Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 10:59

Để sự sống được nối dài

Hiện nay, việc hiến xác cho y học vẫn chưa được nhiều người chấp nhận, thậm chí còn cho là việc làm "điên rồ". Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh Long An vẫn có những người tình nguyện làm việc "điên rồ" ấy, với mong muốn giúp ngành y nước nhà ngày càng phát triển.

Chết nhưng vẫn "sống"

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước - Trần Thị Phượng thông tin: "Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều người tình nguyện đăng ký hiến xác cho y học, trong đó, huyện Cần Đước có 21 trường hợp nhờ hướng dẫn thủ tục đăng ký hiến xác cho y học; thị trấn Cần Đước có nhiều người tình nguyện nhất, với 9 trường hợp".

Anh Trần Văn Út

Theo hướng dẫn của Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cần Đước, chúng tôi tìm gặp anh Trần Văn Út, sinh năm 1965, ở khu phố 4. Anh đang là Trưởng khu phố 4 và là trường hợp tình nguyện hiến xác cho y học trẻ tuổi nhất.Khi được hỏi điều gì khiến anh tình nguyện làm một việc mà nhiều người cho là “khác thường”? Anh Út cười hiền lành: "Tôi nghĩ, lúc sống, mình đã cống hiến hết khả năng, khi mất đi thì cố gắng làm một việc gì có ý nghĩa cho xã hội. Sinh viên trường đại học y không thể "học chay" khi không có thi thể người thật để nghiên cứu, và tôi muốn góp phần giúp họ".

Gặp bà Nguyễn Thị Nhiên, sinh năm 1952, ở khu phố 5, khi bà thảnh thơi cùng đứa cháu ngoại mới 7 tháng tuổi đang say ngủ. Bà Nhiên chân tình chia sẻ: "Trước khi nghỉ hưu, tôi là nữ hộ sinh. Ngày xưa khi đi học, tôi phải thực tập trên những thi thể người.Nhờ những người hiến xác mà chúng tôi mới có điều kiện thực tập thành nghề.Vì vậy, tôi nghĩ, sau khi chết, mình nên làm một việc gì đó có ích cho đời nên tôi tình nguyện hiến xác cho y học. Ban đầu, con gái tôi phản đối dữ lắm, nhưng cuối cùng cháu cũng vui vẻ đồng ý".

Bà Nguyễn Thị Nhiên

Theo chia sẻ của những người tham gia hiến xác, họ cảm thấy buồn khi gần chục năm nay không nhận được lời thăm hỏi nào từ Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Có người gửi đơn tham gia hiến xác hơn 5 năm, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự phúc đáp của trường.

Chết là cho sự sống được nối dài

Đến nhà vợ chồng ông Nguyễn Thành Thi, sinh năm 1934 và bà Phạm Ngọc Điệp, sinh năm 1938, ngụ khu phố 5 vào một buổi trưa, khi ông đang chăm sóc vườn cây kiểng. Ông cho biết: "Bà ấy đi chùa chưa về, mà có khi đến chiều mới về. Cả tui và bà ấy đều đăng ký tình nguyện hiến xác cho y học từ năm 2008.Vợ chồng tui có lẽ là những người cao tuổi nhất ở đây làm việc này. Tui có cả thảy 6 người con đã khôn lớn... Tui thấy, y học bây giờ tiến bộ nhưng vẫn chưa khám phá hết những điều kỳ lạ về con người, do vậy, vợ chồng tôi và những người tình nguyện hiến xác cho y học để cái chết của mình không vô nghĩa".

Ông Nguyễn Thành Thi

Khi biết ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về những người tham gia hiến xác cho y học, ông Thi lục tìm giấy chứng nhận tham gia hiến xác cho Trường Đại học Y Dược TP.HCM ra "khoe": “Tui vẫn nói vui với vợ con mình, tài sản lớn nhất của tui với bà là tấm thẻ này. Tấm thẻ ghi số hiệu, tên, tuổi, ngày, tháng của ông, bà cũng như những hướng dẫn cần thiết cho gia đình khi người hiến tặng xác qua đời".

Ông kể, ông có quyết định này khi xem đài, báo thấy khoa giải phẫu ở các trường y trong nước gặp khó khăn khi ít có thi hài thật cho sinh viên thực tập. Ông nói: “Chết là hết, tại sao mình không hiến xác để giúp sinh viên ngành y nâng cao tay nghề. Cuộc đời ngắn lắm, nên những việc muốn làm thì phải làm ngay lúc còn sống. Giờ già cả rồi, không biết mấy lúc nữa về với ông bà, tổ tiên, ước nguyện cuối cùng của đời tui là được hiến xác cho nền y học Việt Nam, để nhắc nhở con cháu không được sống ích kỷ và phải luôn sống vì người khác".

Những người tình nguyện hiến xác đều cho biết, họ không hề hối tiếc về quyết định của mình, bởi ai cũng tin sự sống sẽ được nối dài ngay khi họ về "thế giới bên kia"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết
  • Trường Đại học Y Dược đã từng gửi thư cảm ơn đến người tự nguyện hiến xác khi qua đời và cũng gửi khảo sát hàng năm không mời tham gia dự lễ tri ân người hiến xác nữa. Hiện nay số người đăng ký hiến xác khi qua đời đến với Trường rất đông. Nếu bạn không nhận được sự phúc đáp của Trường có thể do thư bị lạc. Tự nguyện hiến xác khi qua đời là nghĩa cử cao đẹp, cần gì sự thăm hỏi của Trường Đại học Y Dược TPHCM...

    Trần Minh Thu - Cách đây 7 năm