Tiếng Việt | English

23/05/2024 - 09:23

Trên những chuyến xe ca

“Quân sĩ mình đủ hết chưa?”. Sau khi nghe tiếng “rồi” đồng thanh từ các công nhân (CN), anh Võ Thành Khanh nhìn bao quát một lượt kiểm đếm số lượng rồi cho xe khởi hành. Anh Khanh là lái xe chở CN của Công ty (Cty) TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam, tuyến Bến Lức - Hòa Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Nhà ở phường Khánh Hậu (TP.Tân An), 4 giờ sáng, anh đã dậy, đến Cty vận tải kiểm tra nhớt xe, châm nước, nổ máy lấy hơi rồi lái xe đến chợ Hòa Phú để đón CN. Mỗi tháng, anh được nhà xe trả 7,5 triệu đồng. Số tiền này không nhiều so với tài xế xe khách nhưng bù lại, anh có thời gian rảnh để chăm sóc mấy chục gốc mai ở nhà.

Làm nghề này, anh Khanh ý thức rằng mình đang giữ an toàn cho hàng chục CN, trong đó có nhiều CN là trụ cột gia đình. Vì vậy, khi cầm lái, anh luôn tỉnh táo, tập trung, tuân thủ pháp luật về giao thông, đúng giờ giấc để CN không bị trễ giờ làm.

Anh Khanh chia sẻ: “CN hễ bước lên xe tôi thì giống như người nhà. Mỗi ngày, tôi gặp họ gần 3 giờ đồng hồ, bởi vậy, chúng tôi tâm sự với nhau nhiều điều. Có món gì ngon, họ cũng để dành phần cho tôi, coi nhau như anh em vậy!”.

Nhiều công nhân tranh thủ mua thức ăn cho bữa cơm chiều

Chỗ làm gần nơi đậu xe, trong thời gian đợi những CN khác, chị Nguyễn Thị Phượng tranh thủ mua ít rau, củ để về nấu bữa cơm chiều. Nhà ở tỉnh Tiền Giang, khi xe trả CN tại Hòa Phú, chị phải chạy xe máy thêm 20 phút nữa mới về đến nhà.

Chị Phượng kể: “Buổi chiều còn đỡ chứ sáng tôi cực hơn, 3 giờ 30 phút đã dậy lục đục nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa rồi tranh thủ ra điểm xe rước cho kịp giờ. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa cực lắm nhưng vì cuộc sống nên phải cố gắng”.

Tuy vất vả nhưng chị Phượng không nản lòng. Đến nay, chị đã làm việc cho Cty được 17 năm, thu nhập cũng khá nên chị có động lực để đi làm mỗi ngày.

Đi xe ca thoải mái, đỡ vất vả nhưng thỉnh thoảng còn tình trạng “dồn xe” khiến công nhân mệt mỏi

Không như chị Phượng, xưởng làm việc của chị Nguyễn Thùy Nga ở khá xa. Theo lời kể của chị Nga, mỗi ngày, chị phải “bơi” 15 phút mới đến được bãi đậu xe. Chị là một trong những người cuối cùng lên xe nên đôi khi phải chấp nhận cảnh “trâu chậm uống nước đục”, phải đứng hoặc ngồi ghế súp, nhất là khi xe hư, bắt buộc phải dồn xe. “Những lúc như vậy mệt lắm, vì đã làm cả ngày trong Cty, lại phải tranh thủ chạy để mắc công mọi người đợi”.

Nhà chị Nga ở xã Bình Tâm (TP.Tân An), vì tay lái yếu nên chị không dám đi xe máy. Mỗi tháng, chị đóng cho nhà xe 450.000 đồng, chia cho 26 ngày công thì khoảng 17.000 đồng/ngày, tính ra vẫn tiết kiệm hơn khi đi xe tự túc. Hơn nữa, đi xe Cty an toàn hơn xe máy, đỡ mệt hơn, có thể ngả lưng trong lúc xe chạy, có thể tâm sự với đồng nghiệp,... Tuy vất vả nhưng chị Nga vẫn cố gắng vì chị đang một mình nuôi 2 con, đứa lớn học lớp 9, đứa nhỏ mới 3 tuổi.

Chị Nga lạc quan nói: “Các con là động lực của tôi, chỉ cần thấy con là bao nhiêu mệt mỏi không còn nữa”. Sắp tới, chị Nga có “mối” dọn nhà thuê ngày chủ nhật với giá 35.000 đồng/giờ. Chị ráng kiếm tiền để cho đứa con lớn học nghề tại Trường Cao đẳng Long An, hy vọng tương lai con bớt vất vả hơn chị. Biết hoàn cảnh chị Nga nên chị em đồng nghiệp và cả anh Khanh tài xế thường chia sẻ để tiếp thêm động lực cho chị.

Chị Nguyễn Thị Đào (ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) làm CN tại Cty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM). Mỗi ngày, chị dậy từ 3 giờ sáng nấu cơm, đem con đi gửi nhờ nhà nội cách đó không xa rồi đi bộ 1km ra trạm xe trên Đường tỉnh 832. Đến tối, chị lại đi bộ về, không quên mua thức ăn để nấu cơm buổi sáng mai.

Chị Đào kể: “Nhiều lúc thương con lắm, đang ngủ cũng bị xốc dậy nhưng dần dần bé cũng quen, hễ nghe mẹ nấu cơm cũng dậy theo”. Chồng chị theo công trình xây dựng, cuối tuần mới về một lần. Thấy chị đi làm vất vả, anh gom góp mua cho chị chiếc xe máy. Đi làm bằng xe máy, chị Đào chủ động thời gian hơn nhưng đổi lại rất mệt vì đoạn đường đi làm gần 30km. Thời gian tới, chị có ý định đăng ký đi xe ca lại.

Ngoài những CN nữ, nhiều nam CN cũng chọn cách đi xe ca thay vì ở trọ. Nhà ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang), mỗi ngày, anh Võ Minh Cảnh phải dậy thật sớm để kịp chuyến xe lên Cty TNHH Đồ hộp Việt Cường (ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) làm việc.

Theo anh Cảnh, nếu ở trọ thì chi phí cũng bằng với đi xe ca, thậm chí có nhiều thời gian hơn cho bản thân nhưng anh về nhà vì muốn gần cha mẹ tuổi đã ngoài 60, phụ ông bà những việc nặng, chỉ cần mỗi ngày được gặp cha mẹ là anh vui rồi! Cuối tuần, anh phụ gia đình chăm sóc rẫy khóm, xong hết việc mới dành thời gian giao lưu cùng bè bạn.

Anh Cảnh bộc bạch: “Ở trọ thì không tránh khỏi việc nhậu nhẹt, chưa kể những cám dỗ khác. Làm CN mà không tiết kiệm thì cuối tháng đâu còn dư bao nhiêu, nên đi xe ca cũng là cách giữ tiền”.

Chia sẻ với sự vất vả của CN khi đi làm xa nhà, nhiều doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống cho họ. Theo Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Cty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam - Nguyễn Văn Khải, đối với CN đi xe ca, Công đoàn thường thăm hỏi để nắm tình hình. Khi CN có khiếu nại, góp ý, Công đoàn đều tiếp thu, giải quyết hợp tình, hợp lý.

Mong rằng, với sự chung tay của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đời sống CN sẽ ngày càng nâng lên, góp phần vào sự phát triển của địa phương./.

Huỳnh Thông

Chia sẻ bài viết