Tiếng Việt | English

09/05/2017 - 09:30

Tai nạn lao động - Hệ lụy đau lòng...

Từ lâu, tai nạn lao động (TNLĐ) trở thành nỗi sợ hãi đối với người lao động và cả những đơn vị sử dụng lao động. Hệ lụy từ TNLĐ không chỉ là vấn đề thất nghiệp mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe và thậm chí cướp đi tính mạng của người lao động.


Người lao động làm việc tại Công ty TNHH Lavie được trang bị kiến thức và các dụng cụ bảo hộ lao động. Ảnh: Lê Ngọc

Lợi ích và quyền lợi của người lao động cần được bảo đảm

Năm 2016, toàn tỉnh Long An xảy ra 275 vụ TNLĐ, trong đó có 9 vụ gây chết 10 người và bị thương nặng 11 người. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 3 người chết và 38 người bị thương do TNLĐ. Tuy nhiên, những con số này vẫn còn “khiêm tốn” so với tình hình thực tế.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 16/28 khu công nghiệp, 14/32 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 293.000 lao động trong và ngoài tỉnh làm việc. Trong đó, đa số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp lớn đều chấp hành đúng các quy định về Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Song, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn vi phạm Luật ATVSLĐ, đồng thời còn tự giải quyết với người bị TNLĐ khi có TNLĐ xảy ra. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích và quyền lợi của người lao động, bởi đa số việc bồi thường, trợ cấp của các doanh nghiệp cho nạn nhân và thân nhân không đúng quy định của Nhà nước mà chủ yếu theo cảm tính”.

Ông Nguyễn Lê Hùng (ở phường 4, TP.Tân An) từng có mơ ước xây được căn nhà khang trang, sạch đẹp để thoát khỏi cảnh sống nhà trọ. Tuy nhiên, mơ ước ấy chưa thực hiện được thì ông lại trở thành gánh nặng của gia đình.

Ông Hùng tâm sự: “Cách đây 1 năm, tôi làm việc cho một gara sửa xe ôtô. Trong lúc làm việc, một chiếc xe ôtô trên cao rơi xuống, tôi may mắn tránh kịp nên còn sống nhưng tai nạn lần đó làm tôi mất một cánh tay. Lúc mới tỉnh dậy, tôi muốn chết đi để khỏi làm khổ vợ, con. Tôi cảm thấy rất hối hận vì một phút bất cẩn để tai nạn xảy ra, và tôi cũng thiếu kiên quyết trong việc đề nghị doanh nghiệp đóng bảo hiểm tai nạn. Do đó, tôi chỉ được doanh nghiệp hỗ trợ một số tiền đủ để trang trải cuộc sống trong vài tháng. Giờ đây, tôi chỉ có thể làm những việc lặt vặt trong nhà chứ không còn khả năng lo cho kinh tế gia đình”.


Sau lần bị tai nạn lao động, anh Trần Minh Trung trở thành gánh nặng cho gia đình

Nước mắt và những nỗi đau

Điều đáng nói là TNLĐ thường cướp đi tính mạng hoặc ít nhất là giảm khả năng lao động của những người từng là trụ cột trong gia đình, từ đó, dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, thu nhập giảm sút và có thể rơi vào tình trạng nghèo “bền vững”. Bên cạnh đó, các đơn vị sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp có người bị TNLĐ cũng phải chịu trách nhiệm đối với các chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLĐ, chưa kể đến việc uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả,... Tuy nhiên, thiệt thòi phần lớn vẫn rơi vào người lao động, nhất là lao động không được ký hợp đồng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, ở ấp Tân Phước, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc (vợ ông Cao Thành Mai, nạn nhân trong vụ tai nạn chết người) tâm sự: “Trước đây, chồng tôi là trụ cột trong gia đình, tôi chỉ ở nhà lo việc nội trợ và chăm sóc các con. Gần 1 năm trước, chồng tôi làm công nhân xây dựng nhà xưởng Công ty TNHH Shanghi (ở xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc) bị tường sập đè làm giập lá lách, giập thận, gãy 2 tay, 2 chân và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau 3 ngày nằm viện, chồng tôi qua đời. Sau đó, công ty hỗ trợ gia đình chi phí mai táng và 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Từ khi chồng qua đời, tôi một mình lo cho 2 đứa con đi học. Cuộc sống nhiều lúc khó khăn quá, muốn chết theo chồng nhưng nghĩ đến các con, tôi cố vượt qua”.

TNLĐ cũng khiến cho cuộc sống anh Trần Minh Trung, sinh năm 1983 (ở xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) gặp rất nhiều khó khăn. Chuyện xảy ra cách đây 9 năm - khi anh Trung đang là thợ bảo trì điện máy, làm việc tại một công ty chế tác gỗ gia dụng tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Vào một ngày tháng 08/2008, trong lúc làm việc, anh Trung phải chui vào trong máy đánh bông gòn để sửa chữa. Người đồng nghiệp đứng phía ngoài sơ suất bỏ đi, khiến anh bị điện giật với cường độ cao.

Từ một người lành lặn và là trụ cột của gia đình, bỗng chốc anh trở thành người mất sức lao động và gánh chịu nỗi đau vĩnh viễn: Liệt nửa người cùng rất nhiều tổn thương ở các cơ quan nội tạng. Sau hơn 1 tháng chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, anh Trung phải trải qua nhiều đợt phẫu thuật và luôn trong trạng thái bất tỉnh. Công ty chi trả toàn bộ viện phí và bồi thường cho anh 70 triệu đồng, với mong muốn anh và gia đình không thưa kiện đến các cấp chính quyền.

Buồn hơn, sau thời gian anh gặp nạn, vì cuộc sống quá khó khăn nên vợ anh bỏ đi, anh về sống với cha mẹ và được gia đình em gái - chị Trần Thị Kim Bình chăm sóc đến nay. Mặc dù, anh Trung được nhận trợ cấp xã hội với khoản tiền 3 triệu đồng mỗi tháng nhưng do nằm quá lâu nên cơ thể anh phát sinh nhiều biến chứng, từ đó, chi phí khám, chữa bệnh ngày một đè nặng lên gia đình người em gái, cuộc sống ngày càng túng thiếu. Anh cho biết, trong 3 năm làm việc tại công ty, anh và các nhân viên ít khi được trang bị kiến thức và kỹ năng về ATVSLĐ mà chỉ được tham gia các lớp huấn luyện kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cơ bản.


Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người lao động và uy tín, sự phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp

Hưởng ứng Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động

Năm 2017 là năm đầu tiên cả nước chuyển từ Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ sang Tháng hành động về ATVSLĐ. Đây được xem là tháng cao điểm để các cấp, các ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác ATVSLĐ. Vì vậy, để hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết: “Với mục tiêu thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời có sự phối hợp tích cực giữa các sở, ban, ngành địa phương trong việc tổ chức các hoạt động cao điểm trong Tháng hành động ATVSLĐ: Tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động nhằm nâng cao chất lượng ATVSLĐ; tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với ngành, nghề có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tổ chức thăm hỏi, động viên những cá nhân bị TNLĐ,... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người lao động về ATVSLĐ”.

Một trong những doanh nghiệp làm tốt công tác ATVSLĐ thời gian qua là Công ty TNHH Lavie (phường Khánh Hậu, TP.Tân An). Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lavie - Đỗ Hữu Hào nói: “Hàng năm, công ty tổ chức ít nhất 2 lần diễn tập phòng cháy, chữa cháy; hàng tuần, tổ chức lấy ý kiến người lao động về những khó khăn trong quá trình làm việc; đối với những người lao động mới vào làm việc đều được công ty tổ chức tập huấn về ATVSLĐ và trang bị các dụng cụ bảo hộ,...”.

Hy vọng với sự chung sức, chung lòng của các cấp, các ngành, nhất là hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ thì TNLĐ sẽ được hạn chế. Bởi TNLĐ gây ra nhiều hệ lụy, đó có thể là thương tật hay những hình ảnh mẹ mất con, vợ mất chồng, con thơ không còn chỗ dựa chỉ vì một phút chủ quan, bất cẩn, lơ là của chủ doanh nghiệp và người lao động./.

Lê Ngọc - Bích Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích