Tiếng Việt | English

09/01/2018 - 14:23

Tân Trụ đất lúa màu mỡ vẫn bị bỏ hoang

Đường nước đang phục vụ tưới, tiêu cho đất lúa mấy chục năm qua bỗng dưng bị một hộ dân lấp lại. Từ đó, 5ha đất lúa màu mỡ ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ bị bỏ hoang rất lãng phí, mùa khô đất nứt nẻ, mùa mưa cỏ tràn ngập. Báo Long An phản ánh vụ việc này ngay từ vụ lúa bị bỏ hoang đầu tiên nhưng đến nay, vẫn chưa thể sản xuất lại, thời gian bỏ hoang tăng lên - hơn 2,5 năm.

Kỳ 1: Đất lúa phải bỏ hoang, 9 hộ dân liên tiếp đi kiện

Ngày 02/5/2015, ông Lê Văn Bồi lấp đường mương dẫn nước dài khoảng 100m, ngang hơn 2m nối từ cánh đồng lúa ở ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh đến rạch Xã Vịt. Việc này dẫn đến 5ha đất lúa của 9 hộ dân (hàng xóm, láng giềng với ông Bồi) ở xã Quê Mỹ Thạnh phải bỏ hoang vì không còn đường nước tưới, tiêu.

Ruộng bỏ hoang khá lâu nên mặt đất bị khô, nứt nẻ vào mùa nắng

Tòa án tỉnh bác yêu cầu khôi phục đường nước lộ thiên

Ngay khi đường nước bị lấp, 9 hộ dân gồm: Nguyễn Thị Năng, Phạm Thị Tư, Nguyễn Văn Liền, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bương, Đồng Văn Mừng, Bùi Trí Dẩu, Bùi Trí Toàn, Bùi Trí Tuyến gửi đơn “cầu cứu” đến chính quyền địa phương nhờ giải quyết. Khi đó, chính quyền địa phương thông tin với người dân, phần đất thuộc đường nước trên được UBND huyện Tân Trụ cấp cho ông Lê Văn Bồi từ năm 1990 (khi đó giấy tạm), đến năm 1996 cấp giấy đỏ và đến 2010 cấp đổi lại. Diện tích đất đường nước nằm trong các thửa đất số: 215, 243, 645 đứng tên ông Bồi.

Bị lấp đường nước phục vụ sản xuất lúa từ xưa đến nay, các hộ dân làm đơn khởi kiện ông Bồi ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Tân Trụ. Theo Bản án dân sự sơ thẩm số 30, ngày 25/9/2015 về tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại tài sản của TAND huyện Tân Trụ (chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Trọng Nhân), 9 hộ dân được quyền khôi phục lại đường thoát nước lộ thiên có kích thước rộng 1,2m, sâu 1,2m.

Tuy nhiên, bản án này chẳng khác nào buộc các hộ dân mua đất khi đưa ra kết luận, đất đường nước được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cho ông Bồi từ năm 1996 và cấp đổi năm 2010 nên 9 hộ dân phải liên đới đền bù cho ông Bồi số tiền 8.875.000 đồng (tương đương giá trị QSDĐ phần mở lại đường thoát nước).

Các hộ dân không đồng tình, còn phía ông Bồi cho rằng, ông được cấp giấy CNQSDĐ đối với diện tích đất đường nước trên nên lấp lại để bảo đảm an toàn và không mất vệ sinh là hoàn toàn đúng (đường nước nằm gần nhà ở). Theo đó, ông Bồi không đồng ý cho các hộ khôi phục lại đường nước lộ thiên như ban đầu. Ông Bồi kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND huyện Tân Trụ.

Ngày 11/12/2015, TAND tỉnh đưa vụ việc ra xét xử (chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Trần Văn Quán) và ra Bản án dân sự phúc thẩm số 379 về tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại về tài sản. Bản án nêu, tòa án sơ thẩm buộc ông Bồi cho các hộ dân mở đường thoát nước lộ thiên là không phù hợp thực tế vì diện tích đất đường nước được UBND huyện cấp giấy CNQSDĐ từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại. Theo đó, bản án phúc thẩm chỉnh sửa một phần bản án sơ thẩm khi quyết định, 9 hộ dân không được mở đường nước lộ thiên mà phải đặt ống ngầm dưới mặt đất (đường nước cũ ông Bồi lấp lại).

Ngoài chỉnh sửa trên, bản án phúc thẩm cũng giống sơ thẩm khi không chấp nhận yêu cầu của 9 hộ dân về việc hủy các giấy tờ CNQSDĐ mà UBND huyện Tân Trụ cấp cho ông Bồi đối với phần đất có đường thoát nước; không chấp nhận yêu cầu của các hộ dân về việc đòi ông Bồi bồi thường thiệt hại. Theo bản án này, ông Bồi cũng đồng ý sẽ hỗ trợ chi phí 7,5 triệu đồng cho các hộ dân lắp đặt đường ống ngầm dẫn nước.

Mừng hụt!

9 hộ dân không đồng tình với bản án của TAND tỉnh nên làm đơn giám đốc thẩm. Ngày 25/5/2017, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao (Văn phòng đại diện tại TP.HCM) có Quyết định số 68 kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh về vụ việc Tranh chấp đường thoát nước và bồi thường thiệt hại về tài sản giữa 9 nguyên đơn và bị đơn là ông Bồi.

Quyết định nêu: Đường nước này tồn tại từ trước năm 1975, ông Bồi tiến hành lấp đường nước không được sự đồng ý của các nguyên đơn, gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất lúa của các nguyên đơn; trong khi đó, việc cấp giấy CNQSDĐ cho ông Bồi là không đúng với thực tế sử dụng đất. VKSND Tối cao đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh Long An và Bản án dân sự sơ thẩm số 30, ngày 25/9/2015 của TAND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Giao hồ sơ cho TAND huyện Tân Trụ xét xử lại theo quy định pháp luật. Quyết định này cũng nêu rõ: “Tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm nêu trên của TAND tỉnh Long An cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm”.

Quyết định này làm 9 hộ dân vô cùng vui mừng, phấn khởi và chờ đợi. Tuy nhiên, niềm vui, kỳ vọng chẳng được bao lâu thì ngày 19/9/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành giám đốc thẩm và có Quyết định số 185 “không chấp nhận kháng nghị Giám đốc thẩm số 68, ngày 25/5/2017 của VKSND Cấp cao tại TP.HCM”.

Theo đó, TAND cấp cao giữ nguyên Bản án dân sự phúc thẩm số 379, ngày 11/12/2015 của TAND tỉnh Long An. Ngoài ra, tòa cũng cho rằng, TAND tỉnh Long An buộc ông Bồi phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nguyên đơn mở đường thoát nước ngầm là có căn cứ, phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Một trong những cơ sở để TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa ra quyết định này là dựa theo các văn bản, tài liệu mà UBND huyện Tân Trụ xác định: Đó không phải đường nước công cộng, đường nước thực tế nằm trong các thửa đất: 215, 243 và 645 được cấp giấy CNQSDĐ cho ông Bồi từ năm 1996 và năm 2010 cấp đổi lại. Việc này là đúng với các quy định của pháp luật về đất đai./.

Lê Đức
(còn tiếp)

Chia sẻ bài viết