Tiếng Việt | English

28/09/2016 - 10:20

Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười để phát triển bền vững

Trong thập niên 1980, 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, biến vùng đất phèn hoang hóa thành vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long. Việc liên kết tiểu vùng ĐTM nhằm tăng cường liên kết, phối hợp giữa các vùng, hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ.


Đại diện lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác

Sự cần thiết của liên kết tiểu vùng

Tiểu vùng Đồng Tháp Mười là vùng đất ngập nước của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên khoảng 697.000ha, chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trải rộng trên 19 huyện, thị xã, thành phố và 7 xã thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Tiểu vùng này có diện tích đất canh tác khoảng 35.000ha/năm, lúa là cây trồng chủ lực của vùng, cho sản lượng hàng năm khoảng trên 3 triệu tấn, đóng góp khoảng 20% lượng gạo xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Với nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang có nhu cầu liên kết vì có cùng những cơ hội và điểm mạnh, đồng thời, có chung những điểm yếu và thách thức: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế; khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ; chưa quản lý tốt việc khai thác tài nguyên; chuỗi các mặt hàng nông sản bị đứt đoạn, thiếu thương hiệu có uy tín trên thương trường quốc tế, ngay cả mặt hàng chủ lực là gạo.

Việc xây dựng và phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười rất cần thiết để trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp; có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo sự thống nhất trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của 3 tỉnh.


Tiểu vùng Đồng Tháp Mười có diện tích đất canh tác khoảng 35.000ha/năm, lúa là cây trồng chủ lực của vùng. Ảnh: Chánh Thi

"Để liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười đạt hiệu quả, thời gian tới, Long An cần tập trung khắc phục điểm yếu về quản lý về tài nguyên; tạo ra chuỗi giá trị sản xuất liên kết, tạo thương hiệu sản phẩm trong nước và thị trường thế giới; tăng cường quản lý hành chính; liên kết các mô hình sản xuất đạt hiệu quả; tăng cường đồng bộ hạ tầng quản lý."

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) nhận định: “Liên kết hợp tác phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười nhằm phát huy những cơ hội và thế mạnh chung. Đồng thời, khắc phục những điểm yếu và thách thức như: Tài nguyên ngày càng khan hiếm, sử dụng đất kém hiệu quả; tác động biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước đang báo động do các đập ở thượng nguồn, sử dụng tài nguyên nước thiếu liên kết."

Qua đó, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất mức độ phác thảo 7 chương trình của mục tiêu tiểu vùng, gồm: Chương trình sản xuất lúa gạo; chương trình trái cây đặc sản; thủy sản; chương trình trồng lại rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; chương trình nước sạch; chương trình kết cấu hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy, bộ; chương trình giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề”.


Liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười nhằm xây dựng những chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản. Ảnh: Ngô Trung

Định hướng liên kết

Định hướng các lĩnh vực liên kết của tiểu vùng Đồng Tháp Mười: Liên kết về tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản (lúa gạo, trái cây, thủy sản); liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi (các công trình trọng điểm cần ưu tiên đầu tư chú trọng giai đoạn 2016-2020: Quốc lộ N1, N2, 30, 62, kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng).

Đồng thời, liên kết quy hoạch vùng sản xuất; liên kết kêu gọi hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ; liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; liên kết trong kiến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản “Nâng cao sinh kế và ứng phó với biến đổi khí hậu” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết để phản hồi chính sách cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế liên quan đến “an ninh nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long” trong tổng thể biến đổi khí hậu và phát triển các đập ở thượng nguồn sông Mêkông.

Bên cạnh đó, liên kết của tiểu vùng sẽ thực hiện một số chương trình, dự án: Chương trình lúa gạo; trái cây đặc sản; thủy sản sạch; bảo vệ và phát triển rừng tràm, trữ nước ngọt và khôi phục chuỗi dinh dưỡng đa dạng vốn có, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; nước sạch cho tiêu dùng; hạ tầng thủy lợi, giao thông thủy, bộ; giải quyết vùng trũng về giáo dục và đào tạo nghề cho tiểu vùng (tiến tới đào tạo nông dân, xã viên các hợp tác xã có kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, môi trường, quản lý tài chính và quản trị kinh doanh).


Liên kết tiểu vùng kết hợp phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng tràm. (Ảnh Khu Du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập. Nguồn: Internet)

Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi, công tác giống và chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Đến nay, Long An bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung: Vùng Đồng Tháp Mười phát triển lúa cao sản xuất khẩu; vùng phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả và đa dạng hóa cây trồng ở huyện Đức Huệ, Thủ Thừa; vùng phát triển nông nghiệp ven đô; vùng giáp ranh TP.HCM - vùng chịu ảnh hưởng nặng của công nghiệp hóa và đô thị hóa. Nông sản chủ yếu hàng năm đạt sản lượng trên 2,9 triệu tấn lúa, 850.650 tấn mía, 28.624 tấn bắp, 20.438 tấn đậu phộng, 97.469 tấn thanh long, 95.880 tấn chanh, 169.000 tấn rau, thực phẩm và nhiều loại cây trồng phong phú, đa dạng khác.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh cho biết: "3 tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang cần phải liên kết để đầu tư phát triển vùng Đồng Tháp Mười xứng tầm vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Long An muốn làm được thì trên cơ sở ký kết hợp tác, tỉnh đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng kế hoạch nội dung mà Chính phủ ban hành, vận động nhân dân các xã, huyện vùng Đồng Tháp Mười thực hiện tốt đề án. Ngoài ra, để phát triển theo nội dung liên kết, ngoài ngân sách Trung ương, xã hội hóa, tỉnh, địa phương cũng phải dành ra ngân sách để đầu tư thực hiện theo kế hoạch."

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ - Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cập nhật, theo dõi tình trạng biến đổi khí hậu, sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi đất trồng lúa trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực, gắn sản xuất với tiêu thụ theo nhu cầu thị trường; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng biến đổi khí hậu; phối hợp các địa phương lựa chọn sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực để phát triển chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm phù hợp với đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, gắn kinh tế hộ với mô hình kinh tế hợp tác, sớm triển khai liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, ứng dụng khoa học-công nghệ cần cân nhắc trong đầu tư để tránh dàn trải, lãng phí,... góp phần xây dựng ngành nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết