Tiếng Việt | English

09/10/2019 - 19:55

Mộc Hóa: Ấp 7, xã Tân Lập 'khát' điện, nước và cầu qua kênh 79

Mặc dù nằm cặp 2 tuyến đường thủy - bộ khá lớn là ĐT 819 và kênh 79, thế nhưng, phần lớn người dân ấp 7, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (phía bờ nam kênh 79) lại không có điện và nước hợp vệ sinh để sử dụng. Ngoài ra, toàn ấp hiện còn thiếu 10 cây cầu nên dù có đường đê nhưng vẫn khó khăn trong đi lại bằng đường bộ.

Bờ Nam kênh 79 "khát" điện

Nhiều hộ dân bờ Nam kênh 79 (ấp 7, xã Tân Lập) chưa có điện sinh hoạt

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 7 - Phạm Văn Đoàn bày tỏ, từ khi ĐT 819 được mở rộng, trải nhựa và một số nơi đã có cầu bắc qua kênh 79, nhân dân ấp 7 phấn khởi nhưng vẫn "chạnh lòng" vì ở ven đường mà chưa thể đi lại thuận tiện. Ngoài ra, mong ước lớn nhất là được có điện và nước hợp vệ sinh để sử dụng vì gắn liền với sinh hoạt và sức khỏe người dân.

Người dân sử dụng điện tổ, kéo dây điện ngang kênh 79 khá nguy hiểm

Toàn ấp hiện có 242 hộ dân, sống trải dài trên diện tích hơn 1.000ha. Theo Trưởng ấp, hiện 61 hộ hoàn toàn không có điện sinh hoạt. Số hộ còn lại hầu hết dùng bình điện ắc quy, một số hộ phía bờ Bắc kênh 79 thì dùng nhờ điện tổ của các ấp khác, hiện chỉ có 2 hộ sử dụng pin mặt trời nhưng chỉ thắp sáng ban đêm nếu ngày hôm đó trời nắng, còn nếu trời mưa thì không có điện.

Người dân phải mua tấm pin điện mặt trời để sử dụng

Anh Lê Trung Hậu, nhà ở bờ Bắc kênh 79, gần cầu Cả Bát, dùng điện tổ nhờ nhà bên cạnh, chia sẻ: “Dù có điện nhưng dùng điện tổ vừa phải trả tiền cao, vừa bất tiện vì điện rất yếu. Buổi tối, các con tôi học hành rất vất vả vì thiếu ánh sáng, có hôm nấu cơm không chín, tủ lạnh không dùng được".

Trưởng ấp 7 - Phạm Văn Đoàn bày tỏ: “Người dân ấp 7 chúng tôi rất mong có điện để phát triển sản xuất, thuận lợi trong sinh hoạt, nhất là chuyện học hành của các cháu nhỏ. Hiện nay, nhiều hộ tự kéo điện qua kênh 79 khá nguy hiểm vì tàu, ghe, xà lan qua lại rất nhiều”.

Chưa có nước hợp vệ sinh

Trên địa bàn tỉnh, xã Tân Lập của huyện Mộc Hóa là 1 trong 2 xã khi thăm dò địa chất khoan giếng không có mạch nước ngọt. Do đó, việc cấp nước hợp vệ sinh cho nhân dân trong xã chủ yếu là nhờ sự viện trợ từ các địa phương lân cận.

Theo UBND xã Tân Lập, hiện ấp 1, 2, 3, 4, 5, 6 đã có nước hợp vệ sinh sử dụng, riêng ấp 7 cách trở bởi kênh 79, diện tích rộng lớn mà nhà dân thưa thớt nên việc cấp nước rất khó khăn, nhiều nơi hầu như chưa thể cấp nước..

Người dân ấp 7 vẫn dùng nước kênh 79 để rửa chén

Hiện nay, đa số nhân dân ấp 7 xây hồ chứa nước mưa để ăn uống, dùng lu lắng nước kênh 79 cho sinh hoạt, tắm rửa.

Chị Phạm Thị Bé Hai, sống cặp kênh 79, chia sẻ: “Người dân chúng tôi đa số sử dụng nước kênh 79 cho sinh hoạt và thậm chí ăn uống. Nước kênh ngày càng ô nhiễm, gần đây, gia đình tôi thường xuyên bị ngứa sau khi tắm. Vào mùa nước cạn thì tình hình càng nghiêm trọng hơn khi người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xả thải nước nuôi cá tra, vứt xác động vật chết xuống kênh làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước".

Ngoài gia đình chị Bé Hai, nhiều hộ dân khác sử dụng nước kênh 79 cũng phản ánh tình trạng tương tự.

Nước lắng trong lu đục ngầu

Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Lê Văn Phân thông tin: “Gần như toàn bộ người dân ấp 7 vẫn chưa được cung cấp nước hợp vệ sinh. Ngoài việc tăng cường vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư cung cấp dụng cụ chứa nước hợp vệ sinh, UBND xã khuyến cáo người dân lắng nước trước khi sử dụng, tăng cường vận động nhân dân vay vốn, chương trình hỗ trợ vay vốn để xây dựng hồ chứa nước bảo đảm vệ sinh”.

Ông cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh, rất mong nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ người dân ấp 7 các loại hóa chất, dụng cụ lọc nước, bể chứa nước mưa để người dân tạm sử dụng nước kênh 79 hợp vệ sinh hơn.

Ước mơ có cầu qua kênh 79

Ngoài những vấn đề trên, người dân còn mong ước có cây cầu qua kênh 79. 

Anh Bùi Phước Tần (ngụ ấp 7) chia sẻ, hiện nay, con út của anh đang học lớp 7, địa điểm học ở ấp 3 - QL62 cách nhà gần 10km, hai vợ chồng anh không có ruộng phải đi làm thuê mà việc đưa rước con chiếm phần lớn thời gian đi làm. Tuy nhiên, anh quyết tâm không để con thất học vì đứa con đầu đã nghỉ học.

Anh Tần mong ước có cây cầu qua kênh 79 để con đi học đỡ vất vả

Ông Phạm Văn Đoàn cho biết: “Phía bờ Nam đã có đường đê, tuy nhiên, có 10 kênh nội đồng cắt ngang và chưa có cầu giao thông nông thôn nên không thể đi lại được.

Được biết, đường đê bờ nam kênh 79 chạy thẳng ra cầu 79 – QL62. Nếu được đầu tư khoảng 10 cầu giao thông nông thôn thì người dân bờ Nam kênh 79 không còn lo lắng việc đi lại. Bên cạnh đó, trước mắt, chỉ cần đầu tư 1 cầu dây văng qua kênh 79 thì cũng phần nào đáp ứng nhu cầu đi lại của trên 200 hộ dân.

Đường đê bờ Nam kênh 79 đã có nhưng cầu thì chưa

Việc đầu tư cầu dây văng qua kênh 79 có tổng giá trị khoảng 2 tỉ đồng. Hiện nay, UBND xã Tân Lập và nhân dân ấp 7 rất mong được nhà nước, nhà hảo tâm hỗ trợ đầu tư cầu, từ đó, người dân có điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phát triển kinh tế như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, sửa chữa máy móc nông nghiệp,…

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết