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH - Bùi Văn Cường đã ban hành Thông báo số 2817 về việc triệu tập Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV. Xin bà thông tin rõ hơn về chương trình kỳ họp lần này?

Bà Lê Thị Song An: Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV sẽ được tiến hành theo 2 đợt, trong đó đợt 1 kéo dài 19 ngày, từ ngày 23-10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 kéo dài 10 ngày, từ ngày 20 đến ngày 29/11/2023.

Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đồng thời, xem xét, thông qua 2 nghị quyết (NQ): NQ về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và NQ về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo quy trình tại một kỳ họp.

QH cũng tập trung cho ý kiến đối với 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Song song với công tác lập pháp, QH sẽ tập trung xem xét, cho ý kiến về các vấn đề KT-XH, ngân sách nhà nước (NSNN), giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước theo thẩm quyền.

PV: Như vậy, bên cạnh công tác lập pháp, QH sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định rất nhiều vấn đề quan trọng về KT-XH, NSNN. Bà có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Bà Lê Thị Song An: Kỳ họp thứ 6 được tổ chức ngay sau thành công của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) và đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên khối lượng công việc khá lớn, đặc thù hơn các kỳ họp khác. Cụ thể, QH sẽ tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH,

NSNN năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024; xem xét Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026 và các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai, thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển KT-XH, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.

Đồng thời, QH sẽ xem xét các báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về công tác của Tòa án nhân dân; Báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (trong đó có kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng và việc thực hiện NQ số 96/2019/QH14, việc thực hiện NQ số 33/2021/QH15). Các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án năm 2023, trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và việc thực hiện NQ số 96/2019/QH14 của QH.

Bên cạnh đó, QH còn xem xét, quyết định việc điều chỉnh một số nội dung của NQ số 53/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của QH về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; xem xét báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV; báo cáo kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; xem xét, quyết định Quy hoạch không gian biển quốc gia; nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV.

Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai, thực hiện các NQ của QH về các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021­-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

QH sẽ dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH về việc thực hiện một số NQ của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và NQ của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Ngoài ra, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn theo NQ số 96 của QH và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo thẩm quyền.

PV: Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đã có những hoạt động cụ thể gì nhằm chuẩn bị nội dung đóng góp vào chương trình Kỳ họp thứ 6?

Bà Lê Thị Song An: Sau khi thống nhất với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức trực tiếp tại 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, với trên 2.000 cử tri tham dự; tiếp nhận gần 110 lượt ý kiến, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực: Đầu tư, xây dựng, công thương, giao thông - vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, trật tự, an toàn xã hội,... thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Qua tiếp xúc cho thấy, đa số cử tri đều mong muốn QH, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục có giải pháp nhằm kiềm chế, bình ổn giá xăng, dầu, các loại vật tư nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ các loại thuốc điều trị bệnh cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên cũng như học sinh trong việc dạy và học; bảo đảm an ninh, trật tự trên không gian mạng. 

Bên cạnh đó, cử tri yêu cầu sớm triển khai nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62; các chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng sau khi phân giới, cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam tại huyện Thạnh Hóa. Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ QH và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định.

Song song đó, Đoàn tập trung tổ chức các hội nghị để lấy kiến đóng góp của các sở, ngành, địa phương đối với 17 dự án luật sẽ được xem xét thông qua hoặc cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6. Qua đó, tổng hợp được nhiều ý kiến từ cơ sở, nhất là các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ chế, chính sách, pháp luật để chuẩn bị nội dung phát biểu tại các phiên thảo luật tổ và tại hội trường, trong đó tập trung vào các dự án luật có tác động lớn đến các lĩnh vực của đời sống xã hội như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Ngoài ra, Đoàn cũng tổ chức khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH trên địa bàn tỉnh, để tìm hiểu, đánh giá việc triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT tại địa phương. Từ kết quả khảo sát này, Đoàn sẽ tổng hợp những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, cũng như các đề xuất, kiến nghị liên quan đến việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian qua. Đây là những cơ sở thực tiễn rất quan trọng giúp Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến đóng góp đối với Luật BHXH (sửa đổi) được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6.

PV: Với rất nhiều nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp tới, xin bà cho biết Đoàn ĐBQH tỉnh Long An sẽ ưu tiên tham gia ý kiến vào những nội dung trọng tâm nào?

Bà Lê Thị Song An: Thông qua các hoạt động như tiếp xúc cử tri, khảo sát, giám sát và tổ chức các hội nghị đóng góp đối với các dự án luật, Đoàn sẽ phân công các ĐBQH trong Đoàn tập trung nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu, bảo đảm những ý kiến đóng góp của Đoàn sát với thực tiễn cuộc sống, mang tính phản biện cao, giúp Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin để chỉnh lý hoàn thiện các dự án luật.

Thông qua các phiên thảo luận tại tổ và hội trường, Đoàn sẽ tập trung nghiên cứu các nội dung liên quan đến việc phối hợp triển khai, thực hiện quy hoạch vùng và của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc giải ngân vốn đầu tư công các công trình trọng điểm quốc gia theo NQ của QH và các dự án giao thông có tác động trực tiếp đến sự phát triển KT-XH của tỉnh như đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62.

Đồng thời, Đoàn tiếp tục đề nghị QH, Chính phủ và bộ, ngành liên quan có các giải pháp để kiềm chế, bình ổn giá xăng, dầu, các loại vật tư nông nghiệp; bảo đảm đầy đủ các loại thuốc điều trị bệnh cho người tham gia BHYT; quy định thống nhất việc thu học phí tại các cấp học, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc;... Đây là những vấn đề được nhiều cử tri kiến nghị tại các buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp. Đoàn sẽ ưu tiên đưa vào nội dung kiến nghị nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin của cử tri và nhân dân đối với hoạt động của QH.

PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này!./.

Kiến Quốc (thực hiện)

Chia sẻ bài viết