Tiếng Việt | English

18/02/2020 - 19:00

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - An nhàn khi về già

Bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức. Người tham gia BHXHTN được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình; đồng thời, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, BHXH tỉnh Long An vận động trên 5.770 người tham gia BHXHTN.

Khi người dân hiểu về lợi ích

Về ấp Phú Tây A, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, chúng tôi được nghe phụ nữ nơi đây kể về lợi ích khi tham gia BHXHTN; đồng thời, các chị còn hào hứng vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Bà Võ Thị Chót phấn khởi nói: “Biết BHXHTN sớm là tôi tham gia lâu rồi, không đợi đến bây giờ. Tham gia BHXHTN giống như “của để dành” về già.Sau này lớn tuổi, không làm ra tiền, mình được lãnh lương hưu hàng tháng, không trở thành gánh nặng cho con cháu về sau.Hiện nay, tôi chọn mức đóng gần 140.000 đồng/tháng, phù hợp với kinh tế gia đình”.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thanh Phú Long vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thanh Phú Long vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Khi tham gia BHXHTN, người dân có thể lựa chọn mức thu nhập hàng tháng làm căn cứ đóng phù hợp với điều kiện kinh tế. Ngoài ra, người tham gia có nhiều lựa chọn về phương thức đóng: Hàng tháng, hàng quí, 6 tháng, hàng năm, đóng 1 lần cho nhiều năm hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm. Việc thay đổi phương thức đóng và mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXHTN cũng được áp dụng ít nhất sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

Đặc biệt, nhằm khuyến khích người dân tham gia BHXHTN, ngày 01/01/2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 700.000 đồng/tháng), cụ thể: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với những người tham gia thuộc đối tượng khác. Người tham gia BHXHTN chỉ phải đóng phần trách nhiệm đóng BHXHTN của mình; cơ quan BHXH có trách nhiệm tổng hợp số tiền Nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia gửi cơ quan tài chính để chuyển tiền hỗ trợ vào quỹ BHXH. Phương thức tham gia cũng rất đơn giản, người dân chỉ cần đến đăng ký qua các đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế tại địa phương.

Để mục đích, ý nghĩa chính sách nhân văn BHXHTN nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, huyện Châu Thành đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Bích Tuyền cho biết: “Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện là một trong những đơn vị làm tốt việc vận động người dân tham gia BHXHTN. Đến nay, hội vận động được hơn 300 hội viên tham gia.Để làm tốt công tác này, hội rất quan tâm đến công tác tuyên truyền cho hội viên - phụ nữ hiểu rõ từng lợi ích, quyền lợi khi tham gia BHXHTN. Khi hội viên chưa hiểu về hình thức, lợi ích tham gia BHXHTN,... người tuyên truyền luôn nhiệt tình tư vấn, tránh trường hợp tham gia mà không hiểu về quyền lợi”.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền

Hiện nay, tuy đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng Thạnh Hóa là địa phương tiêu biểu của tỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu về BHXHTN.Cuối năm 2019, huyện có 498 người tham gia BHXHTN. Thực hiện theo Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH toàn dân, BHXH huyện tham mưu UBND huyện gắn chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXHTN vào chỉ tiêu phát triển KT-XH địa phương. Ngoài ra, BHXH huyện còn phối hợp bưu điện, các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho người dân, góp phần đưa chính sách BHXHTN vào cuộc sống.

Người dân chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện Thạnh Hóa

Người dân chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại huyện Thạnh Hóa

Chủ đại lý thu BHXH tại xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa cho biết: “Để vận động người dân tham gia BHXHTN, tôi chia ra thành các nhóm đối tượng cho dễ vận động. Cụ thể, nhóm đối tượng đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó, hiện tại dừng đóng; nhóm các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập khá trở lên; nhóm những người đóng vai trò là chủ gia đình; nhóm hộ kinh doanh, buôn bán và nhóm còn lại. Từ đó, tôi có biện pháp tuyên truyền phù hợp cho từng nhóm. Ngoài ra, tại các buổi hội nghị tuyên truyền về BHXHTN, tôi còn tạo điều kiện cho người dân tham gia ngay khi không mang theo tiền và có sổ BHXH trong 5 ngày. Nhờ vậy, xã Tân Hiệp có số lượng người tham gia BHXHTN ngày càng tăng, riêng năm 2019 có gần 100 người tham gia”.

Sau khi được tư vấn về BHXHTN, vợ chồng chị Ngô Nguyên Trang, ngụ ấp 2, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa, quyết định tham gia ngay. Theo đó, vợ chồng chị chọn mức đóng 1,5 triệu đồng/quí/người. Chị Trang cho biết: “Bình thường, gia đình tôi làm bao nhiêu tiền cũng xài hết, không có dư, vì vậy tham gia BHXHTN xem như vừa bỏ ống, vừa có lời”.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh - Lê Thành Liếp cho biết: “Năm 2019, toàn tỉnh có 5.771 người tham gia BHXHTN, tăng 3.024 người (tăng 110,08%) so với năm 2018, đạt 103,33% kế hoạch BHXH Việt Nam giao (5.585 người). Trong năm, BHXH tỉnh phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức 169 hội nghị tuyên truyền về BHXHTN, với gần 8.000 người tham gia, trong đó, số người tham gia BHXHTN mới tại hội nghị là 2.500 người. Để đạt được kết quả trên, BHXH tỉnh luôn bám sát các giải pháp chỉ đạo, điều hành của BHXH Việt Nam; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các cơ quan BHXH và chính quyền địa phương, từ đó góp phần giúp BHXH tỉnh hoàn thành được nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thực hiện theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, đến năm 2020, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXHTN chiếm 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội”.

BHXHTN là chính sách mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người tham gia tích lũy, sẵn sàng cho cuộc sống an nhàn và chủ động tài chính lúc về già, nhất là với những người không có hợp đồng lao động và công việc ổn định. Việc nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXHTN, tiến tới BHXH cho mọi người dân từng bước đạt những kết quả phấn khởi; đồng thời, cũng đang là thách thức lớn trong thời gian sắp tới. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành BHXH mà cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị để thay đổi nhận thức, chuyển biến hành vi của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết