Tiếng Việt | English

13/01/2016 - 10:59

Nghị lực của những cuộc đời không trọn vẹn

Họ là những người không toàn vẹn về thể chất, có những khiếm khuyết trên cơ thể và phải trải qua cuộc sống đầy khó khăn, thử thách. Thế nhưng họ không đầu hàng số phận mà sống một cuộc sống ý nghĩa. Họ như những nhánh cây luôn vươn về nơi có ánh nắng mặt trời!

Tài tử khiếm thị

Ông Trần Ngọc Nương, ngụ khu phố 6, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An sinh ra trong gia đình có đến 15 anh em làm nghề rèn, đôi mắt của ông không nhìn thấy ánh sáng từ năm 4 tuổi. 14 tuổi, ông được gửi đi học chữ nổi tại trường nam sinh ở TP.HCM rồi học đàn piano nhưng không theo nổi vì gia đình quá nghèo.

Vậy là, ông dành dụm tiền đi học cổ nhạc, hễ nghe ai dạy thì ông lại “tầm sư học đạo” với quyết tâm phải có cái nghề nuôi sống bản thân chứ không phụ thuộc gia đình. Đến khi lấy vợ, sinh được 4 người con, gia đình nhỏ của ông lại càng túng thiếu. Vậy là, có một khoảng thời gian dài cả nhà phải đi bán vé số mưu sinh. Vì cái nghèo đeo đẳng, các con ông không được học hành đến nơi, đến chốn, người học cao nhất chỉ đến lớp 6.

Bản thân ông, khi tham gia Hội Người mù của huyện vẫn tiếp tục nghiệp đờn ca, vẫn rong ruổi trên khắp các ngả đường bên xấp vé số. Thời gian ấy, gặp những người đồng cảnh ngộ, ông lại đưa về nhà để truyền dạy ngón đờn, lời ca. Theo ông, đối với người khiếm thị, làm bất cứ việc gì cũng khó khăn, chỉ có học đờn là vừa sức nhất, vừa có thể đi diễn kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Ngọc Nương dạy học trò đàn guitar phím lõm

Có thời gian, gia đình ông cưu mang 15-16 người trong mấy tháng liền mà chẳng nề hà chuyện tiền bạc, miễn là các “học trò” mình tiến bộ từng ngày, sau này có thể làm chủ được cuộc sống thì ông cũng hạnh phúc lây.

Hiện tại, ông là Chủ tịch Hội Người mù của huyện và ngày ngày vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khiếm thị. Ông cho biết: “Dạy đàn cho người khiếm thị rất vất vả, với người sáng mắt, được nhìn dây đó, phím đó bấm chỗ nào, họ ghi nhớ lại rồi học rất nhanh. Còn với người khiếm thị, ông phải cầm tay họ đặt lên cần đàn, hát đi hát lại, đàn đi đàn lại để họ nhớ bằng hình thức truyền khẩu. Cứ miệt mài như thế, nhiều người thấy khó quá cũng nản lòng, bế tắc, vợ chồng ông lại động viên. Không phụ lòng ông, một số học trò đã “ra nghề”, có thể tự kiếm sống bằng nghề đờn ca”.

Tiếng lành đồn xa, có người quê tận Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh cũng đến nhờ ông dạy nhạc. Hằng tháng, ông còn dẫn các hội viên Hội Người mù lên TP.HCM nhận quà của các đoàn từ thiện, trang trải cuộc sống. Đối với ông, cuộc đời mình dù khổ nhưng giúp được những hoàn cảnh đáng thương hơn thì chẳng cần phải phân vân, nghĩ ngợi gì.

Vượt qua nghịch cảnh

Còn cuộc đời anh Phạm Văn Ẩn, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là cả một hành trình vượt khó đầy nghị lực. Nhắc đến anh, bà con xung quanh ai cũng nhớ đến một người thợ sửa tivi với vóc dáng nhỏ bé do bị vẹo cột sống, đôi chân bị teo cơ vì di chứng sốt bại liệt, ít ai biết rằng chàng trai ấy từng gác lại ước mơ bước vào giảng đường đại học chỉ vì lý do sức khỏe.

Niềm vui của vợ chồng anh Phạm Văn Ẩn là được chăm sóc cháu ngoại

Anh Ẩn là con trai thứ năm trong gia đình 8 anh em ở xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ. Mới 5 tuổi, anh phải gánh chịu hậu quả của di chứng sốt bại liệt. Suốt những năm thơ ấu, cậu bé Ẩn “gạt” đi hết những lời trêu chọc của bạn bè khi phải cặp nạng sắt, cha mẹ cõng đến trường nhưng thành tích luôn trong top đầu của lớp. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai nghị lực ấy nộp hồ sơ vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM và đỗ hệ cao đẳng. Thế nhưng, ước mơ trở thành người thầy thuốc lại không thể trọn vẹn. Buồn, hụt hẫng nhưng anh vẫn cố gắng “trụ” lại TP.HCM để học nghề sửa tivi vì không muốn dựa dẫm vào người thân. Có nghề nghiệp ổn định, anh kết duyên với người con gái xinh xắn, vì cảm phục sự nỗ lực của anh mà đồng ý về làm vợ hiền, dâu thảo.

Khi mới cưới nhau, mẹ 2 bên đều nghèo, 2 vợ chồng anh lại cặm cụi làm ruộng, sửa tivi có tiền nuôi các con ăn học. Con gái lớn Phạm Lê Xuân tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM. Con trai Phạm Lê Khoa tốt nghiệp Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Cả 2 đều có việc làm ổn định.

Anh Phạm Văn Ẩn chia sẻ: “Tôi mất đi sức khỏe nhưng bù lại, tôi xem đó là động lực để cố gắng từng ngày. Nếu không trải qua những biến cố ấy, liệu tôi có quyết tâm để vượt qua khó khăn, phấn đấu nhiều như ngày hôm nay? Tôi khuyên các bạn trẻ cùng cảnh ngộ, khi cuộc đời không trọn vẹn, hãy cố gắng vươn lên và đừng nản chí. Chắc chắn rằng, những nỗ lực của mình sẽ được đền đáp nếu bạn có quyết tâm!”./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết