Tiếng Việt | English

16/02/2016 - 15:10

Má vẫn như cây mùa xuân

Cây mùa xuân thì luôn xanh tươi, nảy lộc đâm chồi và đơm hoa kết trái, còn má Hai đã là cây cổ thụ sống qua 2 thế kỷ, chứng kiến bao nhiêu cuộc bể dâu, thăng trầm của lịch sử, đã hiến cho Tổ quốc người chồng và 6 người con do mình rứt ruột sinh ra. Bây giờ đã hoàng hôn cuộc đời mà sao má vẫn rạng rỡ như ánh bình minh.

Ông Ba Phong (áo đen, đứng) và những người trong gia đình ông đang chúc tết và mừng thọ má Hai

Hôm mồng 5 Tết Bính Thân, má ngồi trên chiếc xe lăn ở trong nhà nhìn ra khoảng sân vườn rực ánh nắng với những cành mai vàng còn sót từng chùm búp nở dần như muốn níu giữ những buổi đầu xuân ấm áp. Má luôn miệng cười với thần thái tươi thắm như tuổi xuân.

Từ ngoài sân, từng đoàn tay ôm bó hoa hoặc quà tết bước vào thềm nhà. Đi đầu là ông ba Phong mà má coi như con trai cả trong gia đình, cùng với vợ và các con trai, con gái, con dâu, con rể… đến mừng tuổi và chúc thọ má.

Rồi đoàn của lãnh đạo huyện Bến Lức và đoàn của lãnh đạo xã Thạnh Hòa,… Tuy đông đủ vậy, song má Hai vẫn cảm thấy thiếu vì những cán bộ kháng chiến đã từng được má cưu mang, chở che, nuôi giấu khi họ hoạt động bí mật suốt thời kỳ chống Mỹ, nay có người đã qua đời, có người tuổi cao sức yếu đi lại khó khăn,…

Cứ vậy mà má mỉm cười đón nhận từng khuôn mặt thân thương, hết mực yêu kính má với những câu chào hỏi, vấn an, chúc mừng năm mới; chúc má đại thọ,…

Số phận đã run rủi ông ba Phong kết thân với con trai má - anh Nguyễn Văn Ty (Ba Ty) từ trong chiến khu Đồng Tháp Mười. 2 người thậm chí như hình với bóng qua các nẻo bưng biền kháng chiến cùng chung chiến hào.

“Hễ má gởi vô “cứ” cho Ba Ty cái gì là má cũng gởi cho tôi cái ấy; cho Ba Ty bao nhiêu tiền má cũng dúi cho tôi bấy nhiêu tiền như vậy, má luôn chia đều cho 2 đứa chứ không phân biệt gì hết”, ông Ba Phong tâm sự.

Ông nhớ lại, ngày ấy, từ căn cứ ông dò dẫm đi trong đêm tối mịt mùng xuyên qua từng vạt rừng tràm, từng trảng cỏ, bàu sen ngập nước, lần đến ấp chiến lược rồi lách mình chui qua từng vòng kẽm gai nhọn sắc để lọt vào bên trong ấp mà đến nhà má Hai. Ba Phong kể cho má Hai nghe về sự hy sinh rất dũng cảm của Ba Ty trên chiếc xuồng chèo vào Rạch Mương.

Dưới ánh đèn dầu leo lét, anh thấy 2 hàng nước mắt má Hai lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ đầy nét chịu đựng. Cố nuốt nước mắt vào lòng, má xúc động nói như thều thào vừa đủ cho anh nghe (vì bọn địch luôn rình rập, không thể nói lớn tiếng được): “Thằng Ba Ty hy sinh… thì từ bữa nay mày thay thế nó làm con của má nghen Ba Phong!”.

Nghe má nói, trái tim anh như thắt lại. Thương má Hai quá! Lâu nay, anh chỉ gọi bác Hai. Từ giờ phút này anh gọi má Hai là má. Tiếng má sao mà thiêng liêng đến vậy! Bất giác anh ôm lấy đôi vai gầy của người mẹ tuy không đẻ ra anh nhưng anh rất kính yêu vì đó là mẹ của người bạn chí cốt đã từng vào sinh ra tử với anh bao nhiêu năm nay. Bà mẹ dành cả tấm lòng đau đáu yêu thương bạn của con như chính con mình.

Và từ giây phút thiêng liêng đó, anh tự đặt mình vào vị trí Ba Ty với tâm nguyện phải sống xứng đáng là con má Hai - thuộc gia đình má Hai. Từ khoảnh khắc ấy anh chợt nhớ hình ảnh bạn Ba Ty - đang độ tuổi 20 - đã ngã xuống chiến trường khi trong tay còn ôm khẩu AK, trước trận Mậu Thân 1968 chỉ ít lâu.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông Ba Phong (Phạm Thanh Phong, nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An), mặc dù bận rộn trọng trách ở địa phương hay ở Trung ương, ông vẫn giữ nguyên vẹn tình cảm và bổn phận với gia đình má Hai. Mọi người trong gia đình má vẫn coi ông như người con của má Hai. Ông luôn tranh thủ thời gian để lui tới thăm nom má.

Hằng năm, nhà má có giỗ là ông đưa vợ con về dự, đặc biệt, vào Tết Nguyên đán, cứ đúng sáng mồng 5, cả gia đình ông lại cùng đi với tư cách là con cháu trong gia đình má Hai.

Má Hai vẫn cố cư trên phần đất máu, mồ hôi bao chục năm trong chiến tranh với mái nhà thay đổi liên tục: Địch đốt đi, má dựng lại, và cứ thế má cất nhà không biết bao nhiêu lần, cho mãi sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, nhà mới thật là nhà, một ngôi nhà ngói tươm tất, tuy có vẻ cổ kính nhưng vững chãi, khang trang, có chỗ thờ cúng chồng và 6 người con liệt sĩ của má một cách đàng hoàng. Những tấm bằng liệt sĩ và huân, huy chương treo khắp các bức tường nhà trên cùng với những bức trướng, tấm thiếp mừng thọ…

Và, với tôi, má Hai - Mẹ Việt Nam Anh hùng - Nguyễn Thị Vĩnh - đại thọ 105 tuổi trời vẫn xanh tươi như cây mùa xuân!./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết