Tiếng Việt | English

23/09/2020 - 14:15

Cà na Thái 'hái' ra tiền

Với mục đích tận dụng đất vườn trồng cà na Thái để ăn chơi, vậy mà nhiều nông dân ở huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An thu lãi hàng chục triệu đồng, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Mưa kiếm thu nhập từ trồng cà na Thái

Ông Nguyễn Văn Mưa kiếm thu nhập từ trồng cà na Thái

Trồng chơi, ăn thiệt

Trước đây, cứ vào mùa nước nổi, cà na, bông điên điển, hẹ nước, bông súng đồng,... đua nhau phát triển. Ngày ấy, cà na chính là món quà quê mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng sông nước. Dù không phải cao lương mỹ vị nhưng cà na có nhiều cách chế biến như cà na đập, cà na ngào đường hay đơn giản cà na chấm muối ớt,... Ấy vậy mà gây thương, gây nhớ và trở thành một phần ký ức tuổi thơ của người dân vùng sông nước.

Ngày nay, muốn ăn cà na, chúng ta không phải đợi mùa nước nổi về mà cà na có quanh năm, vì nhiều nông dân ở huyện Tân Thạnh đã trồng cà na Thái. Cũng giống như cà na rừng, cà na Thái rất dễ trồng, chỉ cần ghim cành xuống đất thì 8-10 tháng bắt đầu cho trái quanh năm. Là người đầu tiên mạnh dạn tận dụng đất vườn trồng cà na Thái, ông Nguyễn Văn Mưa, ngụ ấp Hải Hưng, xã Nhơn Hòa, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng/năm chỉ với 2.000m2 đất vườn.

Ông Mưa cho biết: “Bây giờ, người dân xã Nhơn Hòa cứ gọi tôi là ông Tám cà na, vì là người đầu tiên trồng cà na Thái ăn chơi mà hái ra tiền. Ban đầu, tôi chỉ trồng xung quanh nhà, với mục đích ăn chơi và làm quà tặng người thân. Song, người dân xung quanh cũng có nhu cầu mua ăn hoặc làm quà biếu nên cà na hút hàng lắm, từ đó gia đình tôi quyết định trồng 4.000m2 đất, trong đó 2.000m2 đã cho trái. Hiện nay, bình quân mỗi ngày, gia đình tôi thu hoạch vài chục kilôgam cà na. Cà na sống bán với giá dao động từ 35.000-40.000 đồng/kg, còn cà na đập giập bán 70.000 đồng/kg”.

Không chỉ gia đình ông Mưa có lợi nhuận từ trồng cà na Thái mà nhiều nông dân ở đây cũng có tiền lai rai từ giống cây tưởng chừng chỉ trồng chơi. Ông Nguyễn Văn Dính, ngụ ấp Phụng Thớt, xã Nhơn Hòa, chia sẻ: “Gia đình tôi tận dụng đất vườn để trồng cà na Thái. Mặc dù chưa ra trái nhưng cây phát triển tốt, ít sâu, bệnh; đồng thời, nhiều người cũng đặt hàng khi cây bắt đầu thu hoạch”.

“Ăn theo” cà na

Những ngày này, chúng ta chỉ cần chạy xe về các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười sẽ dễ dàng nhìn thấy hai bên đường những mâm cà na tươi, cà na đập giập, cà na ngâm,... như mời gọi khách đi đường. Bà Trần Thị Lan, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, chia sẻ: “Thông thường, tôi chỉ bán khô, ngó sen, búp sen,.... Riêng 2 năm nay, tôi còn bán thêm các loại cà na ngâm, đập giập,... Cà na bán được lắm! Nhiều người mua cả chục hũ, nhất là vào các dịp lễ, tết”.

Cà na là loại cây rất dễ trồng, có lẽ vì vậy mà cách chế biến cà na cũng rất đơn giản. Bà Trần Thị Kim Lẹ, ngụ thị trấn Tân Thạnh, bộc bạch: “Cà na sống xanh, đập giập, trộn muối ớt có vị chua cay. Cà na ngâm nước mắm đường xăm xắp, có vị chua ngọt. Cà na ngào đường vàng ươm, hơi chua thanh và ngọt dịu. Nhờ cách chế biến đơn giản, tôi đã tận dụng thời gian sau giờ làm việc kiếm thêm thu nhập trên 100.000 đồng/ngày”.

Cà na là món ăn dân dã hấp dẫn thực khách, bởi vị chua chua, ngọt ngọt. Theo đó, ai từng đặt chân đến vùng Đồng Tháp Mười mà không thưởng thức các món ăn vặt chế biến từ trái cà na là một thiếu sót. Anh Trần Văn Long (tỉnh Bình Dương) trải lòng: “Mua cà na không chỉ vì thích ăn mà còn gợi nhớ ký ức tuổi thơ của anh em chúng tôi”.

Cà na - loại trái cây dân dã giờ trở thành đặc sản, ai cũng muốn thưởng thức và cũng trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết