Tiếng Việt | English

03/02/2022 - 11:06

Mùng 3 tết thầy

“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” là câu nói quen thuộc đối với người dân Việt Nam mỗi độ tết đến, xuân về. Nó gợi nhắc truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè gặp gỡ, chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới.

Cô Trần Thị Kim Loan cám ơn các thế hệ học sinh luôn nhớ đến cô, và chúc các em chăm ngoan học giỏi, chúc gia đình các em được vạn sự như ý

Theo truyền thống của người Việt, hôm nay, mùng 3 tết là ngày tết thầy, thời điểm để các thế hệ học trò gửi lời chúc mừng và tri ân tới thầy cô giáo của mình. Hai tiếng “thầy cô” thiêng liêng, trân quý và mang ý nghĩa sâu sắc.

Năm nào cũng vậy, Yến Nhi, Phúc Khang cùng nhiều lứa học trò khác thường đến nhà cô Trần Thị Kim Loan – giáo viên bộ môn Tiếng Anh và hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 9/11, trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An, tỉnh Long An) để gửi trao lời chúc mừng năm mới với tất cả sự kính trọng, yêu thương, mặc dù các em không còn học cô nữa.

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn đến cô, ngoài những lời chúc sức khỏe, học trò khi đến thăm cô còn mang theo những món quà tết, là tấm lòng thơm thảo của học trò kính dâng lên thầy, cô.

Em Dương Ngọc Yến Nhi (Phường 5, TP.Tân An) chia sẻ: “Đã trở thành truyền thống, năm nào chúng em cũng đến thăm cô Loan. Chúng em cùng nhau ôn lại những câu chuyện, những kỷ niệm vui giữa thầy và trò, và chúc cô luôn vui vẻ, hạnh phúc, có nhiều sức khỏe. Đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn cô đã dạy dỗ mà còn là dịp để chúng em được gặp gỡ bạn bè, giao lưu vui vẻ ngày đầu năm”.

Đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô mà còn là dịp để học sinh được gặp gỡ, giao lưu vui vẻ ngày đầu năm.

Em Bạch Nguyễn Phúc Khang – học sinh lớp 11 SH, Trường THPT chuyên Long An cho biết: “Tụi em thường liên hệ với nhau trên mạng xã hội để cùng nhau sắp xếp thời gian đi tết mùng 3. Nhớ lại ngày trước, những ngày tụi em sắp thi tốt nghiệp, thấy tụi em mệt mỏi, cô Loan tự chuẩn bị đồ ăn để phòng trường hợp tụi em đói khi từ trường tới đây để học. Cô cũng dành khá nhiều sự quan tâm đặc biệt tới tụi em nên tụi em rất biết ơn.”

"Mùng 3 tết thầy" trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò 

Ngày nay, câu nói “Mùng 3 tết thầy” không còn mang nặng tính trách nhiệm, nhưng vẫn là dịp để học trò đến thăng viếng thầy, cô, cùng chia sẻ kỷ niệm trong niềm vui sum họp và là hạnh phúc lớn đối với những “người lái đò” trót mang nghiệp “gieo chữ, trồng người”.

Cô Trần Thị Kim Loan chia sẻ: “Tôi đi dạy đã 28 năm, nhiều lứa học trò giờ đây trở thành đồng nghiệp của mình. Tết năm nào, các em cũng đến thăm. Có những người học trò ở xa, không có điều kiện về thăm trong dịp năm mới cũng gọi điện chúc tết. Hạnh phúc nhất của nghề giáo là được học trò nhớ tới mình. Không chỉ riêng ngày tết, tôi thường nhắn tin hỏi thăm các em qua Zalo, Google meet, Facebook. Trong học tập cũng như trong cuộc sống, có gì khúc mắc các em cũng hay tâm sự với tôi. Có lẽ vì vậy mà tình cảm thầy trò gắn bó hơn.”

“Mùng 3 tết thầy” - phong tục đẹp của người Việt ngày đầu Năm mới

Phong tục “Mùng 3 tết thầy” là một trong những nét đẹp đáng trân trọng. Thế nhưng, ngày tết thầy dường như không còn mang phong vị truyền thống mà có những biến đổi theo sự phát triển của xã hội.

Tết thầy cốt ở tấm lòng, chẳng cần những món quà sang trọng, hoa mỹ, chỉ cần sự quan tâm chân thành của học trò cũ cũng khiến thầy cô hạnh phúc, làm nên một ngày tết đầy ấm áp, yêu thương./.

Trà Long

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích