Tiếng Việt | English

11/02/2019 - 19:26

Những người thợ giỏi

Bằng niềm yêu nghề và tinh thần hăng say lao động, họ không chỉ được công nhận là những người thợ giỏi mà còn góp phần đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao trình độ tay nghề là mục tiêu được chị Lưu Kim Lạc đặt ra trong năm 2019

Nâng cao trình độ tay nghề là mục tiêu được chị Lưu Kim Lạc đặt ra trong năm 2019

1. Chúng tôi gặp chị Lưu Kim Lạc, ngụ xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trong những ngày đầu xuân khi vợ chồng chị tất bật với những đơn hàng. Nở nụ cười thật tươi, chị chia sẻ về chặng đường gian khó để theo đuổi đam mê và trở thành nữ thợ giỏi trong lĩnh vực vẽ mỹ thuật trên tượng gỗ.

Chị Lạc không phải là họa sĩ chuyên nghiệp, cũng không được đào tạo bài bản, song với niềm đam mê nghệ thuật và được sự động viên, hỗ trợ từ chồng - nghệ nhân Võ Văn Út, ước mơ "thổi hồn" vào những vật vô tri của chị trở thành hiện thực.

Chị kể, thuở nhỏ, gia đình đông anh em, ba mẹ làm ruộng nên hoàn cảnh khó khăn. Chị lập gia đình khi còn khá trẻ. Ngày ấy, với đồng lương công nhân ít ỏi của chị cùng với điêu khắc tượng Phật của chồng không đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình. Trong một lần tình cờ theo chồng giao tượng tại một ngôi chùa thuộc TP.HCM, chị nảy sinh ý định học nghề.

Thấy vợ có năng khiếu về mỹ thuật, từ công việc của mình, anh Út hỗ trợ chị. Sau thời gian chăm lo gia đình, hàng đêm, chị đọc sách, tra cứu thêm tài liệu trên mạng để bổ sung kiến thức và thực hành tại cơ sở của gia đình. Gần 10 năm qua, chị đồng hành cùng chồng trong những lần tham gia hội chợ, triển lãm hoặc các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Lần nào cũng vậy, vợ chồng đều có những sản phẩm độc đáo để tham dự cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ do tỉnh Đồng Nai tổ chức và liên tục đoạt giải.

Theo chị, khó nhất của thợ vẽ mỹ thuật trên tượng gỗ là việc pha màu. Vì vậy, người thợ vẽ cần tỉ mỉ, nắn nót tạo màu làm sao cho mặt Phật được trang nghiêm, áo Phật mặc không được sặc sỡ nhưng nhìn tổng thể phải hài hòa, tạo thiện cảm với khách hàng. Không chỉ vẽ tượng Phật, chị Lạc còn vẽ chân dung, trang trí phong cảnh, nắn hoa đất sét Nhật Bản,... Hiện tại, buổi tối, chị dành thời gian theo học để nâng cao trình độ tay nghề, chuẩn bị đi tham gia lớp tập huấn tại Cộng hòa Liên bang Đức,...

2. Tuổi trẻ nên nhiệt huyết và hăng say trong lao động. Đó là suy nghĩ của anh Trương Văn Hối - nhân viên Điện lực Tân Thạnh.

Xuất thân là công nhân ngành điện nhưng với niềm đam mê trong công việc và tinh thần thi đua sáng tạo, anh Hối có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phải kể đến sáng kiến “Tó chỉnh trụ nghiêng trung hạ thế’’, được Hội đồng sáng kiến Tổng Công ty Điện lực miền Nam công nhận mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác. Không chỉ là người thợ giỏi, anh Hối luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, không ngừng học tập và nâng cao trình độ, nhất là trong lĩnh vực công tác. Anh luôn tìm tòi, học hỏi, tiếp thu những ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, anh còn tuyên truyền, vận động nhân viên trong tổ sản xuất điện và các đoàn thể tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, chấp hành các quy trình, quy định, góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch hàng năm.

Anh Trương Văn Hối luôn có nhiều cố gắng, sáng kiến trong công việc

Anh Trương Văn Hối luôn có nhiều cố gắng, sáng kiến trong công việc

Xuất thân từ vùng quê Hậu Thạnh Tây, huyện Tân Thạnh, anh hiểu được những nhọc nhằn của người dân nơi đây nên bản thân cố gắng học tập, làm việc để chăm lo gia đình và đóng góp cho địa phương. Năm qua, anh cùng đoàn viên, thanh niên tham gia thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact cho các hộ nghèo, các hộ sử dụng điện dưới 50kWh và tham gia phát triển khách hàng.

Anh nói: “Bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa để mang lại hiệu quả, chất lượng trong công tác, góp phần cùng ngành điện cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng...”./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết