Tiếng Việt | English

19/10/2019 - 08:00

TP.Tân An: Chú trọng phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trong trường mẫu giáo, mầm non

Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tay - chân - miệng trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An diễn biến phức tạp. Do đó, nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh được tập trung triển khai, nhất là tại các trường mẫu giáo, mầm non.

Chú trọng hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân nhằm phòng, chống dịch bệnh

Ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Trung tâm Y tế TP.Tân An tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường mẫu giáo, mầm non trên địa bàn về việc giữ vệ sinh, phòng tránh các nguy cơ gây bệnh cho trẻ em; hướng dẫn các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, giáo viên các trường mẫu giáo, tiểu học,... kiến thức về bệnh tay - chân - miệng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Tân An cũng chỉ đạo các trường tăng cường thiết bị y tế để kiểm tra sức khỏe cho học sinh, nhất là trẻ mầm non. Các trường mầm non, tiểu học đều được phát thuốc khử trùng đầy đủ, phát tờ rơi cung cấp thông tin phòng tránh bệnh; tăng cường sự trao đổi giữa giáo viên và phụ huynh học sinh để theo dõi sát sao tình hình sức khỏe học sinh. Từ sự chủ động trên, các trường hợp trẻ bị mắc bệnh tay - chân - miệng giảm rõ rệt.

Trường Mẫu giáo Sao Mai (xã Bình Tâm) đang chăm sóc, nuôi dạy 128 trẻ. Tuy khuôn viên nhà trường còn chật hẹp nhưng các phòng học đều sạch sẽ, khang trang. Đối với đồ dùng hàng ngày của trẻ như chén, đĩa, ca uống nước, khăn mặt,... đều được đánh số, ký hiệu riêng. Trước giờ ăn, các đồ dùng này đều được tráng bằng nước sôi để tiệt trùng. Khăn mặt được giặt, phơi nắng hàng ngày. Đồ dùng học tập, đồ chơi trong từng lớp học cũng được giáo viên vệ sinh thường xuyên. Cuối tuần, các lớp tổng vệ sinh một lần.

Trước tình hình dịch tay - chân - miệng diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm học 2019 – 2020, Trường Mẫu giáo Rạng Đông (phường 5) tổ chức tập huấn cho giáo viên những kiến thức cơ bản và biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Trong đó, khâu vệ sinh cho học sinh được nhà trường chú trọng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các giáo viên trực tiếp trông trẻ phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ, khi thấy có dấu hiệu sốt và xuất hiện nốt phỏng sẽ báo ngay cho gia đình để điều trị kịp thời.

Cùng với việc bảo đảm môi trường sạch sẽ, thoáng mát để ngăn ngừa dịch bệnh, các giáo viên cũng thường xuyên phổ biến cách phòng, chống bệnh tay - chân - miệng thông qua các buổi họp phụ huynh, khi nhận và trả trẻ. Nhiều năm qua, Trường Mẫu giáo Rạng Đông đều bảo đảm sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh sự chú trọng phòng bệnh của các trường, đặc thù của dịch bệnh tay - chân -  miệng là khả năng lây lan nhanh, do đó, ở môi trường tập thể, rất cần sự quan tâm, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; tuyệt đối không được chủ quan; phải nâng cao ý thức cho người trông giữ trẻ và gia đình nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, góp phần hạn chế tình hình dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng./.

Lê Quang

Chia sẻ bài viết