Tiếng Việt | English

28/07/2017 - 10:08

Tấm lòng người ở lại

Họ là những cựu chiến binh sau khi trở về với cuộc sống đời thường mang trên mình nhiều thương tật. Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, những người lính năm xưa không chỉ ra sức phát triển kinh tế mà còn sáng ngời tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội.

Mình thương thì mình làm!

Nằm lọt thỏm trong cánh đồng ruộng mênh mông tại ấp 4, xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, căn nhà nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, thương binh 1/4 khá yên tĩnh. Ông Thắng năm nay bước sang tuổi 65, dáng người gầy, nước da đen sạm, gương mặt khắc khổ đậm chất nông dân. Vừa tự tay chăm chút cho những cây ăn trái quanh nhà, ông kể tôi nghe về chuyện đời mình. Trò chuyện với ông một lúc, tôi phát hiện một bên mắt của ông không còn nguyên vẹn. Ông cười nói: “Một bên mắt đó bị trúng đạn trong lúc đánh trận khi tôi mới mười mấy tuổi. Nhưng tôi còn lại một con mắt, vẫn đánh địch như thường!”.

Ông Nguyễn Văn Thắng trên tuyến đường do mình vận động mở rộng

Ông Thắng quê ở tận huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1963, khi mới 11 tuổi, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ tại Tiểu đoàn 516A, địa bàn hoạt động chủ yếu tại tỉnh Bến Tre. Gần 10 năm tham gia chiến trường với vai trò Đội trưởng Trinh sát, ông Thắng từng “chết hụt” mấy lần. Chiến tranh kết thúc, người lính ấy trở về quê với thân hình không còn lành lặn. Và mỗi lần nghĩ về những đồng đội hy sinh còn nằm lại nơi bưng biền làm lòng ông đau nhói. Từ trăn trở đó, ông liên hệ nhiều người bạn thời kháng chiến tìm kiếm hài cốt đồng đội đưa về nghĩa trang hoặc quê nhà để an táng. Ông chia sẻ, việc tìm kiếm khá nhiêu khê bởi chiến trường năm xưa nay trở thành những khu vườn cây trái xum xuê hoặc những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát; sơ đồ chôn cất đồng đội năm xưa giờ thay đổi theo quy luật phát triển và không còn hiện trạng cũ. Hành trình 17 năm vất vả (từ năm 1976 đến 1993), ông cùng đồng đội tìm kiếm được 12 hài cốt liệt sĩ.

Sau đó, vì cuộc sống quê nhà quá khó khăn nên ông cùng vợ và người con trai đến lập nghiệp tại huyện Thạnh Hóa. Hơn 20 năm ở xứ người, ông Thắng cùng gia đình xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Vượt qua bao khó nhọc, thiếu thốn, người thương binh năm nào giờ đây xây dựng được cuộc sống ổn định. Từ việc tham gia cánh đồng lớn, năng suất lúa của gia đình tăng cùng với nuôi cá lóc và gia cầm, ông mua được 3ha đất. Nhiều năm liền, ông đạt danh hiệu Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi.

Người dân nơi đây không chỉ khâm phục ông Thắng ở tinh thần cầu tiến mà còn ở tấm lòng của ông đối với những hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, đơn chiếc. Đó là việc ông từng đi khuân vác vật liệu xây dựng hỗ trợ một gia đình chính sách được xây tặng nhà tình nghĩa từ nhiều năm trước. Hay đó còn là việc ông vận động hội viên Cựu chiến binh và người dân trong ấp chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước, đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Ông còn hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình thương và 2 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa cầu nông thôn với kinh phí 180 triệu đồng. Ngoài ra, khi nhìn thấy giao thông còn trắc trở, ông vận động xây mới cầu, rải đá xanh làm đường, xây dựng 1 cống hở phục vụ sản xuất nông nghiệp với kinh phí 350 triệu đồng.

Chia sẻ về những việc mình làm, ông nói: “Mình thương mọi người, nhất là những hộ gia đình chính sách thì mình làm thôi! Tôi xem những việc làm đó như là đền đáp một phần công ơn của những gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc chiến”.

Ấm tình đồng đội

Thương binh Hồ Quốc Minh, bước sang tuổi 70, hiện ngụ khu phố Rọc Chanh A, thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, được mọi người biết đến như một tấm gương sáng, chí nghĩa, chí tình cùng đồng đội và giàu lòng nhân ái.

19 tuổi, ông lên đường tòng quân và nằm trong Đội Phẫu thuật quân y D504. Đơn vị của ông từng có thời gian hoạt động tại nước bạn Campuchia. Chính nơi đây xe duyên ông với vợ mình là bà Võ Thị Nữ, cũng là người có công với cách mạng. Sau giải phóng, ông về công tác tại xã Vĩnh Đại, sau đó làm cán bộ Hội Nông dân huyện và Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tân Hưng đến khi về hưu năm 2008.

Giống như nhiều cựu chiến binh khác, lúc mới ra quân, ông Minh cũng gặp không ít khó khăn. Ngoài việc được Nhà nước cấp 2ha đất lúa, vào mùa nước nổi, vợ chồng ông giăng câu, giăng lưới, đặt lọp bắt cá, nuôi dạy 4 người con. Nhờ vợ chồng đồng thuận và chịu khó làm ăn, đến nay, gia đình ông có một cơ ngơi mà nhiều người mơ ước. 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học, trong đó có người học sau đại học. Hiện, 3 người con trai của ông đảm đương những chức vụ quan trọng tại huyện Tân Hưng, người con gái thứ hai là bác sĩ chuyên khoa I, công tác tại TP.HCM.

Vợ chồng ông Hồ Quốc Minh (bìa phải) trò chuyện cùng đồng đội và Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Hưng - Võ Hồng Thái (chính giữa)

Đâu chỉ chăm lo gia đình mà ông còn nặng lòng, đau đáu khi nhớ về những đồng đội năm xưa vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Campuchia. Từ năm 1999 đến nay, ông 5 lần cùng Đội K73 Long An sang nước bạn quy tập hài cốt liệt sĩ. “Ngày xưa, tôi cùng các đồng chí vào sinh ra tử. Có người bị trúng đạn nhưng thuốc men ít nên mất máu phải hy sinh. Có người hy sinh khi tuổi đời còn khá trẻ. Tôi đảm nhận cứu thương cho đơn vị nhưng đành bất lực... Tự tay tôi chôn cất các đồng chí ấy nên sau ngày hòa bình, dù vạn vật thay đổi nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tìm cho bằng được hài cốt đồng đội. Trong nhiều năm liền quy tập hài cốt cùng Đội K73, tôi tìm kiếm được 23 hài cốt liệt sĩ của đơn vị cũ đưa về các nghĩa trang và gia đình mai táng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, dù được hỗ trợ rất lớn từ người dân nước bạn nhưng do cảnh vật thay đổi nên các đồng chí ấy vẫn còn nằm lại ở xứ người,... Đây là điều khiến tôi ray rứt nhất” - ông bùi ngùi nói.

Nhận thấy mình là người may mắn khi còn sống sót sau chiến tranh nên ông nghĩ, mình phải có trách nhiệm chia sẻ những mất mát với những gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc chiến. Chính điều này hun đúc ông làm nhiều việc ý nghĩa với những gia đình có công với nước. Năm 2013, ông hiến 1.000m2 đất thổ cư trị giá 100 triệu đồng để địa phương xây dựng nhà tình nghĩa cho bà Hồ Thị Sương, là vợ liệt sĩ ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại. 3 năm liền, ông trích tiền trợ cấp thương binh được 45 triệu đồng sửa chữa nhà tình nghĩa cho 2 gia đình chính sách; nhân các ngày lễ, tết, gia đình ông tặng quà cho những người có công, hộ nghèo. Không những vậy, hàng năm, gia đình ông giúp đỡ từ 5-7 gia đình chính sách, hộ nghèo khi cần vốn làm ăn hoặc khó khăn, bệnh tật,...

Những việc làm của những người lính Cụ Hồ nêu trên góp phần cùng địa phương chăm lo các gia đình chính sách. Họ xứng đáng được xã hội ghi nhận và biểu dương./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết