Tiếng Việt | English

03/08/2015 - 15:55

Cuộc sống ý nghĩa của người thương binh

Có một người thương binh bị mất đi ánh sáng, mang trong mình những vết thương của một thời khói lửa nhưng vẫn lan tỏa sự lạc quan, yêu đời đến những người cùng cảnh ngộ, lấy niềm vui trong công việc, yêu thương, giúp đỡ mọi người làm động lực vượt qua khó khăn. Đó là ông Trịnh Văn Đực - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Long An.

Ông Trịnh Văn Đực (người áo đen, bên phải) thường xuyên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, động viên họ vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống

Ông Trịnh Văn Đực sinh năm 1955, từng làm việc tại Công an xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. Đến tháng 12-1976, chàng trai trẻ vừa tròn 21 tuổi ấy lên đường nhập ngũ đợt nghĩa vụ quân sự đầu tiên của miền Nam sau giải phóng và được phân công về đơn vị trinh sát Tỉnh đội Long An, sau đó lên Đức Huệ trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” của chiến tranh biên giới Tây Nam.

Tròn 1 năm kể từ ngày nhập ngũ, tháng 12-1977, người chiến sĩ trẻ bị vướng lựu đạn trong khi tuần tra tại ngã 3 Tà Điều (Campuchia). Chỉ vài tháng sau, tháng 1-1978, khi đi chi viện cho chiến trường Mộc Hóa, ông lại bị hỏa lực B40 của địch phục kích bắn cháy cả 2 mắt. 

Sau lần thập tử nhất sinh ấy, ông được đưa đi chạy chữa nhưng đôi mắt đã mù lòa vĩnh viễn. Vậy là chàng trai trẻ chỉ vừa bước qua tuổi 23 đã phải sống trong bóng đêm suốt quãng đời còn lại. Thế nhưng, ông Đực không tuyệt vọng: “Tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, anh em trong tiểu đội trinh sát ngày ấy có nhiều người bị thương, có người vĩnh viễn ra đi. Tôi nhớ hoài anh tiểu đội trưởng đã có vợ và một đứa con nhỏ, một lần nhặt được chiếc thau nhôm, anh còn hồ hởi khoe sẽ đem về cho con tắm. Ấy vậy mà chưa kịp về phép thăm con, anh đã hy sinh!...” .

Năm 1980, ông về an dưỡng tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa. Đây cũng là nơi ông gặp và kết duyên cùng bà Lê Thị Nghe, khi ấy chỉ mới vừa 17 tuổi, cảm phục và thương mến người thương binh trẻ, dù không toàn vẹn nhưng luôn lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. 

Lập gia đình với 2 bàn tay trắng, 2 ông bà đã vất vả để trang trải cuộc sống, nuôi cậu con trai nhỏ nên người. Trải qua bao nhiêu năm tháng gian khổ, giờ đây, con trai ông bà đã là chiến sĩ công an nhân dân, là niềm tự hào, niềm tin, hy vọng của ông bà.

Năm 1991, ông được đi học chữ nổi rồi về công tác tại Hội Người mù huyện Châu Thành. Tháng 12-1999, ông làm Phó Chủ tịch, đến năm 2009 làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho đến giờ.

Đối với ông, Hội Người mù là ngôi nhà thứ 2, hội viên như người thân trong gia đình. Ông quan tâm đến đời sống của từng người, chăm lo, giúp đỡ, vận động mạnh thường quân hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Các hội viên được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, được học nghề, và đã có nhiều hội viên có cuộc sống khá giả, không phải phụ thuộc gia đình,...

Ông đã làm bạn cùng bóng tối 37 năm. Thế nhưng, đối với ông, lẽ đời luôn công bằng, ông bị mất đi cái này thì lại được bù đắp cái khác: một mái nhà bình yên bên vợ hiền, con thảo; có ngôi nhà thứ 2 là Hội Người mù tỉnh với những anh em thương binh đồng cảnh ngộ quý mến nhau rất chân thành.

Ông Đực tâm niệm: “Mình không còn đôi mắt nhưng cuộc đời vẫn sáng hơn rất nhiều người. Để có được sự thanh bình của đất nước như ngày hôm nay, những gì tôi trải qua không là gì so với sự hy sinh của các anh, các chú, đồng đội đã ngã xuống. Vậy nên, một khi còn khỏe, còn cống hiến được, tôi vẫn nguyện làm hết sức mình để mỗi ngày được sống phải là một ngày ý nghĩa”./.

Phạm Ngân

 

Chia sẻ bài viết