Tiếng Việt | English

12/08/2020 - 16:32

Thu nhập ổn định từ nghề bó chổi

Nghề bó chổi xuất hiện ở xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An từ khá lâu. Hiện nay, theo thống kê, trên địa bàn xã có khoảng trên 30 hộ đang sinh sống bằng nghề bó chổi, tập trung chủ yếu ở các ấp: 1A, 2, 3A, 3B.

Cây chổi muốn đẹp, bền phải trải qua nhiều công đoạn

Cây chổi muốn đẹp, bền phải trải qua nhiều công đoạn

Tổ hợp tác bó chổi tại ấp 2 được thành lập từ đầu quí II-2020, có 5 thành viên. Trước khi được thành lập, các thành viên làm riêng lẻ từng hộ gia đình. Các hộ làm nghề bó chổi tại xã Hựu Thạnh chủ yếu sản xuất các loại như chổi bông cỏ và chổi từ cọng dừa. Một cây chổi muốn hoàn thành phải trải qua 5 công đoạn như buộc, bó, cán, bện và tề. Bà Huỳnh Thị Nhịn - Tổ trưởng Tổ hợp tác bó chổi, chia sẻ, chổi muốn đẹp, chắc, mỗi công đoạn đều phải có sự tỉ mẩn của người làm nghề nhưng nếu khâu bó không làm chặt thì chổi không đạt yêu cầu, mất uy tín với bạn hàng.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu để làm chổi tại xã Hựu Thạnh đa phần được mua từ Tiền Giang, Bến Tre và Hà Nội (tùy vào loại nguyên liệu). Theo bà Nhịn, một cây chổi bông cỏ bán với giá 40 ngàn đồng và chổi từ cọng dừa là 20 ngàn đồng. “Nghề làm chổi tuy “cực mà vui”. Mỗi ngày, mỗi người có thể bó được khoảng 10 cây chổi, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - chị Nguyễn Thanh Thảo, ấp 2, xã Hựu Thạnh, bộc bạch.

Nghề bó chổi “sôi động” nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán hàng năm. Đây cũng là thời điểm mang lại nguồn lợi nhuận cao nhất trong năm cho những người làm nghề. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hựu Thạnh - Lê Công Định chia sẻ, Tổ hợp tác bó chổi làm ăn hiệu quả, Hội đã hỗ trợ vốn để tổ mở rộng, tăng thu nhập và hướng tới sẽ nhân rộng thêm mô hình kinh tế hợp tác này để tạo việc làm cho tổ viên, đồng thời chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tổ viên sản xuất chổi đạt hiệu quả hơn”.

Dù hiện nay, xã Hựu Thạnh phát triển công nghiệp nhưng nghề bó chổi truyền thống vẫn giúp nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện ổn định cuộc sống./.

Nhã Phương

Chia sẻ bài viết