Tiếng Việt | English

08/06/2015 - 08:00

Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa

Chung tay sẻ chia cùng bệnh nhân nghèo

Dù không họ hàng, thân thích, thế nhưng có một nơi mà những người xa lạ lại giúp đỡ, sẻ chia cho bệnh nhân nghèo những bữa cơm nhân ái và ấm áp tình người…

Những phần cơm giá trị không cao nhưng cũng giúp cho những bệnh nhân nghèo được ấm lòng, hỗ trợ họ tiết kiệm phần nào chi phí

Hằng ngày, cứ khoảng 9 giờ 30 và 14 giờ là Bếp ăn từ thiện Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Hậu Nghĩa lại nhộn nhịp hẳn lên. Điều đặc biệt là các dãy ghế đá ở đây được sắp xếp thành lối đi ngay ngắn để định hướng cho người dân đến nhận cơm xếp hàng trật tự, không chen lấn, ưu tiên cho bệnh nhân và người cao tuổi. Trưởng ban điều hành Bếp ăn từ thiện Bệnh viện ĐKKV Hậu Nghĩa - Lâm Thanh Thảo cho biết: “Thời gian đầu mới thành lập, bếp ăn gặp nhiều khó khăn. Mỗi ngày chỉ có thể phục vụ khoảng 60 suất, 80 suất, rồi tăng dần lên 100-120 suất cho các bệnh nhân nghèo. Lúc ấy, các mạnh thường quân làm công quả cũng chưa nắm chắc được khẩu phần ăn, có khi nấu cơm bằng củi không chín, họ phải đem về nhà nấu lại để kịp giờ phát cơm. Đến bây giờ thì bếp đã có 5 nồi điện, mỗi ngày phục vụ trên 400 suất ăn. Bếp ăn này được chúng tôi gọi vui là “Bếp đại đoàn kết”, vì có rất nhiều cơ sở tôn giáo, các tầng lớp nhân dân, nhà hảo tâm trực tiếp tham gia làm thiện nguyện, nấu nướng, tài trợ cho bệnh nhân nghèo”.

Được biết, bên cạnh cấp dưỡng chính thì mỗi ngày lại có một cơ sở tôn giáo như các chùa, tịnh thất, tịnh xá, các họ đạo Cao đài và mạnh thường quân thay phiên phát cơm, nấu nướng. Ban điều hành bếp sẽ làm nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ khi cần thiết. Bà Võ Thị Dỡn (ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) phấn khởi cho biết: “Tôi là Phật tử của chùa Phước Linh. Từ nhà đến đây như gần lại vì tôi thấy lòng mình thanh thản, bình yên khi làm thiện nguyện. Dù tuổi đã cao, không làm những công việc nặng nhọc nhưng được giúp đỡ mọi người, tôi thấy mình yêu đời, vui vẻ hơn!”. Còn chị Trần Thị Kim Thương - cấp dưỡng của bếp ăn, đã gắn bó với bếp từ những năm đầu cho đến giờ, cho rằng: Dù tiền hỗ trợ chẳng là bao nhưng chị luôn hạnh phúc vì có thể san sẻ được cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Thức ăn được chế biến đa phần là món chay, thỉnh thoảng cũng bổ sung các món mặn; ngoài ra, có ngày lại nấu súp, cháo, bánh canh hoặc có thêm sữa đậu nành,… để đa dạng khẩu phần cho bệnh nhân. Bà Lại Thị Hòa (ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng) nuôi cháu ngoại bị tai nạn chia sẻ: “Thức ăn ở đây rất ngon và sạch sẽ, phục vụ tận tình, hòa nhã. Bệnh nhân nghèo có được những bữa cơm như vầy thì quý lắm, vì nhà neo người không có thời gian nấu, còn ra ngoài mua thì vừa mắc, vừa không an tâm, nhất là những người phải chăm sóc người bệnh dài ngày như tôi. Vì vậy, không ai nhắc nhưng thấy chiếc thùng từ thiện của bếp ăn, tôi và bà con ở đây, ai có dăm ba ngàn thì bỏ vào như là lời cảm ơn của mình, đồng thời còn hỗ trợ bếp tiếp tục giúp các bệnh nhân khác”.

Từ ngày thành lập đến nay, bếp ăn đã phục vụ hơn 357.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Với những nỗ lực của mình, bếp ăn đã nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện. Đây cũng là động lực để Ban điều hành cùng các đơn vị thiện nguyện ngày càng cố gắng phục vụ tốt hơn, tăng chất lượng khẩu phần ăn, góp phần hỗ trợ bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Với công việc ý nghĩa này, hy vọng bếp ăn sẽ luôn duy trì và phát triển, dù chỉ là những phần cơm chay thanh đạm nhưng đã giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn được ấm lòng, đúng như câu ca dao biến thể được đặt trang trọng tại sảnh chờ của bếp:

“Miếng đỡ lòng khi đói

Hơn cả gói khi no

Của cho tuy tơ tóc

Mà nghĩa sao nghìn trùng”.

PHẠM NGÂN
 

Chia sẻ bài viết