Tiếng Việt | English

09/05/2022 - 11:24

Chủ động các giải pháp để sản xuất hiệu quả vụ Hè Thu 2022

Vụ lúa Hè Thu (HT) 2022, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao do giá phân bón (PB), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng. Trước tình hình này, ngành Nông nghiệp tỉnh chủ động triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo sản xuất hiệu quả.

Chi phí sản xuất tăng cao

Đang chuẩn bị các công đoạn vệ sinh đồng ruộng để gieo sạ vụ lúa HT 2022 nhưng ông Nguyễn Văn Hợp (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) không giấu được sự lo lắng, bởi giá PB vẫn tiếp tục tăng. Nếu giá lúa vụ HT sắp tới không tăng thì ông rất khó để có lợi nhuận cao. Ông Hợp cho biết, vụ Đông Xuân vừa rồi, ông canh tác 2ha lúa OM 18, năng suất đạt hơn 7,5 tấn/ha, bán với giá 5.500 đồng/kg, nhưng sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, ông chỉ có lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/ha.

“Năng suất và giá bán lúa của vụ Đông Xuân năm nay cũng tương đương năm trước nhưng do chi phí PB tăng cao nên lợi nhuận chỉ bằng 1/2 năm trước. Hiện nay, giá PB, thuốc BVTV, nhiên liệu đều tiếp tục tăng, trong khi đó giá lúa lại không tăng nên nhiều nông dân sẽ không dám đầu tư, từ đó dẫn tới năng suất lúa sẽ thấp” - ông Hợp chia sẻ.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống dưới 100kg/ha

Thời điểm này, trên các cánh đồng ở huyện Tân Hưng, nông dân đều chịu chung áp lực PB. So với tháng 3, giá PB hiện tăng từ 5-10%. Theo nhiều nông dân, 1 vụ lúa cần 3 đợt bón phân, mỗi đợt từ 100 - 150kg/ha. Với giá PB hiện nay, tiền PB cho mỗi hécta lúa tăng hơn 5 triệu đồng so với năm rồi. Để thích ứng, nhiều hộ đã tính toán tiết kiệm chi phí, chuyển sang sử dụng phân hữu cơ. Vì, mỗi bao phân hữu cơ loại 50kg chỉ có giá từ 200.000 - 250.000 đồng, vừa rẻ, vừa góp phần cải tạo đất.

Anh Phan Thanh Hưng, ngụ xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, cho biết: “Phân hữu cơ là giải pháp tối ưu để giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá PB tăng cao như hiện nay. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để nông dân tiếp cận và ứng dụng sử dụng phân hữu cơ vào sản xuất, hướng đến sản xuất lúa an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Triển khai nhiều giải pháp

Theo kế hoạch, vụ HT 2022, huyện Tân Hưng sẽ gieo sạ khoảng 35.800ha, tiến độ xuống giống hiện đạt hơn 35.500ha. Trước áp lực của giá vật tư, chi phí đầu vào ở mức cao, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch thời vụ, tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và áp dụng các quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng thông tin: Vụ HT 2022, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá PB, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu tăng mạnh. Chính vì thế, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng máy móc để giảm chi phí; tăng cường ứng dụng các loại phân hữu cơ vào sản xuất để vừa giảm chi phí, vừa cải tạo đất.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để chủ động trong sản xuất

Ông Lê Văn Đống (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) nói: “Hiện nay, nông dân được khuyến cáo nên áp dụng các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Vụ HT năm nay, gia đình tôi áp dụng sạ hàng thay vì sạ lan để giảm giống. Bên cạnh đó, quá trình bón phân, phun thuốc cho lúa cũng sẽ cân đối, chứ không dám mạnh tay như những vụ trước”.

Để vụ lúa HT 2022 thắng lợi, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, bảo đảm thời gian cách ly giữa 2 vụ (từ 15 - 20 ngày) nhằm tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa; áp dụng các biện pháp sạ thưa, sạ hàng hoặc cấy với lượng giống dưới 100kg/ha; ưu tiên biện pháp cấy để hạn chế đổ ngã và giúp lúa chống chịu tốt trong điều kiện bất lợi như mưa, bão hoặc hạn, mặn do biến đổi khí hậu; áp dụng các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... Ngoài ra, nông dân cần hạn chế phun thuốc trừ sâu, rầy đối với trà lúa dưới 40 ngày sau sạ để bảo tồn thiên địch, tránh bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau; bón phân cân đối giữa đạm - lân - kali, không bón thừa đạm, nhất là trên các trà lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, Sở đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, phòng Kinh tế thành phố, thị xã phối hợp các xã, phường, thị trấn khuyến cáo nông dân trên địa bàn xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng theo lịch khuyến cáo của địa phương để hạn chế sự gây hại của rầy nâu và lan truyền của mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Các cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân trên địa bàn tuân thủ lịch xuống giống; không thực hiện biện pháp phun ngừa khi sâu, rầy ở mật số thấp để tránh tình trạng sinh vật gây hại bộc phát trên đồng ruộng./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết