Tiếng Việt | English

03/02/2020 - 18:00

Xuất khẩu lao động - 'Chìa khóa' giảm nghèo bền vững

Bài 1: Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

Giải quyết việc làm, giảm nghèo; thu nhập ổn định; học được nhiều kỹ năng sống; rèn luyện tay nghề, ngoại ngữ;... là những ưu điểm của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là xuất khẩu lao động). Song, hiện nay, tỉnh gặp nhiều khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần tạo đà cho xuất khẩu lao động phát triển nhanh, bền vững.

Thời gian qua, tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Long An còn trầm lắng so với một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hiệu quả kinh tế từ XKLĐ mang lại rất lớn, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Nhờ tham gia xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Tấn Phước (bìa phải) mở được Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Ánh Dương

Nhờ tham gia xuất khẩu lao động, anh Nguyễn Tấn Phước (bìa phải) mở được Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Ánh Dương

Đi làm thuê, về làm chủ

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp gặp Giám đốc Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Ánh Dương (phường 5, TP.Tân An) - Nguyễn Tấn Phước. Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là một chàng trai có nước da ngăm, hiền lành và nhiệt tình. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng, anh Phước kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh gia đình, mục đích thành lập công ty. 

Theo đó, anh Phước quê ở xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em. Năm 2001, anh đậu đại học nhưng gia đình không có tiền lo cho anh ăn học. Vì vậy, anh quyết định học nghề cơ khí tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (nay là Trường Cao đẳng Nghề Long An - Cơ sở Đức Hòa) để ít tốn chi phí và gần nhà. Hơn hết, trường còn tạo điều kiện cho anh làm tạp vụ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2003, anh tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và được rất nhiều doanh nghiệp mời về làm việc. Thế nhưng, anh quyết định tham gia XKLĐ tại Nhật Bản. 

Anh Phước chia sẻ: “Với suy nghĩ làm công nhân trong nước mức lương chỉ đủ sống, không dư, nhất là không giúp được nhiều cho gia đình, từ đó (năm 2004), tôi quyết định tham gia XKLĐ. Nhà nghèo, không có tiền đóng các khoản phí và thế chân khoảng 130 triệu đồng, gia đình tôi phải thế chấp bằng khoán nhà cho ngân hàng. Nhờ chăm chỉ làm việc và chi tiêu tiết kiệm, năm 2007, tôi về nước không chỉ trả hết tiền cho ngân hàng mà còn dư trên 400 triệu đồng”.

Với sự năng động, ham học hỏi, nhất là giỏi tiếng Nhật, sau khi về nước, anh Phước tiếp tục được mời về làm việc tại Công ty Haindeco Sài Gòn (Công ty chuyên về XKLĐ). Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy Long An có nhiều tiềm năng về XKLĐ. Nghĩ là làm, năm 2016, anh thành lập Công ty TNHH Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Ánh Dương. Mục đích thành lập công ty nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Cụ thể, đến nay, công ty giới thiệu, tư vấn gần 200 người tham gia XKLĐ tại thị trường Nhật Bản, với các ngành nghề cơ khí, xây dựng, điều dưỡng,... Điều đặc biệt, hiện nay, công ty còn hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 10 bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 600 triệu đồng, trong đó 7 bạn vay 40% chi phí, 3 bạn hỗ trợ 100% chi phí. Nguyễn Duy Linh (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) cho biết: “Nhà em nghèo lắm! Ba mẹ bị bệnh, không còn khả năng lao động nên mọi chi phí trong nhà đều đè lên vai của chị Hai. Sau khi tốt nghiệp THPT, em quyết định tham gia XKLĐ. Biết được hoàn cảnh gia đình, Công ty Hoàng Ánh Dương hỗ trợ 40% chi phí. Qua Nhật Bản, em sẽ cố gắng làm việc, chi tiêu tiết kiệm để có tiền giúp đỡ gia đình. Và khi trở về nước, em hy vọng được làm việc trong công ty để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn giống em trước đây”.

Có thể thấy, anh Phước từng là một người tay trắng, phải đi làm thuê. Thế nhưng nhờ XKLĐ, cuộc đời anh không chỉ bước sang trang mới mà còn giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Điều này khẳng định XKLĐ là chìa khóa giảm nghèo bền vững.

Giờ đây, chị Phạm Huỳnh Tuyền không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn có công việc ổn định nhờ tham gia xuất khẩu lao động

Giờ đây, chị Phạm Huỳnh Tuyền không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn có công việc ổn định nhờ tham gia xuất khẩu lao động

Công việc ổn định, thu nhập cao

Rời công ty anh Phước, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình chị Phạm Huỳnh Tuyền, ngụ xã Lương Hòa, huyện Bến Lức. Nhìn ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai biết rằng đó là số tiền từ việc hai chị em chị Tuyền tham gia XKLĐ mang về. Được biết, trước đây, gia đình chị Tuyền “nổi tiếng” nghèo nhất xã nhưng có 3 người con học rất giỏi. Thấy gia đình khó khăn, chị Phạm Hồng Đào (chị gái chị Tuyền) quyết định tham gia XKLĐ để giúp đỡ gia đình. Sau một năm làm việc chăm chỉ, chị Hồng Đào gởi trả các khoản nợ gia đình từng vay mượn trước đây, đồng thời gởi tiền cho chị Tuyền tham gia XKLĐ. 

Chị Tuyền tâm sự: “Năm 2004, tôi vừa tốt nghiệp THPT và đậu đại học ngành Công nghệ thông tin. Tôi nhận thấy học đại học rất khó xin được việc làm, đồng thời tốn nhiều chi phí, còn đi làm công nhân thời điểm năm 2004 lương chỉ 500.000 đồng/tháng, trong khi đó đi XKLĐ lương từ 12-15 triệu đồng/tháng, gấp mấy chục lần làm công nhân. Thấy được lợi ích trên, tôi quyết định tham gia XKLĐ. Tham gia XKLĐ, tôi được rất nhiều lợi ích như khả năng tự lập, kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp,... Hơn hết là có tiền giúp gia đình. Sau 3 năm tham gia XKLĐ, tôi có dư trên 500 triệu đồng. Nếu tôi không tham gia XKLĐ thì gia đình sẽ không có được cuộc sống sung túc hôm nay”.

Hiện nay, chị Tuyền đang làm Tổng vụ nhân sự kiêm biên dịch của Công ty TNHH Fukui (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, là mức lương mơ ước của nhiều người. Chị Tuyền chia sẻ thêm: “Nếu các bạn hỏi tôi có hối hận khi tham gia XKLĐ? Tôi sẽ mạnh dạn trả lời không! Đồng thời, tôi còn gửi lời khuyên đến các bạn trẻ rằng: Hãy mạnh dạn mà đi để tìm hiểu thế giới xung quanh, học thêm nhiều kinh nghiệm sống, có tiền lo cho gia đình và bản thân. Hơn hết, các bạn còn có trình độ ngoại ngữ nhất định, sau khi về nước dễ dàng tìm được công việc tốt, mức lương cao. Nếu thời gian quay trở lại, tôi vẫn chọn XKLĐ làm bệ phóng đi đến thành công”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một cách nghĩ khác nhau, thế nhưng tất cả có điểm chung là cùng đi XKLĐ giúp gia đình thoát nghèo, đồng thời giúp bản thân có được một công việc ổn định, nhất là khẳng định được vị trí của mình trong xã hội. Vì vậy, XKLĐ là một trong những con đường ngắn nhất giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta không tham gia XKLĐ, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương?./.

(còn tiếp)

Bài 2: Thu nhập khá nhưng không dễ đi

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết