Tiếng Việt | English

08/01/2018 - 13:08

Đánh đu với... tử thần

Chúng tôi tìm gặp các thợ sơn nước tại một công trình cao tầng ở TP.Tân An khi họ đang “đánh đu” trên bức tường cao gần 20m chỉ với một miếng ván nhỏ.

Thợ sơn nước không chỉ biết về sơn và cọ, mà còn phải biết… đu dây "làm xiếc"!  

“Người nhện” mang tên… thợ sơn!

Đó là nhóm thợ sơn đến từ TP.HCM, họ vừa nhận công trình tại TP.Tân An ít ngày. Khi chúng tôi đến, họ đang đu đưa trên tấm ván nhỏ, trét vôi bột cho bức tường cao gần 20m. Mặt trời chiều chiếu rát, đứng gió nên không khí nơi công trình càng thêm oi bức. Xong được nửa “đường”, thùng vôi cạn đáy, anh Tường từ từ hạ dây, tuột nhanh xuống đất. Anh ngồi nghỉ một chút trước khi tiếp tục công việc. Theo nghề gần 15 năm, người thợ sơn quê Bình Định này đi hầu như khắp 3 miền. Các công trình lớn, nhỏ anh đều “kinh” qua. Trình độ “đu dây” ở mức “thượng thừa” nên với tòa nhà 6 tầng ở Tân An này, anh không dùng dây bảo hiểm, chỉ ngồi vắt vẻo trên miếng ván gỗ nhỏ như xích đu em bé!

Ngồi dưới tán cây, ngước nhìn bạn đồng nghiệp cũng đang từ từ hạ độ cao, anh Tường nói: “Nhà này đâu có cao gì! Tòa 12 tầng, thậm chí 22 tầng, tôi còn đu dây được mà, nhưng đu mấy cái đó có dây bảo hiểm”. Nghỉ vài phút, các anh nhanh chóng bắt tay vào công việc. Thùng bột đầy ứ được mang lên sân thượng, miếng ván gỗ mắc vào dây bằng khóa kim loại, hành trình bắt đầu từ độ cao 20m. Các anh tuột dần xuống vị trí làm dang dở. Mỗi người một thùng sơn bên cạnh, tay cầm bay, tay cầm miếng nhựa gạt bột. Các anh di chuyển bằng cách đung đưa qua lại, nhoài người ra để trét xa hơn. Dưới nắng oi, hành trình lên xuống 6 tầng lầu cứ lặp lại cho đến khi cả bức tường khoác lên mình màu áo mới.

Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc về thời gian làm việc của các anh, anh Tự (thợ sơn đến từ Vũng Tàu) cho biết: “Chúng tôi nhận khoán công trình, nên tranh thủ làm nhanh, xong việc sớm thì đi làm nơi khác. Sắp tết rồi!...”. Nói xong, anh lấy thêm xô bột mới. Lúc ấy hơn 12 giờ trưa!

Thợ sơn nước không chỉ biết về sơn và cọ, mà còn phải biết… đu dây "làm xiếc"!  (Trong ảnh: Anh Tường, anh Tự trên công trình)

Bảo hiểm là… xa xỉ!

Nhìn những “người nhện” đu đưa qua lại ở độ cao “chết người” như thế, chúng tôi không hiểu sao các anh có thể bình thản đến như vậy. Vì “gan” và quen việc. Đó là cách trả lời của hầu hết những thợ sơn mà chúng tôi gặp. Anh Tường khẳng định:

“Nghề này chỉ cần khỏe và gan thôi!”. Cũng phải, không khỏe thì làm sao có thể xách xô vôi bột đầy ứ lên 6 tầng lầu và dùng lực tay điều chỉnh hạ độ cao khi đang làm việc. Và nếu không gan, chỉ cần nhìn xuống từ tòa nhà 6 tầng đã chóng mặt, huống hồ đu đưa qua lại trên những công trình 40m ngoài!

Anh Trung - một thợ sơn quê ở Vũng Tàu, kể, công trình cao nhất anh từng sơn có 22 tầng. Mặc dù lúc đó có dây an toàn nhưng cảm giác “ngồi kế bên thần chết” vẫn cứ ám ảnh anh. “Nghề này vất vả mà nguy hiểm. Sai một li đi một dặm!” - anh Tự trầm ngâm nói. Anh nhớ về những vụ tai nạn nghề nghiệp mình từng biết trong hơn 10 năm làm nghề sơn nước và lau kính tại các công trình! Rồi anh tiếp: “Bởi vậy, phải kiểm tra dây nhợ hàng ngày. Nhưng coi vậy chứ, kiểm thì kiểm, nó muốn hư lúc nào mình cũng không biết!”.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao các anh không dùng dây an toàn? Câu trả lời là vì... vướng! Dây an toàn phần nào hạn chế sự linh hoạt nên với những công trình nhỏ như công trình 6 tầng đang thi công, các anh chỉ bảo vệ mình... bằng kinh nghiệm và sự cẩn thận! Ngoài ra, chẳng còn gì khác, kể cả bảo hiểm tai nạn. Là những thợ sơn tự do, khi có việc, anh Tường, anh Tự tập hợp thành nhóm nhận thi công và chia nhau thu nhập. Sau đó lại “đường ai nấy đi”. Anh Trung là thợ sơn theo thầu cố định nhưng cũng hưởng thù lao từng ngày nên việc mua bảo hiểm tai nạn là một điều hoàn toàn xa xỉ!

Cũng lắm vui buồn

Công việc thì nguy hiểm nhưng những thợ sơn mà chúng tôi gặp đều có thâm niên không dưới 10 năm. Họ theo nghề vì thu nhập khá cao so với mặt bằng chung. Nếu cố gắng làm chăm chỉ, mỗi tháng, các anh “người nhện” có thể thu nhập hơn chục triệu đồng. Ở quê, thu nhập đó là cao, bởi thế, anh Tự cứ bám mãi nghề mặc dù bản thân biết đến một lúc nào đó, mình cũng cần dừng lại. Nghề thợ sơn đòi hỏi sức khỏe và cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên ở độ tuổi gần 40 tuổi như anh, ý định chuyển nghề bắt đầu thôi thúc. Nhưng chưa phải bây giờ, vì “tết này phải kiếm được 30 triệu đồng để phụ gia đình trả nợ”.

Với anh Trung, sức khỏe và tuổi tác chưa khiến anh ngần ngại mà chính tính chất công việc của một “người nhện” khiến anh muốn “dừng chân”. Anh chia sẻ: “Nhà tôi, một mình tôi theo nghề này là đủ rồi, đu đưa trên những tòa nhà cao, nói không sợ là không đúng!”.

Thế nhưng vì nhiều lý do, những người như anh Tường, anh Tự, anh Trung vẫn gắn bó với nghề như có duyên, có nợ. Họ đánh đổi sức khỏe và cả tính mạng cho công việc của mình. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi chuyện cũng hoàn toàn suông sẻ. Lắm khi vất vả cả tháng trời, các anh lại nhận được sự “ầu ơ” của chủ thầu khi thanh toán tiền công. Anh Tường kể: “Có lúc nhận đàng hoàng, cũng có khi mệt lắm!”. Có khi công trình xong nhưng các thợ sơn tự do lại không thể “bứt” đi xa vì tiền công của công trình trước còn chưa nhận đủ!

Nhiều chuyện buồn nhưng cũng lắm chuyện vui, ít ai biết được nhiều nơi như những người theo công trình. Tận mũi Cà Mau hay ra xứ Quảng, hình như nơi nào, các anh cũng lưu lại được vài ngày. Đi nhiều, biết nhiều thì bè bạn cũng nhiều, chút niềm vui đó giúp các anh vơi bớt nhọc nhằn trong những tháng ngày rong ruổi, đu đưa trên những công trình.

Thợ sơn, cái nghề tưởng chừng chỉ cần biết về sơn và cọ nhưng không, đó là nghề đòi hỏi thợ làm nghề phải biết cả... đu dây như "làm xiếc" trên những công trình! Thế nhưng, để bảo vệ mình, những người thợ sơn như anh Tường, anh Tự đừng chủ quan, phải đeo dây bảo hiểm cả khi sơn những công trình không quá cao bởi nguy hiểm luôn rình rập và chỉ cần một chút sơ suất, các anh phải trả giá rất đắt, có khi bằng cả tính mạng./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết