Tiếng Việt | English

18/01/2023 - 08:20

Nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 

Năm 2021, Long An là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; tác động mọi mặt đời sống KT-XH, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; sức chống chịu và nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp (DN), người dân giảm sút. Do vậy, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 1,02%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra. UBND tỉnh xác định năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, dự báo còn rất nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; các cuộc xung đột, chiến sự trên thế giới sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế.

Trước thực tế này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 với mục tiêu: Tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh, tạo nền tảng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững hậu Covid-19; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm, các chương trình đột phá, tạo động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út đối thoại với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Cần Giuộc, Cần Đước (Ảnh: Thành Phát)

Ngày 24/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 906/KH-UBND triển khai, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Trọng tâm của tỉnh trong kế hoạch là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh. UBND tỉnh đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch rõ ràng, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của từng ngành, từng địa phương tập trung thực hiện các định hướng, chương trình, giải pháp trên từng lĩnh vực được giao. Tình hình KT-XH của tỉnh năm 2022 hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%; trong đó, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) tăng 0,71%; khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 10,86%; khu vực III (thương mại, dịch vụ) tăng 9,95%; đây là mức tăng trưởng tương đối khá, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Với mức tăng trưởng này, Long An đứng thứ 5/13 tỉnh, thành trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau khoảng thời gian bị tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Sản xuất công nghiệp và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022 tăng khá cao so cùng kỳ (tăng 10%), nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp có sản lượng tăng so cùng kỳ (43/64 sản phẩm). Công tác xúc tiến, thu hút, hỗ trợ đầu tư tiếp tục được quan tâm thực hiện; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các DN như tổ chức hội nghị đối thoại với DN trên địa bàn tỉnh (đối thoại với DN Nhật Bản, các DN tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cần Đước,...) nhằm hỗ trợ DN tiếp tục phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc. Tình hình đăng ký DN rất khả quan, số DN đăng ký thành lập năm 2022 tăng 32% và vốn đầu tư trong nước tăng 3,8 lần so với năm 2021. Tỉnh tiếp tục đẩy nhanh thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại khu, cụm công nghiệp; 3 công trình trọng điểm và Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Hoạt động thương mại khôi phục mạnh mẽ, có nhiều tín hiệu tích cực. Giá xăng, dầu trong thời gian gần đây bắt đầu hạ nhiệt, điều này giúp cho hoạt động thương mại, xuất, nhập khẩu thuận lợi hơn, xuất khẩu tăng trên 6% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước năm 2022 đạt khoảng 104.000 tỉ đồng, đạt 107,8% kế hoạch, tăng 22,9% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 4,19%). Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỉ USD, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 5,69% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,88%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,0 tỉ USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,01% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 22,2%).

Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong năm 2022, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc-xin ở mức cao, tạo tiền đề cho các hoạt động văn hóa - xã hội diễn ra sôi nổi. Công tác phòng, chống dịch bệnh khác cũng được tăng cường, các loại dịch bệnh nguy hiểm nhìn chung giảm nhưng vẫn còn bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh so cùng kỳ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế; vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, không có trường hợp ngộ độc. Tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp được tập trung triển khai, thực hiện. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định.

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Long An năm 2022 khai mạc vào ngày 17/9, là sự kiện đặc biệt quan trọng của tỉnh cũng như ngành Du lịch Long An với nhiều hoạt động nổi bật

Mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19; tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, vượt quá khả năng dự báo của các tổ chức quốc tế, trong nước; chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn kéo dài; chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Kinh tế trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch, cần tích lũy để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động bên ngoài. Dịch Covid-19 trên thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, dự báo tiếp tục gây khó khăn cho phục hồi các hoạt động kinh tế, đời sống người dân.

Năm 2023, dự báo tình hình trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như ngành Nông nghiệp vẫn tiếp tục dự báo sẽ gặp khó khăn bởi tình hình tiêu thụ nông sản không ổn định; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; chi phí sản xuất vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh; chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa kết nối lại hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; biến động chính trị trên thế giới; tình hình thị trường tài chính trong nước;... Tuy nhiên, cũng có những thuận lợi như Chính phủ tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong tỉnh, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng mở rộng, hiệu quả hơn; kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện; nhiều khu, cụm công nghiệp mới đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư; nhiều dự án lớn đi vào triển khai, thực hiện như Nhà máy Coca-Cola, Trung tâm Thương mại Aeon, dự án của Ecopark; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi, phát triển sau dịch bệnh;... Với những thuận lợi và khó khăn đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo khắc phục khó khăn, thách thức và tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt trong năm 2022 để phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2023 từ 8-8,5%.

Để đạt mức tăng trưởng trên, tỉnh tập trung một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch Covid-19, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc-xin; tiếp tục triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển KT-XH; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân và DN.

Long An chú trọng công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út tặng quà lưu niệm cho đại diện Tập đoàn Tripod - ông Micheal Lu (Ảnh: Trà Long))

Tỉnh tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế như đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược; tích cực hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và phát triển sản xuất các sản phẩm mới thông qua việc kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tăng cường khuyến khích tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa sản xuất trong nước theo phương châm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân và DN. Bên cạnh đó, để tạo đà cho tăng trưởng năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước nhằm thu hút đầu tư, tận dụng tối đa sự dịch chuyển sản xuất trên thế giới; thường xuyên tổ chức đối thoại để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các DN;...

Bên cạnh phục hồi kinh tế, tỉnh tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, an dân, khôi phục và ổn định thị trường lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục củng cố, tăng cường, giữ vững quốc phòng - an ninh./.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út

Chia sẻ bài viết